Hành trình trỗi dậy từ hai lần 'chết' của ông chủ Apple
Người ta thường nói, những người một khi đã thoát chết sẽ sống lâu, sống khoẻ hơn ai hết, thậm chí còn đạt những thành công vang dội bất ngờ. Đó đúng là trường hợp của ông chủ Apple.
Nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với thế giới.
Steve Jobs được biết tới trên cả hai lĩnh vực kinh doanh và công nghệ thông tin. Khả năng làm thị trường của ông cũng to lớn không kém những dấu ấn ông để lại trong kỷ nguyên máy tính: hết iTunes tới iPod đã cứu vãn ngành công nghiệp âm nhạc đang rơi tự do bởi tác động của các dịch vụ tải nhạc.
Hiện nay, khoảng 65% máy chơi nhạc MP3 là Apple iPods, với khoảng 2,5 triệu chiếc đã được tiêu thụ, trong khi iTunes kiểm soát 70% thị trường kinh doanh nhạc download. Trước đó, những sản phẩm mà Jobs là người đầu tiên đáp ứng được cho đại chúng có thể kể đến con chuột, kết nối không dây, thiết bị ghi DVD...
Năm 2004, Steve là một trong tám nhân vật thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được Tạp chí Time của Mỹ bầu chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với thế giới. Cùng với Steve là Carly Fiorina của Hewlett-Packard, Bill Gates của Microsoft, Linus Torvalds - người đầu tiên phát triển mã nguồn mở Linux, Meg Whitman của eBay, Jeff Bezos của Amazon, Michael Dell của hãng máy tính phổ thông Dell và hai đồng chủ nhân Google Sergey Brin và Larry Page.
Hai lần trở về từ "cõi chết"
Công ty máy tính Apple ra đời từ niềm đam mê kỹ thuật cao của Steve Jobs và Steve Wozniak và chiếc máy vi tính đầu tiên của họ, Apple I, ra lò năm 1976. Tuy nhiên, Apple I không để lại ấn tượng cho giới tiêu dùng nên rơi vào quên lãng. Họ lại nghiên cứu để cho ra đời loạt máy Apple II. Với những cải tiến vượt bậc như vỏ nhựa, màn hình màu và đĩa mềm, đặc biệt là giá thành thấp và dễ sử dụng, Apple II trở thành loại máy tính cá nhân ưu việt được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ.
Thấy vậy, Steve Jobs mở rộng hoạt động kinh doanh bất chấp thị trường máy tính trở nên bão hòa từ đầu thập niên 1980, trong lúc Apple lại không có một chiến lược nào để duy trì và phát triển doanh số bán. Do vậy, quyết định này lại đem đến cho Apple vô số rắc rối trong việc quản lý nội bộ và hoạch định chiến lược, bởi các nhà đầu tư quá lo lắng cho nguồn vốn của mình nên không muốn mạo hiểm thử sức cho những kế hoạch mới.
Thiếu nguồn lực đầu tư, Apple phải lần lượt sa thải nhân viên. Cùng lúc đó, Steve Wozniak bị chấn thương trong một tai nạn máy bay, chỉ còn một người sáng lập duy nhất là Steve Jobs tại Apple với cương vị Chủ tịch công ty.
Có thể nói, Jobs không phải là người may mắn và những tai nạn thi thoảng lại tới với độ nguy hiểm luôn đáng sợ. Nhưng đó mới chỉ là những lần bị trọng thương, chưa đặt chân vào "cõi chết" như hai lần sau.
Năm 1984, khi các PC vẫn là một khái niệm mơ hồ đối với nhiều người, thì Steve Jobs đã đầu tư nghiên cứu, chế tạo và tung ra thị trường hàng loạt máy tính Macintosh với nhiều tính năng ưu việt, tạo nên một “cuộc cách mạng” cho công nghệ chế tạo PC thế giới.
Nhưng chỉ một năm sau, Macintosh đã trở nên lạc hậu do sự bảo thủ của Steve Jobs. Sai lầm này khiến Apple rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng và xuống dốc hoàn toàn. Trước áp lực của Hội đồng Quản trị, Steve Jobs - “kẻ thất bại” phải ngậm ngùi rời khỏi công ty do chính ông sáng lập.
Đó cũng là một lần "chết" của doanh nhân này, Steve không giấu nổi sự thất vọng và buồn nản. Nhưng lần chết đó dẫu sao cũng chưa đáng sợ bằng lần gần đây nhất, một cú sốc ít ai vượt qua nổi.
Một buổi sáng đầu năm 2004, Steve Jobs mời bác sỹ riêng tới khám định kỳ. Sau một lúc lâu kiểm tra kỹ lưỡng, vị bác sỹ đưa ra chẩn đoán làm ông chủ Apple điếng người: có một khối u ung thư trong lá lách của Steve. Ông sẽ chỉ còn sống được vài tháng nữa và việc cần làm bây giờ là xa rời công việc và thăm thú bạn bè, người thân!
Sự chết chóc ngập tràn trên ánh mắt ông chủ và vây bủa quanh lãnh địa hãng máy tính Apple nổi tiếng cho đến chiều tối cùng ngày, khi một vị bác sỹ khác được mời đến đã chẩn đoán rằng đó là khối u lành tính và có thể cắt bỏ dù rất khó khăn đồng thời chứa đựng rủi ro lớn.
Vui vẻ sống lại
1986, một năm sau khi bị sa thải, ông thành lập liền một lúc 2 công ty là NeXT - chuyên sản xuất máy tính với những mẫu mã đi trước thời đại - và Pixar - một phòng sản xuất phim hoạt hình ăn khách. Một thập kỷ sau, trớ trêu thay, NeXT được chính Apple xin mua lại, và thế là Jobs quay lại điều hành luôn công ty mình đã sáng lập ngày nào.
Còn cuối tuần trước, khi ông xuất hiện trên một sân khấu ở thành phố San Francisco trong buổi trình diễn sản phẩm mới của hãng, người ta lại thấy một Steve Jobs tràn đầy sinh lực. Khi Steve Jobs nhún nhảy với các ngôi sao trên sàn trình diễn, dáng vẻ năng động và vui tươi của một doanh nhân thành đạt lại hiện rõ trong mắt khán giả đồng thời cũng là khách hàng tiềm năng của Apple.
Rồi Steve nhảy quanh ngôi sao nhạc pop Madonna và sau khi cô hát xong, ông chủ Apple giơ ngay sản phẩm mới của hãng, chiếc iPod nghe nhạc đang tạo thanh thế mạnh mẽ cho hãng trên thị trường thiết bị giải trí, và hô to: "Đây chính là một Madonna khác mà tất cả các bạn đều có thể sở hữu".
Chiếc iPod nghe nhạc nhỏ bằng 3 ngón tay đó có thể chứa hàng ngàn bài hát của Madonna và các ca sỹ lừng danh trên khắp thế giới. Với sự tiện dụng như có thể lưu trữ lớn, ghi lại âm thanh... thiết bị này đang là "mốt" ưa chuộng của giới trẻ trên khắp thế giới, không chỉ riêng ở Mỹ, với lượng bán ra tới nay đã lên tới 22 triệu chiếc.
Và chủ nhân của loại thiết bị được giới trẻ ưa chuộng rộng rãi đó chính là một tài năng vượt qua bệnh tật. Với Steve, việc giới thiệu sản phẩm mới đó còn mang một dụng ý là gửi thông điệp rằng người ta luôn có thể làm lại từ đầu một cách thành công, ngay cả khi phải "thiết lập lại" cơ thể của mình.
