Các nước thất vọng với phán quyết của DOC
(VietNamNet) - Mặc dù chịu mức thuế sơ bộ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam, 4 quốc gia còn lại trong vụ kiện tôm gồm Brazil, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan, đều bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), công bố hôm 29/7.
Cả 4 nước đều phản đối
Thất vọng nhất với quyết định này là Brazil, với mức thuế từ 8,41-67,8% (một DN được miễn thuế). Phản ứng gay gắt trước phán quyết của DOC, Chủ tịch Hiệp hội Ngư dân tôm Brazil (BSFA), ông Itamar Rocha, tiếp tục bác bỏ cáo buộc bán phá giá tôm và cho rằng tôm nội địa của Mỹ không thể cạnh tranh với tôm nuôi ở các nước có điều kiện thiên nhiên thuận lợi và chi phí lao động thấp như Brazil.
Ông Rocha cho biết, BSFA sẽ vạch ra chiến lược pháp lý để chống lại phán quyết sơ bộ của DOC. Đồng thời, Hiệp hội này đe dọa sẽ gây sức ép buộc Chính phủ Brazil nâng các mức thuế quan trong quá trình đàm phán với Mỹ nhằm xây dựng Khu vực Mậu dịch tự do châu Mỹ. Ngoại trưởng Brazil cũng thông báo, Chính phủ nước này sẽ nghiên cứu các biện pháp để kiện việc áp các mức thuế đối với tôm xuất khẩu của Brazil lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ ba của Brazil, sau Pháp và Tây Ban Nha. Ông Rocha cho rằng, các mức thuế mà DOC áp đặt sẽ không cản trở được sự phát triển của ngành tôm Brazil vì họ sẽ tìm kiếm các thị trường khác. Năm nay, Brazil dự tính sẽ xuất khẩu 75.000 tấn tôm, trị giá khoảng 300 triệu USD.
Giận dữ không kém với phán quyết của DOC là Ấn Độ - nước bị áp thuế chống bán phá giá cao thứ hai trong nhóm 4 nước trên, từ 3,56 đến 27,49%. Mỹ hiện đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Ấn Độ, sau Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt trên dưới 250 triệu USD. Các nhà xuất khẩu tôm bang Kerala (Ấn Độ) đang tham vấn hãng luật đại diện của mình (Garvey Schubert Barer) để nghiên cứu các bước đi tiếp theo. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản Ấn Độ vẫn khẳng định, lẽ phải sẽ thuộc về Ấn Độ vì họ không bán phá giá tôm trên thị trường Mỹ. Các mức thuế mà DOC áp đặt là phi lý và không xác đáng.
Còn Chủ tịch Phòng nuôi trồng thuỷ sản Ecuador (CNA), ông Sandro Coglitore, nhận xét, phán quyết của DOC thật “khó giải thích”. Các DN của nước này đã đưa ra tất cả các bằng chứng cần thiết để chứng minh hoạt động kinh doanh trong sạch và tuân theo các thông lệ kinh doanh quốc tế, vậy mà DOC vẫn áp thuế 6,08-9,35% đối với tôm của họ. Ông Coglitore phê phán cả Tổng thống nước này trước những lời hứa hẹn hỗ trợ không hiện thực, đồng thời chỉ trích Ủy ban Điều hành Ecuador (EEP) vì không tích cực vận động hành lang ở Mỹ để ngăn việc áp thuế tôm. Ông Coglitore cho biết, sắp tới, khi phái đoàn của DOC đến thẩm tra các DN xuất khẩu tôm, Ecuador sẽ tạo sức ép với Mỹ, với lý lẽ họ đã sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu thuốc phiện. Ước tính của Phòng Thương mại bang Guayaquil (Ecuador), các mức thuế chống bán phá giá tôm của Mỹ sẽ làm thiệt hại cho ngành tôm nước này khoảng 30 triệu USD/năm.
Nước chịu mức thuế tôm thấp nhất là Thái Lan (5,56-10,25%) cũng lên tiếng phản đối quyết định của DOC. Ông Rachane Potjanasuntorn, Tổng giám đốc Sở Ngoại thương (Bộ Thương mại Thái Lan), khẳng định, Thái Lan không bán phá giá tôm tại thị trường Mỹ mà chính nhờ các trang trại nuôi tôm của nước này có biện pháp quản lý tốt, dẫn tới chi phí nuôi trồng thấp và giá rẻ. Ông cho biết, Thái Lan sẽ kháng kiện phán quyết của DOC đòi Hoa Kỳ dỡ bỏ mức thuế trên.
Giá tôm có thể tăng 10% vào tháng 11
Sau khi DOC công bố phán quyết sơ bộ áp đặt thuế đối với tôm nhập khẩu từ các nước, các nhà nhập khẩu, phân phối thuỷ sản và các nhà hàng tại Mỹ dự báo, giá tôm sẽ tăng cao. Ông Roger Berkowitz, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hệ thống nhà hàng Legal Sea Foods, ước tính, đến tháng 11/2004, mức giá tôm tăng tối đa là 10%. Nhà hàng sẽ chỉ tiến hành tăng giá trong trường hợp bắt buộc và sẽ cố gắng kiểm soát mức giá.
Một số nhà hàng ở Mỹ cũng cho rằng, ít nhất trong vài tháng tới, giá các món ăn chế biến từ tôm sẽ không tăng do chủ các nhà hàng đã thoả thuận được với các nhà cung cấp duy trì mức giá hiện tại. Trong khi đó, một số nhà hàng đã tìm các biện pháp để tránh phải chịu thuế chống bán phá giá. Ví như, hệ thống nhà hàng Popeye’s Chicken and Biscuits đang tiến hành nhập khẩu tôm từ các nước ở Trung và Nam Mỹ không nằm trong vụ kiện tôm.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy phán quyết áp thuế đối với tôm nhập khẩu tác động lên giá cả. Theo hãng tin Urner Barry, từ khi công bố mức thuế đối với Trung Quốc và Việt Nam hôm 6/7, giá tôm thẻ bán buôn ở Mỹ trung bình tăng khoảng 30 cent/pound. Đó là chưa kể vào tuần tới, các nhà nhập khẩu tôm 4 nước còn lại sẽ phải đóng tiền đặt cọc cho Hải quan Mỹ để trả thuế nhập khẩu. Điều này có thể sẽ tác động đến giá tôm ở Mỹ.
-
H.Phương (tổng hợp)