(VietNamNet) - Thời gian gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã có một cuộc đua gia tăng lãi suất huy động vốn. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là người khai hỏa cuộc đua, và lần lượt các ngân hàng vào cuộc. Bài viết này xem xét những biến động trên trong bối cảnh của chính sách lãi suất, bắt đầu từ khi trần lãi suất cho vay chính thức được hủy bỏ.
…ngày 10/7/2002, ngân hàng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) công bố mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng Việt Nam được tăng lên cao nhất trong số các ngân hàng quốc doanh và cao hơn nhiều ngân hàng cổ phần (3 tháng là 0,6%/tháng; 6 tháng 0,65%; 12 tháng 0,67%).
…đến ngày 29/7/2002, VCB bắt đầu tung ra loại kỳ phiếu 3 kỳ hạn (6, 9 và 12 tháng) này với mức lãi suất lần lượt là 0,67%, 0,69% và 0,7%/tháng.
…Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ở một số chi nhánh phát hành kỳ phiếu 3 tháng lãi suất trả trước 0,65%/tháng (tương đương 0,66%/tháng lãi trả sau)
…lãi suất tiết kiệm của Habubank cũng được tăng lên (mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng là 0,7%/tháng)
(Báo Thanh Niên, “Các ngân hàng sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động”, 8/5/2002)
…Từ ngày 12/2/2003 các chứng chỉ tiền gửi [của ngân hàng Đầu tư và Phát triển] mua bằng VND được trả lãi trước với mức lãi suất 7,75%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, 7,87%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, 7,77%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng và 8,25%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng (Thời báo Kinh tế “BIDV sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn”, 10/2/2003)
…21/4/2003 Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu (Eximbank) bắt đầu triển khai loại hình tiết kiệm hỗn hợp bằng tiền đồng và USD…[lãi suất] sẽ cao hơn lãi suất không kỳ hạn (hiện nay là 0,2%/tháng) từ 2,25 - 3 lần (Báo Thanh Niên, “Eximbank triển khai tiết kiệm hỗn hợp với lãi suất cao”, 21/4/2003) |
Cơ chế lãi suất cơ bản
Trước đây Ngân hàng Nhà nước ấn định một trần lãi suất cho vay, ví dụ như trần 0,85%/tháng vào thời điểm trước tháng 8/2000. Thực tế là trong năm 1999, các ngân hàng thương mại không theo kịp năm đợt hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, và kết quả là lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân vượt trên trần (xem đồ thị).
Tháng 8/2000, Ngân hàng Nhà nước thay thế trần lãi suất bằng một cơ chế mới trong đó lãi suất cho vay nội tệ của ngân hàng được điều chỉnh theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Các ngân hàng không được tính lãi suất cho vay vượt quá lãi suất cơ bản cộng biên độ 0,3%/tháng đối với vốn ngắn hạn và 0,5%/tháng đối với vốn trung, dài hạn.
Cơ chế lãi suất cơ bản về bản chất không khác gì so với trần lãi suất áp dụng trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất cơ bản cộng biên độ đã trở nên cao hơn trần lãi suất cũ rất nhiều. Như vậy, từ lúc này các ngân hàng đã bắt đầu ấn định lãi suất trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng.
Một điểm đáng chú ý nữa là lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, mặc dù luôn cao hơn lãi suất cơ bản, nhưng thay đổi theo lãi suất cơ bản. Trong năm 2000 và 2001, cả hai mức lãi suất này đều giảm. Nhưng trong thời gian đó, lãi suất tiền gửi lại tăng lên. Cạnh tranh giữa các ngân hàng đã làm giảm đi rõ rệt chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay.
Nói chung, có ba ý kiến khác nhau về cơ chế lãi suất cơ bản. Ý kiến thứ nhất cho cơ chế mới không có gì khác với trần lãi suất trước đây. Đặc biệt, chính sách này cũng như trần lãi suất, hoàn toàn loại bỏ những người vay vốn nhỏ (như tiểu thương, hộ sản xuất nhỏ và cá nhân) ra khỏi thị trường tài chính chính thức. Lý do là chi phí cho vay đối với các đối tượng này thường lớn nên không thể cho họ vay nếu không áp dụng lãi suất cao.
Ý kiến thứ hai nhấn mạnh tính tích cực của cơ chế lãi suất cơ bản. Trong phạm vi biên độ cho phép (0,3%/tháng đối với vay ngắn hạn và 0,5%/tháng đối với vay dài hạn) các ngân hàng có thể định mức lãi suất cho mỗi hợp đồng tùy theo mức độ rủi ro, chứ không còn áp dụng một mức chung cho tất cả các khách hàng như trước đây. Cạnh tranh trong hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ gia tăng và hiệu quả phân bổ vốn cũng sẽ được cải thiện. Hơn thế nữa, Ngân hàng Nhà nước trong nhiều trường hợp đã thay đổi lãi suất cơ bản theo tình hình lãi suất trên thị trường. Đây là tín hiệu để có thế tiến tới tự do hóa hoàn toàn lãi suất.
Ý kiến thứ ba lại mang tính bi quan trước cơ chế mới. Theo ý kiến này, việc các ngân hàng được tự do định đoạt lãi suất trong khi các doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới sẽ chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ tài chính vốn không được lành mạnh giữa hai thực thể này. Đối với các doanh nghiệp nhà nước ngầm hiểu là được chính phủ bảo lãnh, ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay với lãi suất trong khoảng 0,6-0,65%/tháng, trong khi khu vực tư nhân có thể phải trả lãi suất tới 0,75-0,8%/tháng vì các ngân hàng coi việc cho khu vực này vay là rủi ro hơn.
