|
Cho đến hết tháng 5/2003, mới có khoảng 10% số DN được cổ phần hoá theo kế hoạch. |
Nhà nước quy định, cổ phần do Nhà nước giữ lại khi bán cổ phần lần đầu, mức ít nhất là 51% đối với các công ty có vốn trên 5 tỷ đồng và sản xuất kinh doanh có lãi. Theo chuyên viên kinh tế và chứng khoán Huy Nam, điều này làm cho hầu hết các công ty trong cuộc, nhà đầu tư e ngại trước sự ra đời một thực thể "vừa là DN cổ phần vừa là DNNN''.
Khoảng lặng 51%...
Đầu năm 2003, với quyết tâm của Chính phủ, khoảng 2.000 DN đã được lên lịch cho kế hoạch sắp xếp từ 2003-2005, chỉ tiêu cổ phần hoá mỗi năm được xác định cụ thể bằng các danh sách riêng cho từng bộ ngành, địa phương. Tuy vậy, đến gần hết quý III/2003 tình hình thực tế vẫn không mấy khả quan.
Nguyên nhân đưa đến sự trì trệ như vậy ngoài những lý do cố hữu, nay có thêm những vướng mắc từ những quy định mới, trong đó có quy định ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý triển khai: Quy định về cổ phần do nhà nước giữ lại khi bán cổ phần lần đầu, mức ít nhất là 51% đối với các công ty có vốn trên 5 tỷ đồng và sản xuất kinh doanh có lãi (chỉ thị 01/2003/CT-TTg).
Dù ít nghe nhắc đến, song đây là một vấn đề được hầu hết các công ty trong cuộc, nhà đầu tư và giới phân tích kinh tế quan tâm đặc biệt. Băn khoăn chủ yếu xuất phát từ tâm lý e ngại trước sự ra đời một thực thể "vừa là DN cổ phần vừa là DNNN''.
Trước tiên, bình thường trong một công ty cổ phần, cổ đông chỉ nắm giữ 10% tổng lượng cổ phần là có thể có vai trò nặng ký, có ảnh hưởng mạnh đến công ty đó. Đối với các công ty tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán, cổ đông chỉ cần nắm giữ 5% đã được xếp vào loại "ông lớn". Một công ty cổ phần Nhà nước giữ lại 51% thì nó hoàn toàn có thể duy trì sự quản lý như cũ, yếu tố đổi mới là không thể hay rất khó xảy ra!
Thêm vào đó trong bối cảnh cải cách DNNN đang diễn ra, bên cạnh hoạt động sắp xếp hay CPH, một dự thảo Luật DNNN (sửa đổi) đã được đưa ra bàn luận vào giữa năm 2003. Ngay ở phần định nghĩa thế nào là DNNN của dự thảo này, tức việc nhận dạng hình thức DN, người ta thấy trong đó bao gồm các "công ty cổ phần do Nhà nước giữ cổ phần chi phối"! Điều này có vẻ "đụng chạm" đến chủ trương cổ phần hoá đã được xác lập. Bởi theo quy định hiện hành, DNNN sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi theo hướng cổ phần hoá sẽ hoạt động theo Luật DN (điều 31, Nghị định 64/2002/NĐ-CP). Như vậy liệu rằng một công ty cổ phần vừa phải bươn chải trong một sân chơi quy ước có tính sàng lọc khắt khe (Luật DN), vừa phải tuân thủ một khuôn khổ được chế định theo quyền năng độc tôn (Luật DNNN), sẽ có điều kiện hoạt động tốt hơn hay tốt bằng các DN chỉ cần theo một luật, chơi trong một sân?
Thật ra, việc giữ lại 51% cổ phần chi phối khi cổ phần hoá một công ty sẽ là việc bình thường nếu công ty đó đang thủ đắc các ưu thế vượt trội. Thông thường, đó là những công ty có gốc gác (hay lịch sử) quản trị và phát triển rất tốt, ngành kinh doanh có tiềm năng hấp dẫn, không dễ gia nhập hay cần điều kiện cao, lĩnh vực hoạt động có lợi thế ổn định, được ưu đãi... Và đặc biệt là bối cảnh pháp lý về cổ phần trong nền kinh tế đã phát triển tốt, nhất là về cơ chế đảm bảo tính minh bạch. Vì 51% là tỷ lệ áp đảo nên chỉ các công ty rất chọn lọc mới áp dụng.
