|
Giá 1kg ure đã gần bằng 2kg thóc ( tính theo giá thóc tại Đồng bằng sông Cửu Long). |
(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hơn 1 năm qua, giá phân bón trên thị trường thế giới chỉ tăng chứ không giảm. Đến thời điểm này, tất cả các dự báo đều cho thấy giá phân bón có thể còn tăng nữa. Không những thế một số loại phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước có nguy cơ bị thiếu.
Giá phân bón còn tăng?
Phân tích của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy đến nay các DN không còn cơ hội để nhập khẩu phân bón giá thấp nữa. Trước đây nguồn cung cấp phân bón với số lượng lớn, giá thấp cho Việt Nam là Trung Quốc, nhưng bắt đầu từ 1/4/2004 Chính phủ Trung Quốc không còn trợ giá (10%) cho xuất khẩu phân bón nữa, nên giá phân bón nhập từ Trung Quốc sẽ tăng.
Bên cạnh đó đội tàu vận chuyển phân bón được phép lưu hành cũng không còn nhiều. Theo Hiệp hội tàu biển quốc tế, toàn thế giới có 117 tàu vận chuyển phân bón, thì số tàu hết hạn là 54 chiếc, trong 63 tàu còn lại thì loại có sức chở 50.000 tấn trở lên rất ít. Tính đến 30/6/2005 số tàu vận chuyển phân bón còn hạn lưu hành chỉ còn 18 chiếc. Số tàu đóng mới theo tính toán đến 30/12/2005 mới có khả năng đáp ứng được 35 - 45% lượng tàu hết hạn. Vì vậy việc vận chuyển phân bón gặp rất nhiều khó khăn, thời gian chờ đợi kéo dài và giá cước sẽ rất cao. Hiện nay giá cước vận tải phân bón từ Nga về Việt Nam đã lên tới 65USD/tấn (cách đây hơn 1 năm là 28USD/tấn).
Nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng phục vụ sản xuất phân bón như Amonia tăng giá quá cao, do cung không đủ cầu trên toàn thế giới. Năm 2000 giá Amonia là 65USD/tấn, thì đến năm 2003 là 240 - 245USD/tấn và thời điểm 15/3/2004 là 280 - 285USD/tấn. Giá dầu mỏ cũng tăng. Hiện nay dầu thô tại biển Baren là 33,17USD/thùng. Theo các nhà khoa học thời điểm khủng hoảng năng lượng đang đến gần, lượng dầu mỏ trên thế giới đang cạn kiệt nhanh từ 4% - 6%/năm. OPEC đã quyết định từ 1/4/2004 sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ là 2,5 triệu thùng/ngày. Thế giới đang sản xuất và tiêu thụ 75 triệu thùng dầu mỗi ngày, với tốc độ tiêu dùng như vậy đến 2015 nhu cầu dầu mỏ khí đốt sẽ tăng thêm 60 triệu thùng mỗi ngày, trong khi theo nghiên cứu thì dù các giếng dầu tại Nga, Trung đông có khai thác hết công suất với công nghệ tiên tiến nhất cũng chỉ đáp ứng được thêm 1/10 số này.
Đây là lý do làm cho giá phân bón còn có thể tăng thêm. Hiện nay giá phân ure trong nước bán tới tay người nông dân là 3600đ/kg, đã gần bằng 2kg thóc tính theo giá thóc tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguy cơ thiếu phân bón?
Theo bà Nguyễn Thị Ngọ - Tổng giám đốc công ty TNHH Thương mại Hoàng Lê - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam thì nguy cơ thiếu phân bón DAP tại thị trường trong nước thấy rõ.
Nhu cầu DAP cả nước khoảng 600.000tấn/năm, vụ đông xuân sắp tới cần khoảng 400.000tấn, loại phân này trong nước chưa sản xuất được. Hiện nay nhập khẩu về đến Việt Nam giá khoảng 5000đ/kg, nhưng giá đang bán trong nước chỉ có 4600đ/kg, như vậy DN sẽ bị lỗ 400đ/kg. Nếu Nhập từ Mỹ thì tàu nhỏ nhất cũng là 20.000tấn, giá từ 6 - 7 triệu USD, về nước lỗ chừng 1 triệu USD/tàu, nên không DN nào muốn nhập. Trong khi lượng tồn kho chỉ còn khoảng 100.000 tấn và đầu tháng 4/2004 là thời điểm bắt đầu vụ đông xuân trên cả nước.
Bên cạnh đó phân ure cũng đang tiềm ẩn nguy cơ bị thiếu. Nhu cầu ure cho vụ đông xuân là 500.000 tấn. Hiện nay hàng đã ký hợp đồng và nhập khẩu về đến Việt Nam khoảng 300.000 tấn (chưa kể tồn kho), xét ra thì không thiếu, nhưng điều hết sức đáng lo ngại là hàng đang về khá dồn dập nhất là tại các cảng TP.HCM, trong khi kho bãi luôn luôn không đủ chứa, làm cho giá thuê tăng khoảng 5USD/tấn. Có nhiều lô phân bón không có kho để thuê phải bỏ ngoài trời giữa mưa nắng, nên nhiều DN nhập khẩu phân trong giai đoạn này đang phải bán tháo ngay tại mạn tàu, giá rẻ hơn giá nhập khẩu, bán trả chậm 3 tháng. Vì thế không ai muốn ký hợp đồng nhập khẩu mới cho những thời điểm sau này.
Nhiều loại phân bón kém chất lượng đang lưu hành
Do thấy giá tăng, nhiều DN địa phương đã tham gia vào sản xuất phân bón. Nhất là với phân NPK, đang xảy ra tình trạng có nhiều sản phẩm chất lượng kém. Muốn có dây chuyền sản xuất phân NPK hiện đại, chất lượng cao thì vốn đầu tư phải trên 20 triệu USD, nhưng như vậy khấu hao sẽ lớn, giá thành cao, các cơ sở địa phương không làm được. Họ chỉ đầu tư vài chục triệu đồng là đã có 1 dây chuyền sản xuất phân NPK nên giá thành thấp và chất lượng phân sản xuất ra rất kém. Một DN cho biết những cơ sở này thậm chí còn trộn nhiều bùn vào phân để có giá bán rẻ và làm theo thời vụ. Khi nào thấy giá tăng thì sản xuất, làm một thời gian rồi thôi, rất khó cho các cơ quan quản lý kiểm soát. Nông dân không nhận biết được chất lượng thấy giá rẻ là mua làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
|