USD thêm mất giá vì bão Katrina
Đồng USD đã mất giá trầm trọng so với các đồng tiền chính của thế giới do lo ngại bão Katrina sẽ làm tăng trưởng kinh tế Mỹ chựng lại và giá dầu sẽ tăng đột biến.
Đồng USD đã mất giá trầm trọng so với các đồng tiền chính của thế giới. |
USD mất giá mạnh vì bão Katrina
Trên thị trường thế giới hiện nay, một đồng euro ăn 1,2341 USD, cao hơn nhiều so với mức 1,2219 trước đó. Bên cạnh đó, 1 USD chỉ còn đổi được 110,62 yen Nhật, thấp hơn so với mức 111,20 yen của mấy ngày trước đó.
Các nhà kinh doanh cho rằng nguyên nhân chính là do lo ngại bão Katrina sẽ làm tăng trưởng kinh tế Mỹ chựng lại và giá dầu sẽ tăng đột biến vì các giàn khoan và xưởng lọc dầu trong vùng vịnh Mexico bị tàn phá trầm trọng.
"Tác động của bão lan tới tận từng bàn thu đổi ngoại tệ. Giờ đây, tất cả những nhà kinh doanh đều quan tâm tới 2 yếu tố chính: giá dầu và thiệt hại do bão Katrina gây ra", Rhonda Staskow, Giám đốc công ty ngoại hối Thomson ForexWatch của Mỹ, cho biết.
Các chuyên gia phân tích tiền tệ đã đề cập tới khả năng mất an ninh kinh tế toàn cầu do việc USD giảm giá so với các đồng tiền lưu thông phổ biến khác trên thế giới.
Tác động của đồng USD yếu
Ngày nay, một phần thành công hay thất bại mà các công ty đa quốc gia có được là nhờ một yếu tố: đó là giá trị của đồng USD Mỹ - đồng tiền đáng tin cậy nhất thế giới, mặc dù điều này trong ba năm vừa qua đã bị suy giảm.
Đồng USD trượt giá và việc nhiều người dự tính đồng USD còn tiếp tục trượt giá đã làm cho các quan chức tại tất cả các châu lục lo sợ cho nền kinh tế nước mình bị đẩy bên bờ suy sụp. Kể từ năm 2001, đồng USD liên tục mất giá so với đồng euro, yên Nhật, đồng thời nó cũng trượt giá so với đồng bảng Anh và đôla Canada.
Việc đồng USD mất giá mạnh như vậy đã làm cho hàng hoá sản xuất tại Mỹ hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sở hữu đồng tiền mạnh hơn đồng USD Mỹ. Về mặt ngắn hạn, việc bán được hàng ra nước ngoài đang là một món lời đối với các nhà máy của Mỹ.
Chỉ tính riêng quý III/2004, công ty sản xuất thiết bị Caterpillar đã đạt doanh thu 102 tỷ, phần lớn là nhờ đồng USD mất giá. Công ty General Motors có được cơ hội tương tự và đủ sức mở nhà máy Cadillac mới ở châu Âu. Ông James Taylor, Giám đốc Cadillac ở Detroit đã thẳng thừng tuyên bố trong lần mất giá đó của đồng USD: “Việc đồng đô mất giá chắc chắn đã giúp ích cho chúng tôi”.
Các công ty đa quốc gia khác của Mỹ cũng được hưởng lợi lớn khi chuyển đổi doanh thu ở nước ngoài sang đồng USD đang mất giá và vì thế kiếm được thêm lời.
Tuy nhiên, là một nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu, Mỹ sẽ phải chịu thâm hụt thương mại hàng chục tỷ USD khi đồng USD mất giá. Ngoài ra, sự kiện này có thể dẫn đến lạm phát, lãi suất tăng cao và suy thoái có khả năng lan toả ra toàn cầu.
Các nhà sản xuất châu Âu thiệt thòi lớn
Những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới là người châu Âu, xuất khẩu của họ bị thu nhỏ lại vì đồng USD tụt giá. Một số dân châu Âu đang tận dụng sự lên giá của đồng euro để đến Mỹ, nơi mà tất cả mọi thứ từ máy nghe nhạc iPods tới quần jean Gap tới khách sạn bốn sao đều ở giá hời.
Tuy nhiên các công ty ở các nước sử dụng đồng euro đang phải chịu thiệt. Xuất khẩu của Đức sang Mỹ chắc chắn sẽ giảm. Trong lần mất giá năm ngoái, Thierry Desmarest, Giám đốc điều hành của đại gia dầu khí Total của Pháp phải thừa nhận rằng biến động của đồng USD trong vòng 2 năm qua đồng nghĩa với việc “chúng tôi thực tế đã mất khoảng một phần ba doanh thu”.
USD mất giá có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam?
Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong vài ngày trở lại đây, USD nhiều lần mất giá so với các ngoại tệ khác. Tỷ giá USD/VND dù phản ứng chậm chạp hơn, nhưng cũng không thể đi ngược xu thế chung.
Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách điều hành tỷ giá theo định hướng của Chính phủ: vừa theo thị trường, vừa có can thiệp khi cần thiết. Vì thế, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua vẫn giữ được sự ổn định trên cơ sở biến động tỷ giá USD/VND vẫn ở mức độ chấp nhận được (tỷ giá ngày 1/9 là 15.890 đồng/USD).
Ngoài ra, VND vẫn chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi và vì thế, VND vẫn chưa thật sự "nhạy cảm" với những biến động của thị trường tiền tệ. USD là ngoại tệ tự do chuyển đổi, vì thế, các doanh nghiệp cũng sẽ biết cách lựa chọn phương thức đầu tư, thanh toán bằng đồng tiền nào có lợi nhất cho họ. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, lâu nay, phương thức mua bán ngoại tệ kỳ hạn (forward, swap) vẫn được sử dụng như một phương thức lựa chọn để hạn chế rủi ro tỷ giá.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)