Trong khi Nhà nước một lần nữa tỏ ra thận trọng với khuyến nghị giữ lại 51%... thì đồng thời cũng rất quyết liệt muốn đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá cho kịp với lộ trình hội nhập. Do đã được lên danh sách, lần này các DN không còn lý do để nấn ná, tuy vậy hầu hết họ vẫn còn ngại về tỷ lệ 51%. E ngại này có cơ sở và là một lo toan tích cực bởi rất nhiều giám đốc ngay khi dự trù hiệu quả sau cổ phần hoá đã nghĩ đến chỉ số ROE (Return on equity/lợi thuần trên vốn cổ đông), đây là số đo "không có cửa để xuề xoà" với bất kỳ công ty cổ phần nào! Mà hiệu quả lại không tỷ lệ thuận với độ lớn của cái ô bao cấp.
Nói khác đi, chính lãnh đạo các công ty sắp cổ phần hoá đang muốn tìm động lực cho công ty mình sau này. Động lực ấy có điểm gặp nhau với công chúng đầu tư ở chỗ mưu cầu hiệu quả. Đây có thể xem là nguyện vọng chung về một hướng giải quyết mềm dẻo và uyển chuyển hơn để đẩy mạnh tiến trình.
"Chỉ là bước đi"
Theo Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN trung ương, Chỉ thị 01 của Thủ tướng quy định đối với DNNN cổ phần hoá có vốn trên 5 tỷ đồng và sản xuất kinh doanh có lãi thì khi bán cổ phần lần đầu Nhà nước giữ ít nhất 51% vốn điều lệ. Ở đây cần chú ý khái niệm "bán cổ phần lần đầu" để tránh ý nghĩ sai là Nhà nước giữ cổ phần chi phối DN cổ phần hoá một cách tràn lan. Nói "bán cổ phần lần đầu" có nghĩa là cổ phần nhà nước sẽ tiếp tục được bán ra lần hai, lần ba... Lúc ấy, tỷ lệ cổ phần nhà nước còn nắm giữ ở DN cổ phần hoá có thể sẽ chỉ còn ở mức rất thấp hoặc không còn nếu DN không thuộc diện Nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cũng có nghe phản ảnh quy định "Nhà nước giữ ít nhất 51%..." đã tạo ra một tâm lý e ngại trong các nhà đầu tư và góp phần làm chậm tiến trình thực hiện cổ phần hoá. Thực tế quy định này ra đời là nhằm tạo bước đi cổ phần hoá một cách tích cực và vững chắc hơn. Quá trình thực hiện cổ phần hoá vừa qua cho thấy việc bán cổ phần đã khó khăn do số DN cổ phần hoá có độ hấp dẫn đầu tư cao không còn nhiều. Đã có tình trạng DN cổ phần hoá không bán hết số cổ phần bán ra cho người lao động tại DN và công chúng bên ngoài dù đã có quyết định chuyển thể cả năm, làm cho việc chuyển đổi sang công ty cổ phần ở các DN này thường bị kéo dài.
Ông Huy cho rằng, nếu Nhà nước thay đổi cách làm là giữ lại tỷ lệ cao và chỉ bán cổ phần lần đầu với tỷ lệ thấp thì rõ ràng sẽ bán nhanh hơn, từ đó DN sẽ mau chóng được chuyển thể sang công ty cổ phần để hoạt động với mô hình mới. Mặt khác, việc Nhà nước giữ lại mức cổ phần cao khi bán ra lần đầu và sẽ tiếp tục bán ra số cổ phần này bằng hình thức đấu giá hoặc bán trên thị trường chứng khoán cũng sẽ giúp bán được với giá sát giá thị trường hơn. Điều này sẽ làm giảm luồng ý kiến phê phán cổ phần hoá là gây thất thoát tài sản đã được đề cập khá nhiều trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện cho tiến trình cổ phần hoá được thực hiện một cách nhanh chóng hơn.
(Theo Tuổi Trẻ) |