Thay Giám đốc, Nokia có tìm được lối đi mới?
Bất chấp mọi lời khuyên từ chuyên gia và áp lực của nhà đầu tư đòi đổi mới cơ bản, Nokia vẫn quyết định đưa một "cựu binh" đã làm việc cho hãng 25 năm nay lên vị trí lãnh đạo tối cao.
Ngay từ ngày đầu tháng 8 này, Giám đốc Nokia Jorma Ollila đã quyết định giã từ hãng sau rất nhiều áp lực nhằm vào ông. Nguyên nhân là đại gia điện thoại di động (ĐTDD) này đang lâm vào tình trạng khó khăn nhất trong sự nghiệp kinh doanh kể từ khi Ollila đảm nhiệm chức vụ này 13 năm trước đây.
Thay thế ông không phải ai khác chính là Trưởng bộ phận ĐTDD, ông Olli-Pekka Kallasvuo, một "cựu binh" Nokia với 25 "chinh chiến" tại hãng. Kallasvuo sẽ chính thức trở thành Giám đốc vào tháng 10 tới và tới tháng 6/2006 sẽ đảm nhận luôn chức vụ Chủ tịch công ty.
Ngay lập tức, nhiều chuyên gia từ phố Wall bày tỏ lo ngại rằng đây chưa hẳn là một sự thay đổi cơ bản đủ để giúp Nokia vượt qua thời khó khăn. "Điều này thể hiện một sự kế thừa của những chiến lược hiện có mà thôi", Robin Nazarzadeh, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Citigroup nhận xét.
Việc các nhà đầu tư lo sợ ông chủ mới của Nokia sẽ tiếp tục đi theo lối cũ là hoàn toàn có cơ sở. Bởi sự thật là, lối đi đó đang chứng tỏ bằng những con số, rằng nó đã không còn hiệu quả như trước đây nữa.
Nokia chưa tìm ra lối đi mới
Doanh thu Nokia vẫn tiếp tục tăng và tập đoàn khổng lồ này vẫn đang thu về hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi quý. Thế nhưng, nhìn vào tình hình cạnh tranh vươn lên của đối thủ cùng với sự mất mát nhiều thị trường truyền thống, có thể thấy đà đi xuống đang hiển hiện. Doanh thu từ ĐTDD Nokia đã sụt giảm trầm trọng trong quý II/2005, xuống chỉ bằng 30% mức của quý I/2005.
Ollila đã có công chuyển Nokia từ một hãng làng nhàng ở Bắc Âu, sản xuất đủ thứ, từ ủng cao su, giấy viết cho tới đồ điện gia dụng thành một hãng đi đầu trong công nghệ hiện đại của thế kỷ, ngành ĐTDD. Nhưng cũng như đối thủ lớn Motorola trước đây, Ollila cùng đồng nghiệp đã phải vật lộn để đảm bảo có lời khi các đối thủ mới mạnh mẽ cạnh tranh với họ như Samsung, Sharp, LG Electronics hay Sony Ericsson.
Gần đây Nokia đã tập trung vào phát triển các loại ĐTDD thông minh và 3G với hy vọng vực doanh thu của công ty dậy. Thế nhưng, ngay cả lĩnh vực này, họ cũng không thiếu các đối thủ sừng sỏ đủ sức cạnh tranh và lấn át. Chẳng hạn, cũng cùng loại ĐTDD đó nhưng Motorola đang chào giá thấp hơn Nokia.
Thời gian làm việc của Kallasvuo tại Nokia thậm chí còn dài hơn của Ollila và do vậy, ông hiểu rõ hơn ai hết các khó khăn thách thức đang chờ đợi. Dưới sự lãnh đạo của Kallasvuo, bộ phận ĐTDD đã lấy lại được thị phần đã mất đáng kể trong năm 2004.
Ông có thể tìm được hướng đi mới, nhưng liệu có đi tới thành công mới khi Nokia đang đứng trước việc thị trường châu Á thịnh vượng đang bị đối thủ Motorola tranh giành ác liệt? Trong khi đó, các hãng di động châu Á lại đang mở những cuộc chinh phạt mới sang hướng Tây, lấn sân cả Nokia một cách nhanh chóng.
Cụ thể, trong nhiều năm nay, những công ty như Sharp và LG Electronics đã tung ra các loại điện thoại thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu, những người đã lao vào các dịch vụ không thoại như e-mail hay điện thoại có camera.
Nokia đang mất thị trường Trung Quốc
Đây mới chính là mất mát lớn nhất của Nokia và cũng là nỗi lo hàng đầu của đại gia này hiện nay. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Nokia, sau Mỹ. Ông Ollila từng khẳng định, Nokia sẽ tiếp tục duy trì thị phần lớn tại quốc gia có hơn 1 tỷ dân này.
