USD hồi phục
Trưởng phái đoàn thanh sát vũ khí LHQ Hans Blix tỏ ra nhã nhặn hơn bình thường khi ông công bố bản báo cáo thanh sát vũ khí tại Iraq. Hành động này càng tạo ra sự chia sẽ quan điểm giữa các thành viên thuộc Hội đồng Bảo an xung quanh vấn đề tấn công quân sự chống Iraq.
Trong vài ngày qua, làn sóng biểu tình chống chiến tranh diễn ra trên khắp thế giới. Với những hành động phản chiến quyết liệt này, dường như Mỹ khó có thể tấn công Iraq trong ngày một ngày hai.
Vì thế, đồng USD hồi phục đáng kể trong các phiên giao dịch sáng nay. 1 USD đổi được 120,78 yên nhưng các nhà giao dịch vẫn tỏ ra thận trọng.
Vào 9h50 tối qua (giờ Mỹ), tỷ giá USD/yên đứng ở mức 120,60/63 yên/USD, tăng nhẹ so với mức 120,27/35 yên/USD vào chiều thứ sáu.
Tỷ giá USD/EUR cũng đứng ở mức 1,0731/34 USD/EUR so với mức chiều thứ sáu 1,0788/92 USD/EUR. So với đồng yên Nhật Bản, EUR dường như không đổi ở mức 129,44/51 yên/EUR.
''Khi nguy cơ chiến tranh giảm bớt, USD sẽ hồi phục'', ông Hideaki Furumaya, trưởng ban giao dịch liên ngân hàng tại Trust and Custody Services Bank, khẳng định. Ông nói thêm, ''tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn rất thận trọng khi bất ổn vẫn còn và làn sóng phản chiến diễn ra khắp nơi''.
Hiện nay, diễn biến của thị trường vẫn biến động theo ''các bước đi'' ở Iraq. Ông Blix khẳng định rằng ông vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt đồng thời ông ghi nhận sự hợp tác của Baghdad đối với phái đoàn thanh sát vũ khí.
Ông cũng chỉ ra rằng Iraq sở hữu tên lửa có tầm xa vượt ngoài giới hạn mà LHQ cho phép. Tuy nhiên, điều đó cũng không đủ để khẳng định Iraq đang sở hữu những loại vũ khí bị nghiêm cấm.
Bên cạnh yếu tố Iraq, USD hồi phục một phần là do Chính phủ Nhật Bản có chính sách ''đồng yên yếu'' và việc ai sẽ là thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Ông Zembei Mizoguchi, một quan chức tài chính cấp cao Nhật Bản sáng nay cảnh báo rằng Bộ Tài chính nước này sẽ xem xét ''sự dịch chuyển quá đáng'' trên thị trường hối đoái và áp dụng những hành động can thiệp nếu cần thiết.
Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng, giới đầu cơ luôn muốn tìm cơ hội bán USD, nhưng lại lo sợ khả năng can thiệp trực tiếp của Chính phủ Nhật Bản. Nên họ thường chờ động thái của BOJ để quyết định.
(Thế Hưng - Theo Reuters)