Đàm phán dệt may EU - Trung Quốc bế tắc trầm trọng
Ngày làm việc của đại diện Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã diễn ra hết sức sôi nổi tại Bắc Kinh cả ngày hôm qua song bế tắc vẫn hoàn bế tắc và hàng dệt may Trung Quốc vẫn phải chất đống tại các cảng của EU mà không thể thông quan.
Peter Mandelson: "Cần một giải pháp thật thực tế để có thể tháo gỡ bế tắc". |
Trong thông cáo đưa ra sau cuộc đàm phán ngày hôm qua (24/8), Peter Mandelson, Cao uỷ thương mại của EU, cho biết: "Tất cả đều nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dệt may này. Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra giải pháp thật thực tế để có thể tháo gỡ bế tắc mà vẫn đảm bảo lợi ích tất cả các bên".
Peter Mandelson là người dẫn đầu nhóm quan chức thương mại của EU sang Trung Quốc nhằm tìm kiếm những biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh chuyện hạn chế nhập khẩu hàng dệt may từ quốc gia này.
Sau khi EU áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với một số mã hàng dệt may của Trung Quốc từ tháng 6, các lô hàng áo len dài tay, quần dài và áo sơ mi nữ nhập khẩu từ quốc gia này đã phải chất đống tại các cảng của EU mà không thể thông quan.
EU nỗ lực vì nhu cầu của chính mình
Tính đến nay, có khoảng 59 triệu áo len dài tay và 17 triệu quần dài do các nhà bán lẻ nhập vào EU đang nằm chờ tại các cảng châu Âu do tác động của việc hạn chế này. Các nhà nhập khẩu và bán lẻ của EU cảnh báo rằng khi nào chế độ quota chưa được nới lỏng thì người tiêu dùng còn phải mua quần áo đắt đỏ hơn với ít sự lựa chọn hơn.
Đầu tuần này, một số doanh nghiệp tại các quốc gia ở khu vực châu Âu như Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch và Hà Lan cũng liên tục gây sức ép yêu cầu EU phải nới lỏng quy chế quota đối với hàng dệt may và nguyên phụ liệu dệt may của Trung Quốc.
Thực tế trên đã đẩy EU vào tình thế phải đối mặt với những áp lực yêu cầu phải nới lỏng chế độ hạn ngạch đối với hàng may mặc Trung Quốc. Ngay cả Pháp - một trong những quốc gia trước đây ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hàng dệt may Trung Quốc - cũng phải kêu gọi EU nhẹ tay với hàng xuất đi từ "công xưởng khổng lồ của thế giới" này.
Do đó, trong cuộc đàm phán lần này, điều thú vị là phía chủ động lại không chỉ là Trung Quốc. EU cũng đang lo lắng khi bước vào giai đoạn tiếp theo của đàm phán. Với thực tế đó, những thoả hiệp tương đối là điều được dự kiến và nếu vậy, nhiều khả năng bế tắc sẽ được tháo gỡ, hoặc ít nhất là một giải pháp tạm thời cho đôi bên.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)