(VietNamNet) - Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Thương mại cho biết, năm nay, Thành phố Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) được cấp giấy phép nhập khẩu 100.000 tấn lương thực từ Việt Nam và Thái Lan, mỗi nước 50.000 tấn. Từ cuối tháng 7, các doanh nghiệp của Côn Minh đã lên đường sang hai nước để triển khai việc mua gạo này.
|
Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu gạo vào Côn Minh. |
Phụ trách chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Vân Nam, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp vốn cho các DN kinh doanh lương thực ở Côn Minh, ông Phan Gia Loan, cho biết, tỉnh Vân Nam được trung ương cấp hạn ngạch nhập khẩu 460.000 tấn lương thực, trong đó, Côn Minh là 100.000 tấn. Ngân hàng đã chuẩn bị 1 tỷ NDT (đơn vị tiền tệ Trung Quốc) để nhập khẩu số lương thực nói trên. Trước mắt, 40 triệu NDT tiền bảo lãnh rủi ro đã được nhập vào tài khoản ngân hàng.
Tính đến thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của châu Á tiếp tục tăng vững mặc dù nhu cầu mua gạo có chiều hướng chậm lại do một số ruộng lúa ở Đông Bắc Thái Lan đang ngập trong nước lũ. Tùy thuộc vào tổn thất thực tế, giá gạo trên thị trường nội địa Thái Lan có thể sẽ tăng cao nếu mưa lớn còn tiếp tục.
Một nhà xuất khẩu cho biết, giá gạo chắc chắn sẽ ổn định ở mức hiện nay trừ khi nhu cầu về loại gạo đồ nhiều hơn. Phần lớn gạo đồ được xuất khẩu sang châu Phi. Tuy nhiên, sự leo thang của giá dầu sẽ làm chậm hoạt động xuất khẩu. Giá dầu cao sẽ gây khó khăn trong việc thuê tàu chuyên chở với giá cạnh tranh.
Cuối tuần qua, gạo Thái Lan 5% tấm là 240-244 USD/tấn, gần như không đổi so với mức chào bán tương ứng của ngày hôm trước 19/8.
Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu cũng ổn định dù nhu cầu trên thị trường nội địa không nhiều. Lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo của Chính phủ khiến các giao dịch trở nên trầm lắng, và giá có thể sẽ giảm trong tuần tới vì hầu hết các nhà xuất khẩu hiện đã ngưng việc thu mua thóc để hoàn thành các hợp đồng còn dang dở. Cuối ngày 20/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán ở mức 230 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, trong khi gạo 10% tấm là 228 USD/tấn.
|