(VietNamNet) - Cà Mau vừa tách huyện Ngọc Hiển (cũ) thành hai huyện mới là Năm Căn và Ngọc Hiển. Hơn hai tháng qua, thị trấn của huyện Ngọc Hiển mới tại Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân) đã có đợt sốt đất.
Tách huyện: sốt đất trung tâm huyện mới
|
Một phần rừng phòng hộ cũng nằm trong khu quy hoạch. |
Rạch Gốc là một thị tứ nhỏ ven biển, được bao bọc xung quanh bởi những cánh rừng mắm, đước, tràm… Trước đây, còn thuộc huyện cũ, thị tứ này chỉ được xếp vào loại “tầm tầm bậc trung” trong huyện. Tuy nhiên, khi có tin sẽ quy hoạch nơi đây thành trung tâm huyện lỵ mới, nhiều đầu nậu từ Cà Mau, Cần Thơ đã đổ về mua đất … đón đầu. Bên cạnh đó, một số “cò” đất ở Năm Căn cũng tìm đến "tăm" một vài miếng để kiếm lời. Những lý do trên đã khiến cho thị trường nhà đất ở đây nhộn nhạo hẳn lên, và đẩy giá đất tăng lên rõ rệt.
Một số hộ dân cư ngụ tại đây cho biết, giá đất tại trung tâm xã Tân Ân trong hai tháng qua đã tăng lên khoảng 4 - 5 lần. Nếu như trước khi lên cơn “sốt”, giá một mét tới (có chiều sâu từ 40 - 50 mét) dao động trong khoảng 500 ngàn - 1 triệu đồng, thì nay đã tăng lên 4 - 5 triệu đồng. Sôi động hơn cả vẫn là khu quy hoạch trung tâm huyện lỵ (đoạn từ đường bê tông của xã kéo dài đến lâm ngư trường Kiến Vàng). Cũng theo một số người dân, giá đất tại đây đã tăng lên khoảng 5 - 6 lần trong vòng hai tháng nay. Cụ thể, 1 mét ngang giá có thể lên tới 7 - 8 triệu đồng.
Không riêng gì đất ở trung tâm xã, mà ngay cả đất ở những khu vực xa thị trấn hơn như dọc theo tuyến kinh số 3, hay khu vực giáp đồn Biên phòng 676, giá hiện tại cũng phải từ 2,5 - 3 triệu đồng/mét. Còn tại khu đất bãi bồi ven sông mà người dân nơi đây quen gọi là khu đất hà lan, hiện có nhiều người phát giá từ 4 - 5 triệu đồng/mét ngang, với chiều sâu khoảng 40 – 50 mét. Đặc biệt hơn, đất vuông tôm, đất rừng, đất nuôi tôm có vị trí dọc tuyến kinh 3 (thuộc ấp kinh 3) trước kia giá trung bình khoảng 6 triệu đồng/công (1000m2), thì đến nay đã được giao dịch với đơn vị tính bằng mét ngang hoặc mét tới. Một người dân ở đây kể, ông có khoảng 2 công đất ven kinh mua trong năm 2001 với giá chỉ trên 3 triệu đồng, nhưng hiện đã có người trả tới hơn 1 triệu đồng một mét tới mà ông còn chưa muốn bán. Ông hy vọng đất sẽ lên giá nữa.
Qui hoạch chi tiết càng chậm, càng khó quản lý việc mua bán đất
Theo giới chuyên môn, đa số những người xuống mua đất phần lớn là dân Cà Mau và một vài nơi khác. Trong số những người mua này, mục đích để sử dụng rất ít mà thực tế họ mua để... đón đầu quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều người vẫn dè dặt trong việc mua bán đất tại nơi này vì hiện nay vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng. Hiện mới chỉ có khu hành chính huyện là đã có qui hoạch cụ thể, nhưng khu này được các cấp chính quyền không cho phép chuyển nhượng, mua bán. Tuy nhiên, chính việc chưa ổn định này đã gây ra không ít khó khăn cho chính qyền địa phương trong việc quản lý. Ông Lưu Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã cho biết, mặc dù đã có quy hoạch nhưng việc cắm mốc chưa được thực hiện cụ thể, dẫn đến tình trạng người dân cất nhà trái phép tràn lan, sang nhượng không thông qua chính quyền mà chỉ giao dịch bằng việc… sang tay, làm cho chính quyền rất khó quản lý. Ông Thọ kiến nghị: “Huyện cần phải thực hiện nhanh các quy hoạch chi tiết để địa phương có điều kiện triển khai cũng như dễ dàng trong việc quản lý”.
Được biết, vừa qua UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt qui hoạch trung tâm huyện Ngọc Hiển. Huyện có diện tích khoảng hơn 400ha, phía Đông Bắc giáp rạch Đường Kéo, Tây Nam giáp rừng phòng hộ biển Đông, Đông Nam giáp sông Rạch Gốc và Tây Bắc giáp đất lâm nghiệp. Đáng chú ý, tại ngã ba sông nơi giáp giữa sông Rạch Gốc và kinh số 3 sẽ được quy hoạch thành khu thương mại dịch vụ kết hợp thành lập chợ trung tâm huyện. Như vậy, theo quy hoạch, những khu vực đang có giá đất tăng như hiện nay đều nằm tại khu trung tâm huyện lỵ và theo dự đoán, khi đã có bản quy hoạch chi tiết khu vực thị trấn thì giá đất sẽ còn lên cao nữa.
|