,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
172666
Các nước đang phát triển đối mặt với khó khăn hơn
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,
Vòng đàm phán Doha bị bế tắc:

Các nước đang phát triển đối mặt với khó khăn hơn

Cập nhật lúc 08:08, Thứ Bảy, 27/12/2003 (GMT+7)
,

Trong bối cảnh vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) gần như bị giẫm chân tại chỗ, thì một xu thế rất rõ là các nước tăng tốc các thỏa hiệp tự do mậu dịch (FTA) song phương. Các nhà phân tích cho rằng, các nước đang phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn từ việc hình thành các hiệp định song phương như vậy.

Tăng tốc các hiệp ước tự do song phương

Sau khi vòng đàm phán cấp bộ trưởng của WTO tại Cancun (Mexico) bị đổ vỡ vào tháng 9/2003, các nước nhất là Mỹ, đã tăng tốc thành lập các FTA song phương.

WTO đang bế tắc trong vấn đề tự do thương mại toàn cầu.

Cách đây một tuần, Mỹ cũng đã thiết lập FTA với 4 nước vùng Trung Mỹ (El Savador, Guatemala, Honduras và Nicaragua). Hiện tại, nước này đang đẩy mạnh đàm phán riêng lẻ với các nước Nam Mỹ là Colombia, Peru, Ecucador và Bolivia, cũng như nỗ lực để thành lập Khu vực Tự do mậu dịch châu Mỹ (FTAA) vào năm 2005.

Tại châu Á, xu hướng thành lập các FTA song phương cũng gia tăng nhanh chóng. Hiệp định khung về thành lập khu vực tự do mậu dịch giữa ASEAN với Trung Quốc đã được ký kết, hay các FTA riêng lẻ Singapore-Nhật, Trung Quốc-Thái Lan. Hiện tại, Nhật và Ấn Độ cũng đang tiến hành để thiết lập được các hiệp định tự do với ASEAN…

Hiện có hai quan điểm khác nhau về việc nở rộ các FTA song phương như vậy. Những người ủng hộ cho các hiệp định FTA song phương là bước đi tiên phong, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Số còn lại cho rằng, sự tập trung vào các FTA song phương sẽ làm giảm uy tín, gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực của WTO, phá vỡ những quy tắc trong thương mại đa phương, cũng như tăng thêm rào cản cho các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo.

Thách thức cho các nước đang phát triển

Các nước chịu nhiều thua thiệt nhất hiện nay là những nước nghèo như Nepal, Campuchia, Mông Cổ hay các nước Hồi giáo như Bangladesh, Pakistan. Đây là những nước mà các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ bị đánh thuế cao khi vào thị trường Mỹ hay EU. Ông Edward Gresser, một quan chức Bộ thương mại từ thời Tổng thống Bill Clinton cho rằng, nếu việc tự do thương mại đa phương không đạt tiến bộ để xóa bỏ hàng rào thuế quan, thì các nước nói trên sẽ mất nguồn vốn đầu tư và kéo theo hàng triệu người sẽ bị mất việc làm.

Số tiền trợ cấp cho nông nghiệp ở các nước giàu mỗi năm lên tới 350 tỷ USD. Trong khi đó, tổng viện trợ dành cho các nước nghèo chỉ vào khoảng 50 tỷ USD.

Còn theo ông Arvind Panagariya, một chuyên gia kinh tế ở Đại học Maryland, các nước đang phát triển có tiếng nói mạnh tại Cancun như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ phải đối mặt với sự phân biệt nhiều hơn từ EU và Mỹ. Hiện tại, thông qua việc tiến hành các cuộc đàm phán song phương với các nước, Mỹ và EU gây được áp lực và cô lập các nước này. Với các nước nhỏ khác, vị thế của họ sẽ yếu hơn trong các cuộc đàm phán, từ đó sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong các hiệp định song phương.

Vòng đàm phán tại Cancun bị thất bại, đồng nghĩa với việc trợ cấp cho nông nghiệp và tháo dỡ hàng nhập khẩu tại Mỹ và EU sẽ kéo dài thêm. Tình trạng này làm cho các nông sản xuất khẩu của các nước nghèo phải đối mặt với hàng rào cản thuế nhập khẩu cao, rất khó để xâm nhập vào thị trường các nước giàu được. Trong khi nông nghiệp là lĩnh vực (có thể nói là duy nhất) mà các nước nghèo có thể cạnh tranh được với các nước phát triển.

Sự cần thiết để khởi động lại vòng đàm phán mới

Dù gì đi nữa, khi vòng đàm phán Doha bị bế tắc thì những nước nghèo phải gánh lấy phần thua thiệt. Vì vậy, Tổng thư ký WTO, ông Supachai Panitchpakdi đã thúc giục các nước phải mau chóng nối lại vòng thương lượng mới.  Các Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Hors Koehler và Ngân hàng thế giới (WB) Wolfensohn, trong báo cáo gởi các chính phủ trong WTO cho rằng, các nước nên mau chóng trở lại bàn đàm phán, đồng thời phê phán chủ nghĩa bảo hộ, xem đó như là một rào cản đối với cuộc chiến chống đói nghèo của Liên hiệp quốc.

Nông sản các nước nghèo rất khó xâm nhập vào EU, Mỹ hay Nhật Bản do chính sách bảo hộ của những nước này.

Các nước châu Phi ước tính, nếu việc tự do đa phương được thực thi, xuất khẩu các nước này sẽ tăng 14%, GDP tăng 1,2%. Còn theo số liệu được WTO công bố, thì tình hình thương mại toàn cầu trong năm 2003 tiến triển rất chậm chạp. WB tính toán, nếu vòng đàm phán Doha thành công, sẽ tăng thêm 520 tỷ USD thương mại toàn cầu hằng năm, và 140 triệu người trên thế giới có cơ hội thoát khỏi đói nghèo.

Hai ông  Koehler và Wolfensohn cho rằng, các nước cần phối hợp hành động để xóa bỏ rào cản thương mại, xem đây là công cụ hữu hiệu nhất giúp thoát khỏi sự nghèo khổ, nâng cao mức sống cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ vẻ không mấy lạc quan về tiến triển của vòng đàm phán Doha. Ông Massey, một cựu chuyên gia Mỹ về đàm phán thưong mại cho rằng, vòng đàm phán đa phương khó mà có tiến triển được khi vấn đề trợ cấp cho nông nghiệp ở các nước giàu không được bãi bỏ. Ông Massey nhấn mạnh đến các bất đồng sâu sắc giữa các nước, nhất là  trên lĩnh vực nông nghiệp, và những bất công mà các nước nghèo phải gánh chịu. Trong khi các nước Mỹ, Nhật, EU thúc ép các nước đang phát triển phải nhanh chóng dỡ bỏ hàng rào thuế quan để cho hàng hóa của họ tràn vào, nhưng lại đóng chặt cánh cửa của mình ở những lĩnh vực mà các nước nghèo có khả năng cạnh tranh được.

Thêm vào đó, trong 11 tháng còn lại trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm sau, có thể Chính phủ nước này sẽ gia tăng các chính sách bảo hộ mậu dịch. Bên cạnh đó, EU lại đang bận bịu với việc mở rộng liên minh vào năm tới. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, vòng đàm phán Doha khó mà kết thúc sớm được, ít nhất là cho đến năm 2007.

(Hoàng Diệu - Tổng hợp từ Far Eastern Economic Review, Xinhuanet)

,
,