|
Giá nhiều loại laptop chỉ khoảng 1.000 USD, bằng giá của loại dùng rồi. |
Hiện nay, giá máy tính xách tay đời mới của các hãng nước ngoài có tên tuổi không dưới 1.700 USD. Máy tính xách tay lắp ráp trong nước cũng trên 1.000 USD. Nhưng một tháng trở lại đây, giới nhân viên văn phòng xôn xao, rủ rê nhau đi mua laptop giá rẻ, chỉ khoảng 1.000 USD, bằng giá của loại dùng rồi.
Đua nhau giảm giá
Hãng Acer (Ðài Loan) - đơn vị tiên phong đưa ra thị trường loại máy giá dưới 1.000 USD. Tung ra thị trường từ 10/6, sau hơn hai tháng, đã có hơn 800 TravelMate 240, với giá 999 USD, được tiêu thụ. Khi hãng HP đưa ra loại máy tính có giá 999 USD, Acer liền khuyến mãi 70 USD cho khách hàng mua máy tính loại 240 FX áp dụng trong một tháng kể từ 20/8. Với chiêu thức này, trong vòng hai tuần, Acer đã bán thêm gần 500 máy. Tính chung, Acer đạt doanh thu gần 1,3 triệu USD từ một loại máy tính xách tay.
Không chịu thua kém, đại gia HP đưa ra máy tính Compaq Presario 2128 CE, với giá 999 USD. Từ 15/8 đến 15/10, mỗi khách hàng mua máy Presario 2128 được khuyến mãi thêm thẻ nhớ 32 MB, trị giá khoảng 15 USD. Theo một đại lý trên đường Võ Thị Sáu, loại máy này bán khá chạy, nhất là cho người chuẩn bị đi du học. Ngoài hai loại trên, các hãng khác cũng đưa ra dòng máy tính có cấu hình trung bình, với giá khoảng 1.100 USD, như Sattelite A10-S100 của hãng Toshiba. Ngoài ra, thị trường còn có hàng của ECS (Ðài Loan) với cấu hình tương tự, nhưng dùng chíp P4 1.8 GHz, với giá 925USD.
Trong khi đó, các nhà lắp ráp máy tính xách tay trong nước như Mekong Green, CMS hay Vinacom vẫn án binh bất động. Theo ông Nguyễn Minh Huyên, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty máy tính CMS, sản phẩm của CMS nhắm đến đối tượng muốn mua máy tính có cấu hình mạnh. Do vậy, trong dòng máy tính xách tay lắp ráp tại Việt Nam, loại rẻ nhất thuộc về Mekong IBook với giá 750-935 USD, với cấu hình: màn hình 12,1 inch, chíp Celeron tốc độ 650 MHz hoặc Pentium III 733 MHz (825 USD). Còn lại đều có giá trên 1.000 USD nên khó lòng cạnh tranh với máy thương hiệu nước ngoài.
Cấu hình phổ thông
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phòng Tiếp thị - truyền thông, hãng Acer, nhận định, thị trường máy tính xách tay rất có tiềm năng. Nhu cầu trong những năm tới sẽ còn tăng mạnh, song, sức mua thị trường còn hạn chế vì thu nhập chưa cao. Do vậy, Acer đã đưa ra dòng máy có cấu hình phổ thông, phù hợp với các đối tượng là du học sinh, nhà kinh doanh, văn phòng của DN vừa và nhỏ.
Một trong những yếu tố để các loại máy trên có giá hạ là việc sử dụng Celeron, một loại chíp thế hệ cũ. Ở máy tính để bàn, cùng một tốc độ, chíp Pentium 4 có giá cao hơn chíp Celeron 100-150 USD. Nhà sản xuất chọn màn hình có đường kính 14 (inch), đồng thời, lắp ổ CD-ROM thay vì DVD-ROM. Ngoài ra, các máy tính đều có trọng lượng trên trung bình, từ 2,8-3,2 kg. Thời gian sử dụng của pin từ 3 đến 3,5 giờ.
Ngoài những yếu tố trên, mỗi nhà sản xuất đều thay đổi thiết kế, phụ kiện đi kèm để hạ giá thành. Chẳng hạn, người tiêu dùng sẽ không thấy nhãn hiệu loa JBL vẫn thường có trên các dòng máy tính Presario ở dòng máy Presario 2128 CE. Nhìn chung, cấu hình máy có thay đổi, nhưng phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, các hãng lớn đều có lợi thế so sánh trong sản xuất hàng loạt, khấu hao dây chuyền nhỏ. Hàng nhập về Việt Nam lại được nhập từ các nước trong khu vực, với giá nhân công rẻ, chi phí vận chuyển thấp. Xét chung cả về kỹ thuật lẫn yếu tố kinh tế, máy tính xách tay thương hiệu Việt Nam khó lòng cạnh tranh được. Do vậy, việc cạnh tranh ở thị trường này vẫn là cuộc chơi của các đại gia.
(Theo SGTT) |