,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
686158
Chính sách kinh tế, chìa khoá vươn lên của Singapore
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Chính sách kinh tế, chìa khoá vươn lên của Singapore

Cập nhật lúc 06:46, Thứ Ba, 09/08/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Hôm nay, 9/8/2005, Singapore kỷ niệm 40 năm thành lập. Một quốc gia rất trẻ và diện tích rất nhỏ, nhưng với chính sách độc đáo cho phát triển kinh tế đối ngoại, Singapore đã trở nên một cái tên quen thuộc với thế giới hơn rất nhiều nơi khác.

Tại cuộc hội thảo "Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế" diễn ra trong hai ngày 19-20/7 tại Hà Nội, đại diện của Singapore đã mô tả về chính sách ngoại giao kinh tế đặc thù của nước này như một biện pháp duy trì và phát triển kinh tế trong thời đại hội nhập sâu rộng hiện nay.

Soạn: AM 495205 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Singapore đã trở nên một cái tên quen thuộc với thế giới hơn nhiều nơi khác.

Đời sống thế giới không được phép thiếu Singapore

Theo ông Pang Te Cheng, Tham tán kinh tế Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội, triết lý cơ bản của người Singapore là "Không ai cho không ai thứ gì". Do đó, đặc trưng cơ bản trong chính sách kinh tế quốc tế của nước này là tính thực dụng cao và biết thích nghi với hoàn cảnh, dù nó không như mong đợi của mình. "Chúng tôi nhìn nhận thế giới một cách khách quan chứ không nhìn theo mong muốn của riêng mình và hiểu rằng thế giới không phải lúc nào cũng có sự công bằng", ông nói.

Thêm vào đó, cũng như người Nhật, người Singapore nhận thức được thực tế rằng nước mình hầu như không có tài nguyên. Mọi nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Trên thực tế, Singapore chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét; không có nước ngọt; đất canh tác hẹp, chủ yếu để trồng cao su, dừa, rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước.

Ngoài nhận thức được điều đó, quan chức cũng như doanh nhân Singapore luôn lo ngại rằng, nếu không đủ khả năng thích nghi với thế giới bên ngoài cũng như chứng tỏ vai trò của mình thì thế giới sẽ lãng quên đảo quốc này. "Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn như thể đất nước Singapore không hề tồn tại và đó sẽ là thảm hoạ thực sự đối với chúng tôi", ông Pang thổ lộ.

Chính vì vậy, trong khi những cường quốc như Mỹ và những nền kinh tế khổng lồ đang vươn lên mạnh mẽ như Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm, săn đón thì Singapore đã phải chủ động xây dựng quan hệ, mở cửa nền kinh tế, thiết lập thị trường và thu hút sự chú ý của quan chức cũng như doanh nhân các nước.

Tất cả đã chứng tỏ hiệu quả. Ngày nay, người ta luôn biết đến Singapore như một nước có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á cũng như thế giới gồm: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi, sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn... Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á, là nền kinh tế  chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Và ai cũng biết rằng Singapore được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.

Luôn tự quảng bá hình ảnh của mình

Một trong những thể hiện rõ nét cho hướng đi này là việc quan chức và doanh nhân Singapore luôn năng động đi lại, thường xuyên tăng cường sự hiện diện ở nước ngoài để khẳng định sự tồn tại của đảo quốc sư tử trên bản đồ thế giới cũng như trong tâm trí các nhà hoạch định chính sách kinh tế và trong tính toán của các doanh nghiệp lớn.

Việc Singapore đăng cai cuộc họp của Uỷ ban Olympic quốc tế trong dịp bình chọn thành phố đăng cai Olympic 2012 vừa qua cũng là cơ hội để quốc đảo này quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời chứng tỏ cho thế giới thấy họ đã và đang tăng cường năng lực tổ chức và đăng cai các hội nghị quốc tế tốt đến đâu.

