,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
490842
Báo chí Mỹ chỉ trích thuế nhập khẩu tôm của DOC
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Báo chí Mỹ chỉ trích thuế nhập khẩu tôm của DOC

Cập nhật lúc 18:24, Thứ Năm, 22/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Các bài xã luận đăng trên hai tờ báo nổi tiếng ở Mỹ: Thời báo New York (New York Times) và Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) trong ngày 19 và 21/7, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các mức thuế nhập khẩu tôm mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cố tình áp đặt lên các nước, trong đó có Việt Nam.

 

Tôm nhập khẩu đang tạo việc làm cho hơn 250.000 lao động tại Mỹ.

Cả hai tờ báo đều thừa nhận rằng, giá thành sản xuất tôm nuôi rẻ hơn tôm khai thác; và vì vậy, chính quyền Hoa Kỳ đã vận dụng luật thương mại một cách phi lý để ủng hộ ngư dân đánh bắt tôm trong nước, bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Việc ngư dân tôm miền Nam nước Mỹ đâm đơn kiện chống bán phá giá đối với 6 nước để áp đặt thuế nhập khẩu tôm chỉ là hình thức, thực chất là họ đang muốn “câu kéo” khoản tiền được hưởng từ Tu chính án Byrd.

 

Hai tờ báo cũng nhất trí công nhận vai trò của tôm nhập khẩu đối với ngành công nghiệp chế biến và tiêu dùng tại Mỹ. Hiện ngành chế biến, phân phối tôm Hoa Kỳ đang nuôi sống khoảng 250.000 lao động, trong khi nguyên liệu phần lớn lại phụ thuộc vào tôm nhập khẩu (hiện chiếm tới gần 90% thị trường Mỹ). Ngoài ra, tôm nhập khẩu có mức giá thấp, nên hầu hết bộ phận dân chúng Mỹ đều được thưởng thức món ăn hải sản giàu dinh dưỡng, vốn chỉ được phục vụ trong các nhà hàng. Theo Liên minh Hành động Thương mại ngành công nghiệp Tiêu dùng Mỹ (CITAC), lượng tôm tiêu thụ của các gia đình có thu nhập thấp ở Mỹ đã tăng 45% trong vòng từ năm 2000 đến 2002.

 

Việc giá tôm nhập khẩu thấp, theo New York Times, là do các nước sản xuất tôm hiệu quả hơn, chi phí nhân công thấp hơn và phương pháp chế biến ưu việt hơn hẳn ngành tôm nội địa Mỹ, vốn chủ yếu phụ thuộc vào khai thác biển.

 

Do đó, cả hai bài xã luận đều nhấn mạnh, chính sách thương mại của chính quyền Mỹ trong vụ kiện tôm phản ánh chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược những cam kết và hiệp định tự do thương mại mà nước này đang theo đuổi. Hậu quả của vụ kiện không chỉ tác động đến người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ, mà có thể sẽ gây ra các cuộc chiến thương mại và những biện pháp trả đũa từ các quốc gia. Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) đã khuyến cáo với DOC về sự đe doạ từ phía Thái Lan rằng, nước này sẽ ngừng nhập khẩu đậu nành và bột đậu nành của Mỹ, nếu tôm Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá.

  • H.Phương

,
,