Mỹ: EU phải hủy bỏ lệnh cấm sản phẩm biến đổi gen
Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại Mỹ - EU và đẩy WTO vào tình thế "khó xử" bắt đầu từ khi Mỹ kiện lên WTO về việc EU cấm các sản phẩm biến đổi gen.
Theo số liệu của Mỹ, lệnh cấm sản phẩm GM của EU gây thiệt hại cho xuất khẩu ngô của Mỹ 300 triệu USD mỗi năm. |
Tuần trước, Mỹ đã đệ đơn kiện lên WTO yêu cầu EU hủy bỏ lệnh cấm sản xuất các thực phẩm biến đổi gen (GM) và bồi thường ít nhất là 1,8 tỷ đô la cho Mỹ, tương đương mức thiệt hại về xuất khẩu của Mỹ trong hơn 6 năm qua.
WTO hiện đang gặp phải một vụ kiện có thể nói là lớn nhất trong lịch sử, một vụ việc có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU, và làm chia rẽ cộng đồng quốc tế. Mặc dù năm ngoái Mỹ đã tuyên bố sẽ khởi kiện vụ này, nhưng nhiều người tin rằng Mỹ chỉ hăm dọa thôi và sẽ cố gắng buộc EU cởi mở hơn trong vấn đề buôn bán hàng hóa biến đổi gen.
Vậy mà trong đơn kiện gửi lên WTO tuần trước, Mỹ cáo buộc EU áp đặt lệnh ngừng mọi hoạt động liên quan đến sản phẩm biến đổi gen hồi năm 1998 mà không hề có bằng chứng khoa học nào, và điều này là trái với quy tắc thương mại tự do của WTO. Mỹ cho biết, mỗi năm nước này mất đi 300 triệu đô la từ ngô xuất khẩu và hy vọng biện pháp trừng phạt đối với EU sẽ bù đắp số thiệt hại trên. Đến cuối tháng 5 này, EU sẽ phải đưa ra câu trả lời trước khi Ban Hội thẩm WTO họp vào tháng 6. Nếu như các lý lẽ đứng về phía Mỹ, Ban Hội thẩm sẽ quyết định áp đặt các hình thức trừng phạt thương mại để buộc EU tuân thủ.
Vụ việc này có quy mô mang tính toàn cầu bởi lẽ nếu Mỹ có thể bắt buộc EU bỏ lệnh cấm các sản phẩm GM thì khi đó bất cứ nước nào ra lệnh cấm sản phẩm GM cũng sẽ phải chịu trừng phạt thương mại. Tuy nhiên tâm lý người tiêu dùng EU hiện nay là tẩy chay các sản phẩm GM, và nhiều quốc gia cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm GM phục vụ trồng trọt hay dùng làm thực phẩm. Các quốc gia này, trong đó có Pháp, Lucxămbua, Đức, Ý và Hy Lạp đều từng bị Mỹ kiện lên WTO.
Trong đơn khiếu nại, Mỹ cho rằng tất cả các lệnh cấm sản phẩm GM đều không hợp pháp. Có lẽ đây là điểm mạnh nhất của Mỹ trong vụ kiện này, bởi lẽ tuy các quốc gia được phép cấm buôn bán các sản phẩm gây hại cho sức khỏe hay ô nhiễm môi trường, nhưng bắt buộc phải đưa ra bằng chứng thuyết phục. Còn phía Mỹ cho rằng, EU đã không đưa ra được bằng chứng khoa học nào để bao biện cho lệnh cấm buôn bán sản phẩm GM, và do vậy không phù hợp với các cam kết của EU tại WTO.
Cuộc họp Bộ trưởng Nông nghiệp EU ngày hôm qua kết thúc với khả năng EU sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đối với sản phẩm ngô biến đổi gen - cũng sẽ không có tác động gì đến vụ Mỹ kiện EU lên WTO. Phản ứng lại hành động của Mỹ, phía EU cho rằng lệnh cấm có hiệu lực trong vòng 5 năm là để cho phép các cuộc thử nghiệm về những tác động của sản phẩm GM đối với môi trường.
Các quan chức WTO đều thấy "khó xử" nếu như phải áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với EU, trong khi EU đang làm theo ý nguyện của đại đa số người dân trong khối. Và điều này có thể sẽ làm giảm uy tín của WTO. Trong khi đó, Mỹ đang quyết tâm theo đuổi vụ kiện và ngay cả khi thua kiện, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục kiện lần thứ hai để cấm việc dán nhãn sản phẩm GM, cũng như việc nhất thiết cứ phải tìm ra nguồn gốc của cây trồng.
Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, vụ kiện này quả là một cơn ác mộng về chính trị đối với WTO. Liệu WTO sẽ phải chấp nhận cho EU quyền được làm theo ý nguyện của người dân, hay sẽ tham gia vào lời cáo buộc do Mỹ đưa ra, chà đạp lên nguyện vọng của hàng triệu người dân châu Âu?
(Thu Thủy - theo The Guardian)