Nhưng thường xuyên hơn, chính bằng việc khuyến khích mọi khu vực và cộng đồng tham gia các sáng kiến hợp tác kinh tế, Singapore đã thiết lập được mối liên kết với tất cả các nước và khu vực quan trọng trên thế giới. Những thể thức hợp tác, từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) cho tới quan hệ đặc biệt với Mỹ, đã giúp doanh nghiệp nước này rất nhiều và thường xuyên trong giao dịch kinh tế quốc tế.

3 vấn đề cơ bản trong chính sách kinh tế đối ngoại của Singapore:

- An ninh và thịnh vượng của Singapore gắn liền với khu vực Đông Nam Á.
- Là quốc gia nhỏ (diện tích khoảng 660 km2 tính cả đất khai hoang), Singapore phải tìm cách mở rộng không gian kinh tế, không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn thế giới.
- Ủng hộ hệ thống quốc tế có trật tự để làm kinh tế.

Nguồn: Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội

Những hoạt động nói trên rõ ràng đã giúp hình ảnh hòn đảo nhỏ này không bị lu mờ và lãng quên trong thế giới đang đầy biến động. Và giờ đây, rất nhiều nước có nhu cầu hợp tác với Singapore. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế cũng như các doanh nhân lớn trên thế giới đều đang hướng sự quan tâm tự nhiên của mình tới đảo quốc sư tử.

Chủ động vươn ra thị trường lớn

Singapore là nền kinh tế mở và phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường quốc tế. Điều này thể hiện rất rõ qua việc kim ngạch thương mại hàng năm của nước này thường gấp khoảng 3 lần GDP. Là quốc gia thương mại quy mô nhỏ, Singapore luôn tích cực thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư ở tất cả các cấp độ, từ song phương, khu vực tới đa phương.

"Chúng tôi tin tưởng rằng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã giúp tạo dựng mạng lưới liên kết kinh tế giữa Singapore với các cường quốc trên phạm vi toàn cầu, giúp duy trì vị thế trung tâm chiến lược của Singapore trong khu vực", ông Pang nhấn mạnh.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Ngay từ khi mới giành được độc lập, Singapore đã chủ động vươn ra thị trường, vốn và công nghệ trên phạm vi toàn thế giới. Hiện nay, rất nhiều công ty của nước này đã vươn khỏi thị trường nội địa, thậm chí khu vực và đang tiến xa hơn nữa.

Quy mô hoạt động tại nước ngoài của một số công ty Singapore như Singtel, Capitaland hay Keppel hiện đã lớn hơn quy mô tại thị trường nội địa. Giờ đây, người ta có thể tham quan thành phố Raffle tại Thượng Hải do Capitaland xây, dùng thiết bị viễn thông của Singtel tại Australia hay mục kích các dàn khoan của Keppel tại Brazil xa xôi.

Cộng hoà Singapore
- Thủ đô : Singapore.
- Dân số:  4,4 triệu người tính đến tháng năm 2005, trong đó 76,7% là người Hoa, 14% người Mã Lai, 7,9 % người Ấn Độ, Pakistan và Srilanca; 2% người gốc khác.
- GDP đầu người: 21.230 USD
- Diện tích: 660 km2, gồm 54 đảo, trong đó có 20 đảo có người ở; 1,9% diện tích đã được canh tác; 4,5% diện tích là rừng.
- Vị trí địa lý: nằm ở cực Nam bán đảo Mã Lai, phía Bắc giáp Malaysia, Đông - Nam giáp Indonesia, nằm giáp eo biển Malacca, trên đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
- Khí hậu: nhiệt đới, nóng, nhiệt độ tương đối thất thường. Nhiệt độ trung bình: 26,7oC, độ ẩm trung bình: 84,4%, lượng mưa trung bình trong năm: 2,359 mm.
- Địa hình: thấp, cao nguyên nhấp nhô trong đó có phần lưu vực và những khu bảo tồn thiên nhiên.
- Tài nguyên thiên nhiên: cá, cảng nước sâu.
Nguồn: Bộ Ngoại giao
  • Nhật Vy

,
,