Thị trường dịch vụ viễn thông
Tiếp tục chạy đua về giá và dịch vụ
08:02' 09/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Giá cước hiện nay tuy chưa giảm mạnh như dự đoán của nhiều người trước Tết, nhưng đã có những đợt khuyến mãi khá mạnh tay. Công ty dịch vụ viễn thông OCI  nhanh chóng tung ra chương trình gọi điện thoại miễn phí trong nhóm thuê bao nội bộ với số OC. FPT chuyển sang kêu gọi khách hàng sử dụng dịch vụ thuê bao Internet 1280 với mức cước ưu đãi.

Dịch vụ SnetFone tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi mới và quảng bá thương hiệu ngay đầu năm.

Giảm cước bằng khuyến mãi

 

Từ đầu tháng 2, phòng kinh doanh & tiếp thị của OCI đã bắt đầu hướng dẫn cho khách hàng sử dụng 2 dịch vụ mới là hộp thư thoại và liên lạc bằng số OC. Đồng thời, khi chọn mua loại thẻ Fone&Net, khách hàng sẽ được khuyến mãi gọi điện thoại quốc tế miễn phí trong nội bộ các thuê bao mang số OC.

 

FPT đang chờ đợi quyết định giảm cước xuống mức thấp nhất cho dịch vụ truy cập Internet và Internet phone. Hiện nay, Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn cho phép tự quyết định giảm cước viễn thông của các doanh nghiệp, nhưng cần tham khảo thêm mặt bằng giá cước chung của cộng đồng DN.

 

Tuy nhiên, một DN khó lòng tìm được lối đi riêng cho mình, khi mà tiềm lực tài chính giữa các DN hiện nay khá chênh lệch, và Nhà nước vẫn đang phải đóng vai trò trọng tài để tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh phá giá. Vì vậy, giải pháp tổ chức nhiều đợt khuyến mãi ngắn hạn được xem là tối ưu, có thể thay thế cho kế hoạch giảm cước của DN, nhằm thu hút khách hàng.

 

Trong khi chương trình “gọi gấp đôi - giá không đổi” của SnetFone vẫn còn hiệu lực cho đến hết tháng 3 (tặng thêm 50% số phút cho mỗi cuộc gọi), SnetFone đã thiết kế thêm chương trình khuyến mãi: mời khách hàng đăng ký dùng thử Internet phone. Tương tự với OCI, đây cũng là cách mời chào gọi điện thoại quốc tế miễn phí để thu hút khách hàng, quảng bá thương hiệu.

Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình VN với dịch vụ mới: phát chương trình truyền hình trên Internet.

 

Tăng giá trị dịch vụ

 

Nếu như mặt bằng cước dịch vụ truy cập Internet sẽ khó hạ xuống trong thời gian ngắn thì các doanh nghiệp đã chuyển sang cạnh tranh bằng cách tăng cường các dịch vụ gia tăng. Đơn cử, Công ty VDC tăng thêm tiện ích cho thẻ Internet trả trước 1260P giúp khách hàng có thể dùng để truy cập Internet, đồng thời sử dụng đường truyền dữ liệu không dây Wi-Fi và một số dịch vụ gia tăng khác trên mạng VNN. Đây  là một mô hình thẻ thông minh tại VN và trong tương lai, 1260P hoặc loại thẻ mang thương hiệu mới của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông sẽ được dùng cho việc đăng ký sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau.

 

Tại Thái Lan, Singapore, Mỹ... chỉ với một chiếc thẻ, người ta có thể truy cập Internet, gọi điện thoại, thanh toán điện tử qua ngân hàng... Trong khi đó, nhiều dịch vụ viễn thông của ta hiện nay còn khá nhiêu khê về thủ tục đăng ký, gây nên trở ngại chính cho quá trình phát triển của ngành viễn thông trong những năm vừa qua. Thực tế đã cho thấy, khi những loại hình dịch vụ 1268 - 1269 - 1280 - 1270 của các DN được đưa vào vận hành lập tức thu hút khá nhiều thuê bao, do khách hàng không phải đăng ký trực tiếp.

 

Trong năm nay, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển dịch vụ mới. Hòa nhập với hệ thống viễn thông thế hệ mới NGN (Next Generation Network) vừa được triển khai giai đoạn đầu, sẽ là các sản phẩm dịch vụ mang tính linh hoạt hơn, thông minh hơn. Đây là bước đệm cho sự xuất hiện trong tương lai gần của mạng điện thoại di động thế hệ thứ ba, video tương tác, kênh truyền hình trên Internet...

 

Hướng mở cho DN Việt Nam

 

Cho đến nay, DN Việt Nam vẫn chưa phải chịu sức ép từ các tập đoàn viễn thông nước ngoài. Các tập đoàn như Qualcomm, Ericsson, Siemens... đang nhiệt tình hỗ trợ một số DN để xác lập chỗ đứng trên thị trường. Lần lượt ra đời những mạng viễn thông gắn với tên tuổi của hãng nước ngoài như Viettel - Alcatel (mạng GSM); Hanoi Telecom - Qualcomm và Ericsson (mạng CDMA); Saigon Postel - SK Telecom (mạng CDMA).

 

Phần lớn các DN viễn thông mới được thành lập đều được Nhà nước ưu tiên qua việc đưa ra khung giá cước mềm hơn so với các DN đã ra đời trước đó. Nếu như Nhà nước quyết định mở dịch vụ điện thoại di động GSM nội vùng, chắc chắn các DN viễn thông mới như S-Fone, Viettel và Hanoi Telecom không thể cạnh tranh được với mức giá cước 900đ/phút (nội vùng) cùng với ưu thế áp đảo về số lượng thuê bao hiện hữu của Vinaphone và Mobifone.

  • Chí Thịnh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi