Tái thiết Hạ Manhattan 4 năm sau sự kiện 11/9
Hôm qua (7/9), giai đoạn đầu tiên của công cuộc tái thiết khu nhà rộng 64.750 m2 tại Hạ Manhattan đã chính thức bắt đầu với công trình trạm giao thông trị giá 2,2 tỷ USD.
"Hôm nay, chúng ta bắt đầu quay lại khu vực đã thành bình địa từ ngày 11/9 để làm lại tất cả", một quan chức New York hào hứng tuyên bố tại buổi lễ khởi công công trình đánh dấu công cuộc tái thiết này.
Một kỷ nguyên mới bắt đầu ở chính nơi đã bị tấn công. |
Trạm giao thông nối Manhattan với bang New Jersey được thiết kế bởi một kiến trúc sư Tây Ban Nha này sẽ là trạm trung chuyển hành khách tàu hoả, tàu thuỷ và hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố New York. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2009.
Việc khởi công công cuộc tái thiết cũng khiến người dân nhớ lại toà tháp đôi nổi danh Hạ Manhattan nhiều năm ròng. Còn vài ngày nữa mới tới lễ kỷ niệm sự kiện 11/9, song ngay từ lúc này, kỷ niệm về sự kiện trên đã dội về và hình ảnh biểu trưng của Hạ Manhattan, toà tháp đôi - Trung tâm thương mại quốc tế (WTC) - hiển hiện rõ nét trong tâm tưởng mỗi người.
Lịch sử hình thành WTC
Từ khi người Anh xây công trình Bến tàu lớn (Great Dock) gần đường Broad Street năm 1676, khu vực Hạ Manhattan đã trở thành vùng đất của những đại công trình. Các cao ốc Chrysler, Graybar và Lincoln đã ngạo nghễ vươn lên quanh nhà ga trung tâm vào thập niên 1920 và 1930. Tiếp đó, năm 1931, cao ốc Empire State được khánh thành.
Trong bối cảnh New York lên cơn sốt cao ốc sau chiến tranh thế giới thứ hai, câu chuyện bắt đầu từ ngày 31/10/1955 với cuộc họp giữa những nhân vật danh tiếng nhất New York, khi David Rockefeller 40 tuổi (cháu tỉ phú huyền thoại Rockefeller và Phó Chủ tịch Ngân hàng Chase Manhattan) mời trùm xây dựng New York Robert Moses đến dùng bữa trưa tại trụ sở Chase Manhattan gần phố Wall.
David Rockefeller đang ấp ủ dự án xây toà nhà làm trụ sở mới cho Chase Manhattan nhưng nó phải là một cao ốc khổng lồ, cao thứ sáu thế giới. Với Robert Moses 66 tuổi, từng tạo dựng sự nghiệp từ nghề xây dựng với loạt tuyến đường cao tốc và cầu khắp New York, dự án này đem lại hưng phấn thật sự cho ông. Robert Moses thậm chí còn đề nghị xây to hơn.
Với gia đình Rockefeller, suy nghĩ táo bạo và thực hiện dự án kinh thiên động địa đã trở thành truyền thống. Tại New York, họ từng gây chú ý khi tài trợ tiền mua đất xây dựng trụ sở Liên hợp quốc; từng cộng tác với Robert Moses trong công trình Trung tâm trình diễn nghệ thuật Lincoln và trung tâm Rockefeller - khu phức hợp văn phòng lớn nhất New York City.
Sau nhiều lần bàn luận, tháng 01/1960, nhóm Rockefeller thông báo kế hoạch xây “một trung tâm thương mại thế giới ngay trung tâm Quận Cảng” (Port District). Ý tưởng này được chính quyền New York City ủng hộ. Austin Tobin - Giám đốc điều hành Ban quản lý cảng New York - tuyên bố: “Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên thương mại quốc tế và New York phải là nơi dẫn đầu”.
Lúc đó, có rất nhiều rào cản trở cho vị trí tương lai của WTC. Nếu xây tại Mạn Tây (West Side), người ta sẽ phải bứng nhà ga xe lửa (nối Manhattan sang bang New Jersey). Chính quyền bang New Jersey không đồng ý, đặc biệt khi giới chính khách bang này không muốn làm mất lòng cử tri bởi viễn cảnh hàng ngàn nhân viên hỏa xa bị thất nghiệp. Ngoài ra, công trình WTC tương lai cũng sẽ xoá sổ Radio Row - một trong những khu mua sắm náo nhiệt và thịnh vượng nhất thành phố. Tuy nhiên, nhờ Nelson Rockefeller, nhóm dự án WTC vẫn có thể tiến hành.
Một kỷ nguyên mới ở chính nơi đã bị tấn công
Minoru Yamasaki rất bất ngờ khi nhận được thư mời tham gia vẽ mẫu WTC. Trước nay, Minoru Yamasaki chưa từng thực hiện công trình cao ốc thực sự nào. Sinh tại Seattle trong gia đình người Nhật nhập cư, Minoru Yamasaki lúc đó chưa thể sánh với những tên tuổi kiến trúc sư khổng lồ thuộc trường phái hiện đại như Mies Van Der Rohe hoặc Walter Gropius.
Tuy nhiên, Tozzoli đã nhìn thấy tài năng tiềm ẩn của Minoru Yamasaki và mời tham gia cuộc thi thiết kế WTC. Cuối cùng bản thiết kế của Minoru Yamasaki được chọn, với 110 tầng. Thách thức lớn nhất cho kiến trúc WTC là bộ “xương sườn” của nó. Phần này được giao cho kỹ sư trẻ Leslie E. Robertson, 35 tuổi. Leslie E. Robertson đối mặt với ba vấn đề phải giải quyết cùng lúc: dựng được một bộ khung cực chắc để có thể hứng gió bão thổi từ cảng, theo kịp tiến độ thi công và giảm thiểu chi phí.
Cuối cùng, công trình WTC được tiến hành thi công. Ngân sách 280 triệu USD dự tính vọt lên hơn 1 tỷ USD. Khoảng 3.500 công nhân xây dựng đã tham gia công trình WTC. Khi hoàn thành, hai tháp đôi WTC chứa gần 200.000 tấn thép, 44.000 cửa số và lượng bê tông đủ để làm một con đường từ New York đến Washington. Vào ngày 23/12/1970, tháp Bắc của toà nhà vọt lên không gian New York và tồn tại cho tới ngày định mệnh 11/9/2001.
Nếu như trước đây thiết kế toà tháp đôi và khu vực xung quanh là do kiến trúc sư người gốc Nhật thì ngày nay, các công trình là kết hợp của nhiều tài năng sáng tác khác nhau, mà mở đầu cũng lại là của một người nước ngoài khác, kiến trúc sư người Tây Ban Nha.
Vào thời gian này, tháng 9/2005, khi ngày định mệnh ấy sắp hiện về trong tâm tưởng, khu Hạ Manhattan lại rộn rịp tiếng búa, tiếng đinh ốc, báo hiệu một kỷ nguyên mới ở chính nơi đã bị tấn công.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)