Nhiều nước sản xuất dầu mỏ muốn giảm sử dụng đồng USD
Đồng USD vốn đã mất giá tới 9,55 so với euro trong năm nay có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá mới đến từ các nước sản xuất dầu mỏ trên toàn thế giới.
Đồng USD vốn đã mất giá có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá mới đến từ các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Ảnh AFP. |
Từ Venezuela đến UAE (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) tới Indonesia đều đang dự định mua thêm euro để dự trữ thay vì mua USD như trước kia.
Domingo Maza Zavala, một trong số 7 thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng TW Venezuela, cho rằng USD đã mất giá trong suốt một thời gian dài so với euro nên việc đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ là việc làm cần thiết và sẽ bắt đầu vào năm tới.
Ngân hàng TW Venezuela đã giảm tỷ trọng USD trong kho dự trữ ngoại tệ trị giá 35,9 tỷ USD từ 95% vào năm 2005 xuống còn 80%. Đồng thời, tỷ trọng euro đã tăng từ 5% lên 15%. Ngân hàng TW Indonesia, ngân hàng TW UAE cũng đang gia tăng nhanh chóng tỷ trọng euro trong kho dự trữ ngoại tệ của họ.
Sở dĩ các nước sản xuất dầu mỏ hướng nhiều hơn tới euro vì giá dầu và USD đã giảm đáng kể trong một thời gian dài liên tục trong khi tỷ giá euro vẫn ổn định và tăng.
Bên cạnh đó, sự đối địch chính trị cũng là lý do Iran và Venezuela - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 4 và thứ 5 thế giới - chuyển hướng sang dùng các đồng tiền khác thay vì dùng USD.
Ví dụ minh chứng rõ nhất cho sự căng thẳng này là việc tờ báo hàng đầu của Iran là tờ Tehran Times cho biết, bắt đầu từ ngày 7/12, Iran đã bắt đầu sử dụng đồng euro thay dần cho USD trong buôn bán dầu mỏ. Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế Iran Davoud Danesh-Ja'fari, một tờ báo lớn khác là Iran Daily còn cho biết Iran muốn cắt giảm tối đa việc sử dụng đồng tiền của Mỹ trong giao thương quốc tế.
Trong các hợp đồng xuất khẩu dầu mà cường quốc dầu mỏ Iran ký với các nhà nhập khẩu khác, từ nhiều tháng nay luôn có một điều khoản trong đó quy định việc thanh toán có thể chuyển sang dùng đồng euro hoặc các đồng tiền khác thay thế cho USD khi cần. Đây là cơ sở để Iran tiến hành việc chuyển đổi như trên.
Tỷ trọng USD trong kho dự trữ ngoại tệ của các nước OPEC và Nga, quốc gia xuất khẩu dầu khí ngoài OPEC lớn nhất, tính tơi quý II năm nay đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua: chỉ có 65%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình có thể sẽ diễn ra rất lâu.
-
Nhật Vy (Theo AFP, AP, CNN)