|
Giấy tồn kho quá nhiều, DN đành dừng sản xuất. |
Không phải chờ đến tháng 7, khi thuế nhập khẩu các loại giấu giảm xuống còn 20%, ngành giấy mới chịu sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập ngoại. Không ít doanh nghiệp của ngành đã ngừng sản xuất, chờ tiêu thụ giấy tồn kho.
Chỉ trong ba tháng đầu năm, 85.000 tấn giấy đã được nhập khẩu, gần gấp đôi sản lượng mà Tổng Công ty Giấy Việt Nam sản xuất trong cùng thời gian. Thực ra, từ hai năm nay, giấy ngoại vào Việt Nam khá nhiều theo các dự án viện trợ không hoàn lại, không phải chịu thuế. Vô hình trung, những hàng rào bảo hộ cuối cùng đã mất tác dụng trước khi được dỡ bỏ một cách chính thức (hạ thuế nhập khẩu từ 40%, 50% xuống còn 20% vào tháng 7 tới).
Năm 2003 là năm khó khăn của ngành giấy, khi các dự án đầu tư mở rộng một số nhà máy mới đi vào sản xuất, chưa chiếm lĩnh được thị trường, trong khi vẫn phải trả nợ ngân hàng, khiến giá thành sản phẩm lên cao. Bên cạnh đó, giấy ngoại vẫn tràn vào liên tục. Một số doanh nghiệp lớn không trụ nổi, đành phải ngừng sản xuất do thiếu thị trường. Công ty Giấy Tân Mai để máy móc ''đắp chiếu'' một tháng trong quý I, chờ tiêu thụ giấy tồn kho. Dây chuyền giấy bao bì công nghiệp của Công ty Giấy Việt Trì, dù mới hoạt động từ cuối năm 2002, cũng phải ngừng máy từ cuối tháng 2 vì thiếu vốn lưu động và thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp khác thuộc Tổng Công ty cũng gặp vô vàn khó khăn trong khâu tiêu thụ. Mức tồn kho tại thời điểm này của toàn Tổng Công ty Giấy là 35.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ khó khăn về thị trường, hoạt động đầu tư của ngành giấy cũng có vấn đề. Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng Ban kiểm soát của Tổng Công ty Giấy cho biết, các công trình đầu tư trong ngành đều chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém trong quản lý xây dựng cơ bản, thiếu năng động trong việc thực hiện các dự án. Sự chậm trễ trong giao đất trồng rừng, ách tắc trong thủ tục vay vốn đầu tư và xét duyệt các thủ tục xây dựng cơ bản ở các cấp... cũng góp phần làm quá trình đầu tư chậm trễ thêm. Thí dụ, dự án Giấy Việt Trì mất 52 tháng từ khi dự án được duyệt báo cáo khả thi cho đến khi đưa vào sử dụng, trong đó thời gian xây dựng nhà máy chỉ mất 17 tháng.
Năm 2002, lượng giấy nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 340.000 tấn, bằng 85% sản lượng giấy cả nước. Tháng 7 này, thuế nhập khẩu chỉ còn một nửa, ngành giấy sẽ ra sao khi cuộc đổ bộ của giấy ngoại thực sự bắt đầu?
(Theo Đầu Tư) |