Thế nhưng, cũng như các ngành ôtô, xe máy, máy tính, TV, nhiều công ty sản xuất ĐTDD của Trung Quốc đang trỗi dậy "ăn dần" thị phần của các đại gia sản xuất ĐTDD nước ngoài vốn đã thâm nhập thị trường khổng lồ này hàng chục năm qua.
Theo công ty nghiên cứu về thị trường Norson Telecom Consulting (NTC) trong năm 2004, giá bán các loại ĐTDD ở Trung Quốc đã giảm tới 20%, chỉ còn trung bình 150 USD /chiếc. Lý do là nhiều công ty ĐTDD địa phương Trung Quốc đã thi nhau tung ra các mẫu ĐTDD với giá rẻ bất ngờ, đẩy các đại gia như Samsung, Nokia, Siemens... vào thế buộc phải nhanh chóng giảm giá theo.
Không chỉ lợi thế về giá rẻ, các công ty ĐTDD Trung Quốc còn tung ra thị trường nhiều sản phẩm có tính năng vựơt trội như kiểm soát mức ô nhiễm không khí trong gia đình, kiểm tra lượng cholestron trong máu, đọc sách điện tử... đặc biệt là sản phẩm của địa phương có mã hoá tiếng Trung thuận lợi cho người sử dụng có trình độ thấp, điều mà các hãng điện thoại nước ngoài ở Trung Quốc khó có thể làm được.
Thông báo mới đây cho thấy, thị phần của các tập đoàn sản xuất ĐTDD đa quốc gia ở Trung Quốc đã giảm mạnh. Nokia trước đây chiếm 30% nay chỉ còn trên 20%, LG từ 14 % giảm xuống còn 8%, Siemens từ 10,2% xuống còn 6,5%, Samsung từ 8% xuống còn 6,3%. Như vậy, đà sụt giảm của Nokia là mạnh nhất và số liệu này sẽ thay đổi nhanh chóng trong tương lai gần. Ngược lại, thị phần của nhiều công ty sản xuất ĐTDD ở Trung Quốc lại tăng lên. Ningbo Birg từ 4,4% lên 13%, China East Com từ 7 lên 12%.
Theo NTC, nguyên nhân là ngay trong những năm 1980, các công ty sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc đã có ý định sản xuất ĐTDD để phục vụ thị trường nhà nên họ đã cho các kỹ sư bí mật tham gia vào các hãng sản xuất ĐTDD của các nước lớn như Mỹ, Châu Âu. Sau khi thành thạo thì những người này trở về phục vụ quê hương. Để những người có trình độ cao hài lòng, các công ty Trung Quốc đã trả lương họ rất cao cộng thêm sự ủng hộ nhiệt thành của chính phủ khiến họ đã làm cho các công ty ĐTDD Trung Quốc lớn nhanh như thổi.
Sức ép từ những "tiểu gia"
Gần 20 hãng với hàng trăm mẫu điện thoại có trên thị trường. Hiện nay 5 hãng lớn, trong đó có Nokia, vẫn chiếm tới 90% thị phần. Các hãng còn lại tuy chia sẻ miếng bánh ít ỏi nhưng vẫn trụ được trên thị trường. Sự tồn tại của các hãng nhỏ có được là do họ có những lợi thế cạnh tranh nhất định mà các đại gia cỡ Nokia không thể có.
Trong số 15 hãng thuộc loại nhỏ, có nhiều tên tuổi còn rất mới như V.Fone, Toplux, Bird, Innostream, TCL, VK, DBTel… Vũ khí cạnh tranh khá lợi hại của các hãng nhỏ là giá. Nếu so sánh các sản phẩm cùng tính năng và tương đối giống về kiểu dáng, các nhãn hiệu mới có giá rẻ hơn không dưới 10%.
Ngoài ra, các "tiểu gia" cũng tỏ ra rất năng động trong việc chú trọng giải trí. Tuy thua sút về khả năng kết nối không dây (Bluetooth, hồng ngoại), các tính năng trợ giúp cá nhân số (PDA)... sản phẩm của các hãng nhỏ có lợi thế về công nghệ liên quan đến hình ảnh và âm thanh. Nhiều khách hàng thừa nhận, chất lượng màn hình điện thoại màu của LG, V.Fone, Toplux, VK, Innostream… không thua kém của các "đại gia".
Xét trên vấn đề kiểu dáng, điện thoại của các hãng nhỏ đánh đúng thị hiếu người tiêu dùng trung lưu bằng sản phẩm nhỏ, gọn, màu sắc rực rỡ và thời trang. Nếu giữa năm 2004 trở về trước, mỗi năm, mỗi nhãn hiệu của "chiếu dưới" chỉ đưa ra vài mẫu điện thoại mới thì từ cuối năm 2004 đến nay số lượng sản phẩm mới của họ ngày càng được bán ra nhiều, giúp cho khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
-
Nhật Vy (Theo AP, Reuters)