Tự do hóa lãi suất
Tháng 11/2001, trần lãi suất cho vay ngoại tệ được xóa bỏ, cho phép người vay có thể thương lượng lãi suất với các ngân hàng nội địa cũng như nước ngoài. Đến tháng 6/2002, lãi suất được tự do hóa hoàn toàn với việc các ngân hàng được phép xác định lãi suất cho vay trên cơ sở tự thẩm định và thương lượng với khách hàng.
Như đã trình bày, thực tế là các ngân hàng đã chủ động xác định lãi suất tiền gửi và cho vay từ thời điểm áp dụng lãi suất cơ bản. Với việc chính thức tự do hóa lãi suất thì lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ còn tính chất tham khảo. Lãi suất tiền gửi tiếp tục gia tăng. Đồng thời, ngay sau khi ra quyết định tự do hóa, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã lập tức nhích lên.
Quan điểm hoài nghi về tự do hóa lãi suất cho rằng, nếu không kiểm soát lãi suất sẽ dẫn tới tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” do các ngân hàng nhỏ khó có khả năng giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh với các ngân hàng lớn. Một số ngân hàng đề xuất thực hiện một sàn lãi suất cho vay, tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy trước đây bốn ngân hàng thương mại quốc doanh đã từng thống nhất lãi suất sàn nhưng cuối cùng không thực hiện nổi. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cổ phần dường như không thể giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm lãi suất cho vay vì sẽ ngay lập tức bị người tiết kiệm rút tiền. Ngược lại, họ có thể có xu hướng tăng lãi suất huy động để rồi thực hiện những khoản đầu tư rủi ro cao. Đây là hiện tượng lựa chọn bất lợi (adverse selection) khi ngân hàng chỉ có thể cho vay lãi suất cao nên cuối cùng chỉ còn khách hàng là các dự án rủi ro cao. Sự gia tăng lãi suất tiền gửi và cho vay sau quyết định tự do hóa minh chứng cho lập luận này.
Trái ngược với những ý kiến phản đối tự do hóa lãi suất ở trên, những người ủng hộ đưa ra các lập luận tương tự như các lý lẽ ủng hộ cơ chế lãi suất cơ bản trước đây. Khi lãi suất giờ đây phản ánh cung cầu trên thị trường vốn vay, các ngân hàng sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường và sẽ phải đẩy mạnh cải cách để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Hơn thế nữa, khi lãi suất cơ bản chỉ còn tính chất tham khảo thì các ngân hàng hoàn toàn có thể cho với các lãi suất khác nhau tùy theo mức độ rủi ro của khách hàng và chi phí cho vay. Các đối tượng vay như hộ kinh doanh nhỏ hay nông dân không còn bị loại ra ngoài cuộc chơi như trước đây.
Những người ủng hộ tự do hóa lãi suất không nhìn nhận hiện tượng gia tăng lãi suất là kết quả của việc bỏ quy định về biên độ lãi suất cho vay. Theo họ, thực tế là lãi suất đã tăng nhiều tháng trước khi có quyết định tự do hóa lãi suất. Sự gia tăng lãi suất phản ánh tình trạng khan hiếm vốn trong năm 2001 và 2002, khi nguồn vốn của các ngân hàng không đáp ứng đủ nhu cầu vay, đặc biệt là vay trung và dài hạn.
Đáng lưu ý là trong khi lãi suất nội tệ tăng lên, thì lãi suất ngoại tệ (cả tiền gửi và cho vay) lại hầu như không nhúc nhích cho dù lãi suất cho vay ngoại tệ đã được tự do hóa trước cả lãi suất cho vay nội tệ. Có ý kiến cho rằng việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất liên tục đã giữ cho lãi suất cho vay đô-la Mỹ tại Việt Nam ở vào mức thấp. Thực tế là lượng tiền gửi nội tệ đã tăng nhanh hơn lượng tiền gửi bằng ngoại tệ trong năm 2002, trong khi lãi suất cho vay USD chỉ có 2,85-3%/năm (vào đầu năm 2003) đang hấp dẫn các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ.
Kết luận
Rõ ràng là tự do hóa lãi suất cho vay đã có tác động tích cực làm cho hệ thống tín dụng ngân hàng sôi động hẳn lên. Khi hoạt động trong một môi trường có giá cả hoàn toàn dựa vào cân đối cung và cầu, các ngân hàng đã phải chủ động tích cực thẩm định để quyết định lãi suất cho vay, phải cạnh tranh để thu hút vốn vay, và phải tìm mọi biện pháp nâng cao hiệu quả khi chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra giảm xuống. Đây là những bước đi rất tích cực của toàn bộ hệ thống trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một nguy cơ là ngân hàng có thể cho vay quá nhiều vào những dự án tuy rủi ro cao nhưng chấp nhận được lãi suất cao, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất đầu vào cao hơn lãi suất đầu vào của ngân hàng quốc doanh. Do vậy, kinh nghiệm của nhiều nước đã cho thấy tự do hóa lãi suất phải đi kèm với việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường các quy định về kinh doanh thận trọng, đồng thời giám sát hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng. Cần phải tăng cường cơ chế giám sát truyền thống, trong đó tập trung đánh giá chất lượng bảng cân đối kế toán của ngân hàng tại một thời điểm và kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vốn và giới hạn trong đầu tư. Hơn thế nữa, Ngân hàng Nhà nước nên bắt đầu chuyển hướng sang việc đánh giá quy trình quản lý rủi ro, chất lượng giám sát của hội đồng quản trị, ban giám đốc ngân hàng và hệ thống kiểm soát nội bộ.
|