Bí quyết của những lần tái sinh
Vui vẻ tái sinh chính là điều khiến Steve khác biệt với những ông chủ các hãng máy tính khác ở thung lũng Silicon. Ông cũng bỏ dở việc học khi còn ở Đại học Stanford giống như Bill Gates và Michael Dell; chung tay xây dựng công ty khi mới khởi nghiệp như những người sáng lập hãng Hewlett - Packard hay Google...
Nói như vậy không phải Jobs thích thú hay cảm thấy hợp với những cú hú hồn như vậy nhưng mỗi lần như vậy đều làm cho con người này trở nên sáng tạo và quyết liệt hơn trước rất nhiều.
Một trong những bí quyết giúp Jobs vượt lên là ông cũng tin vào số mệnh, nhưng tin hơn vào tình yêu cuộc sống. Đó có thể là tình yêu với nhân viên dưới quyền hay thậm chí là với một ý tưởng của ai đó mà ông thấy hay. Hãy yêu và theo đuổi tình yêu đó tới cùng, đó cũng là điều ông thường nói với cộng sự của mình.
Ngay cả những cái hoạ với cuộc đời mình, ông cũng nhìn nó với một góc nhìn lạc quan, rằng đó là "phát minh độc đáo của cuộc sống và điều quan trọng là người ta có đủ sức đón nhận nó và đủ can đảm thích ứng với nó hay không".
"Sau khi 'giải quyết dứt điểm' với khối u, tính cách anh ta đỡ bảo thủ và đặc biệt là sáng tạo hơn rất nhiều. Có thể trông thấy rõ điều đó với việc hàng loạt sản phẩm mới lạ ra đời ngay sau đó", Bruce Chizen, ông chủ của hãng Adobe Systems, một công ty phần mềm từng là đối tác lâu năm với Apple, nhận xét về Steve.
Apple phục hưng khi Steve Jobs phục hồi
Guồng máy sáng tạo của Apple hoạt động hết công suất khi ông trở lại và Jobs đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Kể từ sau lần cắt khối u nguy hiểm đó, những ý tưởng mới liên tục ra đời và nổi bật là khả năng sẵn sàng tiếp cận thị trường bằng những sản phẩm “có tính mạo hiểm”.
Jobs thay đổi kiểu dáng thiết kế của máy tính Apple và sản xuất với nhiều màu sắc khác nhau và giải pháp ấy có tác dụng tức thời: Apple lập tức trở lại vai trò của một nhà phát minh lớn trên bản đồ các hãng công nghệ hàng đầu và tất nhiên điều đó cũng làm tăng đang kể doanh số bán hàng.
Nhưng dấu ấn lớn nhất khi Steve Jobs tái xuất tại Apple với cương vị Giám đốc điều hành là làm đảo ngược thị trường âm nhạc thế giới bằng máy nghe nhạc iPod tí hon, biến Apple trở thành một đối thủ “đáng gờm” của các công ty sản xuất và kinh doanh kỹ thuật cao trên toàn thế giới. Với sản phẩm iPod, họ đã tạo được bước đột phá, khiến cho các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thiết bị âm nhạc đứng ngồi không yên.
Những thành tựu gần đây nhất chính là bằng chứng cho thấy Apple đã trở lại. Ngành công nghệ thông tin và công nghiệp máy tính vẫn cần sự thành công của Apple.
Khi nguồn sáng tạo là vô tận, các phát minh mới sẽ lại ra lò
Sự ra đời của iPod đã chứng tỏ sức sáng tạo và tinh thần cầu tiến không ngừng của Steve Jobs. Song song với iPod, Steve Jobs tạo một cửa hàng nhạc iTunes trên mạng Internet. Các đối thủ của Apple ở khắp nơi đều đang có cảm giác hồi hợp lẫn lo lắng: bao giờ thì một phát minh kỳ diệu khác kiểu như iPod lại sẽ ra đời?
