Chè bán chạy nhờ chất lượng tốt
09:33' 06/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sản lượng, kim ngạch chè xuất khẩu năm 2003 đạt thấp, ngoài lý do về thị trường, còn bắt nguồn từ chất lượng. Song, thực tế cho thấy, tại Hội thi Chất lượng chè khai mạc ngày 5/1, nhiều DN đã không có chè (được khách hàng công nhận về chất lượng) để xuất khẩu.

Chè Việt Nam đang nỗ lực khôi phục lại thị trường cũ.

Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre đã mang đến hơn 10/100 sản phẩm chè để dự thi về chất lượng. Ông Huỳnh Ngọc Kim, Phó Phòng XNK của xí nghiệp, rất hãnh diện cho VietNamNet biết, năm 2002, sản phẩm chè của Cầu Tre được trao 3 giải vàng, 4 giải bạc. Ông Ngọc đang hy vọng xí nghiệp sẽ giành được giải Cành chè Vàng cho sản phẩm 3 năm liên tiếp đạt huy chương vàng về chất lượng năm nay, với các sản phẩm chè lài (nhài), chè Ô long, sen, phổ nhĩ...

Chính nhờ đảm bảo chất lượng, chè của công ty từ lâu đã xuất khẩu được sang Đài Loan, Philippines, Trung Quốc... và hiện vẫn duy trì tốt thị trường này. Ngoài các loại chè đặc sản như chè sen, chè xanh, chè lài, chè đen, hàng năm, xí nghiệp xuất khoảng 2.000 tấn chè Ô long cao cấp sang Đài Loan. Trong khi một số công ty lớn đang gặp khó khăn về thị trường thì Cầu Tre vẫn xuất khẩu được nhiều, thậm chí còn thiếu hàng để xuất khẩu. Trao đối với VietNamNet, ông Huỳnh Ngọc Kim cho biết, Cầu Tre hiện đang nợ khách hàng hơn 7 container chè lài do thời tiết thất thường, thiếu hoa để ướp. Giá hoa lài có lúc đã lên tới 10.000-18.000 đồng/kg mà xí nghiệp không mua được.

 Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, hết năm 2003, ngành chè chỉ xuất được khoảng 60.000 tấn, giảm gần 1/3 so với mức năm 2002 là 79.000 tấn, với kim ngạch khoảng 80 triệu USD. Nguyên nhân chính là do chè Việt Nam mất thị trường Iraq, với khoảng 20.000 tấn; đồng thời, giá chè đang có chiều hướng giảm do biến động của thị trường.

Một đơn vị khác là Xí nghiệp Nông công nghiệp Chè Thái Bình. Ông Trần Thanh Nghiên, Giám đốc Xí nghiệp, tiết lộ, sản phẩm chè của Thái Bình đã xuất sang Trung Quốc được hơn 10 năm, riêng thị trường Đài Loan thì mới xâm nhập được 2-3 năm nay với chè Ô long.

Ông Nghiên nói rằng, mặc dù xí nghiệp sản xuất được 300 tấn chè trung du/năm, nhưng nếu so về giá trị, 10 tấn chè trung du mới bằng 1 tấn chè Ô long. Ưu thế nổi bật của chè Ô long là giá trị cao, nhưng khắt khe về quá trình sản xuất cũng như yêu cầu thiết bị chế biến đồng bộ, hiện đại, đúng chủng loại. Năm nay, Thái Bình mới có 125ha chè Ô long, cho sản lượng 10 tấn khô. Ông Nghiên khẳng định, năm tới, sản lượng này sẽ tăng gấp 3 lần. Với thị trường trong nước, ông hy vọng người tiêu dùng sẽ biết đến nhiều hơn các sản phẩm chè chất lượng cao của Việt Nam. Thái Bình hiện cũng đang xúc tiến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: Thái Bình Ô long trà, Bắc Sơn, Mẫu tiên, Bát tiên...

Tại Hội thi, trao đổi với VietNamNet, bà Hàn Anh Hạ, Giám đốc Công ty TNHH Thạch Nhũ (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, bà đã nhập sản phẩm chè của Thái Bình từ năm 1991. Bà Hạ nhận xét, chè của xí nghiệp có chất lượng tốt, giá thành phù hợp. Thạch Nhũ dự kiến sẽ nhập khẩu những sản phẩm chè mới mà Thái Bình đưa ra và phát triển trong năm tới.

PGS Đỗ Ngọc Quỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp - Cây ăn quả, đồng thời là một khách hàng tại hội thi, đánh giá, chè Việt Nam giờ được cải tiến nhiều về mẫu mã, đẹp, uống thử ngon, như Tân Cương, Cầu Tre.. "Chúng ta đã có tiến bộ trong cải tiến chất lượng, song phải nỗ lực nhiều trên 3 khía cạnh: chất lượng (tùy vào yêu cầu của thị trường để biết ta cần sản xuất sản phẩm như thế nào); thương hiệu (nhiều loại chè mất cả tên Việt, phải bán dưới tên của nước ngoài); chất lượng dịch vụ sau bán hàng... '', ông nói.

Theo PGS Quỹ, hiện nay, chè Việt Nam cần khôi phục thị trường Nga và Pakistan; tuy nhiên, với thị trường Iraq là rất khó vì trước đây, khi thực hiện chương trình hàng đổi hàng với Iraq, xuất chè sang thị trường này không khó. Đến nay, chè Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Ấn Độ và Sri Lanka, đặc biệt là với mặt hàng chè đen.

Tại hội thi, ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết, có 31 đơn vị chủ lực có sản phẩm tham dự cuộc thi. Các sản phẩm tham dự sẽ được chấm dưới 3 khía cạnh: hình thức, hương vị đặc trưng, màu nước; ngoài ra là chất lượng bao bì phải đủ tiêu chuẩn, giữ được chất lượng chè. Ông Phong nhấn mạnh, chất lượng chính là điều kiện tốt nhất để DN quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Chính vì vậy, trong khuôn khổ cuộc thi, sẽ có hội thảo quốc tế về những giải pháp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho chè Việt Nam, diễn ra ngày 6/12.   

Ngoài hoạt động của ngành chè, hôm 5/12, Trung tâm Triển lãm Hội chợ NN-PTNT cũng đã giới thiệu Khu hàng Thủ công mỹ nghệ và Hàng nông sản chất lượng cao chào đón Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22). Triển lãm thu hút sự tham gia của hơn 50 đơn vị sản xuất, kinh doanh, XNK hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, hàng nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng; sản xuất giống, rau sạch, hoa cây cảnh có chất lượng. Thời gian diễn ra hội chợ kéo dài đến hết tháng 12/2003.
  • Hà Yên                             
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi