(VietNamNet) - Hiệp hội Phân bón Việt Nam dự báo ''cơn sốt'' phân bón sẽ còn kéo dài, ít nhất là đến quý II. Nguyên nhân là giá phân bón tại các nước xuất khẩu chính cho Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm, các DN trong nước lại đang lo ngại giá cao nên không dám nhập về trong khi lượng tồn kho trong nước không còn nhiều.
|
Lượng tồn kho phân bón trong nước không còn nhiều. |
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá phân bón trên thị trường trong nước đã không ngừng tăng, hiện đang dao động ở mức 3.350 - 3.500 đồng/kg ure rời và 3.950 - 4.000 đồng/kg DAP. Đây là mức giá cao, bất hợp lý so với giá lúa và xu hướng giá phân bón trên thị trường thế giới vào thời điểm hiện nay.
Nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất năm nay là 7,3 triệu tấn thì có tới 3,8 triệu tấn phải nhập khẩu. Lượng phân bón tồn kho năm 2003 chuyển sang năm nay chỉ còn khoảng 200 - 250.000 tấn ure và 170 - 190 ngàn tấn DAP, cộng lượng phân lân, NPK sản xuất trong nước chỉ đủ phục vụ sản xuất vụ đông xuân ở miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, lượng nhập khẩu năm nay thấp hơn cùng kỳ rất nhiều.
Hiện nay, nguồn cung phân bón chủ yếu cho thị trường Việt Nam là từ Trung Quốc và Indonesia thì cả 2 nước này đều đang trong tình trạng giảm cung và gặp khó khăn về cước vận chuyển. Các nhà máy của Indonesia thời gian qua gián đoạn vì phía Mỹ ngưng cung cấp gas với lý do đảm bảo an toàn, chống khủng bố. Việc cung cấp gas đã được nối lại, song, sản lượng sản xuất chỉ đủ để cung cấp cho nội địa.
Nguồn hàng từ Trung Quốc có cước vận chuyển tăng liên tục, hiện đã lên đến 25 - 30USD/tấn (trước là 15 - 18USD/tấn). Các nhà máy phân bón của Trung Quốc lại nằm phía Bắc. Việc thuê được tàu nước ngoài đến khu vực cảng này để nhận chuyên chở phân bón về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu trông cậy vào đội tàu Trung Quốc với khả năng hạn chế. Mặt khác, dây chuyền sản xuất của Trung Quốc là tự động đóng bao, các DN Việt Nam muốn nhập hàng rời phải chịu giá cao hơn (do phải xé bỏ bao trước lúc đưa xuống tàu). Nhưng nếu nhập hàng bao về Việt Nam, việc bốc dỡ ở Việt Nam lại chậm (bốc hàng bao chỉ 1.000 - 1.500 tấn/ngày, trong khi bốc hàng rời là 4.000 tấn/ngày). Giải phóng tàu nhanh hay chậm cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến giá cả.
Nguồn hàng từ các nước khác cũng đang gặp khó khăn. Các nhà máy của Nga nghỉ bảo dưỡng định kỳ, lịch nghỉ này lại trùng hợp với tình trạng khan hiếm nên càng làm trầm trọng tình hình.
Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng do Khối các nước xuất khẩu dầu OPEC dự kiến nâng giá bán từ 28 - 28,5USD/thùng lên 33,5 - 34USD/thùng, số tàu có tuổi thọ trên 25 năm sẽ tăng thêm và làm hạn chế số lượng tàu chuyên chở, gây khó khăn hơn nữa cho những nhà nhập khẩu phân bón.
|