Ngay cả các đại gia thuộc ngành công nghiệp khác ít liên quan hơn cũng không khỏi lo lắng. Chẳng hạn, Motorola hay Nokia có còn thay nhau bá chủ thị trường hay không nếu một cái gì đó gọi là “iPhone” ra đời? Ngay cả Hollywood và các phòng thu âm nhạc cũng không khỏi lo lắng khi các phiên bản của họ đang đứng trước nguy cơ sẽ bị nhồi hết vào iPod, iTunes hay một "iGìđó".
Trong chiến lược sắp tới của Steve Jobs, máy nghe nhạc iPod sẽ được gắn thêm một màn hình màu để khách hàng có thể xem các hình ảnh kỹ thuật số, đồng thời Apple sẽ phát triển thiết bị này trở thành một trung tâm giải trí nhỏ gọn tại gia.
Ý tưởng này làm thay đổi ngành công nghệ giải trí, bằng cách thu gọn lại những thiết bị nghe nhạc, không còn đầu máy DVD, giàn stereo, đầu CD và các loại dụng cụ điều khiển từ xa. Ngay cả những hình ảnh kỹ thuật số và thiết bị chiếu phim cũng có thể trở thành vật dụng gia đình. Các nhạc công cũng có thể kết hợp với phần mềm âm nhạc Garage Band của Apple, để tạo ra ban nhạc đệm, trong khi chơi đàn piano. Steve Jobs cho rằng: “Thực hiện được những điều này thật sự khó, nhưng chúng tôi sẽ làm được”.
Nhưng không chỉ sáng tạo trong kỹ thuật, Steve còn rất sáng tạo trong kinh doanh. Trong khi các công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn thường triển khai hàng loạt các sản phẩm và sẵn sàng chấp nhận thất bại, rủi ro thì Steve Jobs áp dụng phương thức chỉ tập trung tối đa vào một dự án chính để tránh được hiện tượng phân tán tài chính và nhân lực. Đó cũng là kinh nghiệm mà Steve Jobs đúc kết được từ sai lầm hơn mười năm trước của mình.
Hiện nay, Apple tập trung vào lĩnh vực thiết bị điện tử cá nhân kết hợp những phần mềm ứng dụng của Apple đồng thời liên tục tìm phương thức phát triển các sản phẩm như hệ thống iPod, iLife, iTunes, iPhoto, iMovie và iDVD.
Đồng thời, trong lúc các công ty khác đang ứng dụng chiến thuật bán hàng qua mạng Internet, thì Steve Jobs lại thành lập hệ thống cửa hàng bán lẻ, một chiến thuật được mệnh danh “dòng chảy ngược”. Hệ thống bán lẻ giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm mới của công ty. Hiện nay, Apple đã có gần 100 cửa hàng bán lẻ sang trọng ở các trung tâm thương mại như khu Ginza ở Tokyo, Magnificent Mile ở Chicago. Sản phẩm được trưng bày đẹp mắt trên những chiếc bàn gỗ để tạo nên sự trang trọng, nhân viên sẵn sàng hướng dẫn sử dụng cho khách hàng một cách thành thạo. Chính phong cách này đã đem lại sự thành công cho hệ thống bán lẻ của Apple.
Giờ đây, với những thành công trọn vẹn mà Steve Jobs đem lại cho Công ty Apple, dường như mọi sai lầm của ông trước đây chỉ còn là ký ức. Sự trở lại của một người quản lý tài năng và mạnh mẽ đã thay thế cho hình ảnh của một vị CEO bảo thủ năm xưa. Môi trường cạnh tranh quyết liệt của ngành công nghệ kỹ thuật cao đã tạo cho Steve Jobs sự nhạy bén đối với thị trường và một bản lĩnh kinh doanh cứng cỏi.
Hơn ai hết, mỗi chiến lược của Steve Jobs đều mang dấu ấn của những bài học kinh nghiệm từ chính bản thân mình. Và hơn thế nữa, thực tiễn cho thấy, Jobs là người có thể dễ dàng thích hợp với bất cứ quy chuẩn nào.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)