,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
162980
30 triệu công nhân có nguy cơ mất việc làm
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,
Công nghiệp dệt may các nước sau 1/1/2005:

30 triệu công nhân có nguy cơ mất việc làm

Cập nhật lúc 14:39, Thứ Năm, 11/12/2003 (GMT+7)
,

Cô Tuch Phrearom (Campuchia), 24 tuổi, làm việc trong một xí nghiệp may đã 4 năm nay. Với mức lương 80 USD/tháng, cô là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuch Phrearom giúp gia đình dựng được một căn nhà gỗ mới, mở rộng diện tích đất canh tác lên 4,3ha... Tuy nhiên, cô cũng như 1.300 công  nhân khác của Công ty Thai - Pore Garment Manufacturing đang đứng trước nguy cơ bị mất việc từ năm 2005.

30 triệu công nhân ngành dệt may có nguy cơ bị thất nghiệp

Hạn ngạch (quota) vào Mỹ và EU đối với những chủng loại hàng dệt may cuối cùng sẽ được bãi bỏ vào ngày 01/01/2005. Khi đó, hơn 30 triệu công nhân ngành dệt may ở nhiều nước trên thế giới, từ Cộng hòa Dominica, Honduras (Trung Mỹ), Indonesia, Campuchia (châu Á) cho đến Ghana (châu Phi)..., sẽ có nguy cơ bị mất việc làm. Lý do: ngành dệt may của những nước này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc (TQ). Nếu không có những biện pháp hữu hiệu để vượt qua thách thức này, thì viễn cảnh hàng ngàn công ty, xí nghiệp dệt may bị đóng cửa là rất gần hiện thực.

Người tiêu dùng tại các nước phát triển sẽ được hưởng lợi. Theo dự đoán, giá một số mặt hàng sẽ giảm tới 30%, thậm chí nhiều hơn nữa...

Những quốc gia mà ngành dệt may có tính cạnh tranh thấp (cơ sở hạ tầng kém phát triển, năng suất lao động thấp, nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài... ) nhưng lại chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, sẽ bị tác động mạnh nhất. Indonesia có tới 1,2 triệu lao động làm việc trong ngành may, nhưng phần lớn nguyên liệu vải phải nhập từ TQ. Trong năm 2002, 8 nhà máy tại đất nước này đã bị đóng cửa với hơn 10.000 người bị mất việc, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đã sụt giảm  13,2% (còn 3,8 tỷ USD). Trong năm nay, thêm 30 nhà máy, xí nghiệp cũng bị đóng cửa, và tình hình có thể xấu hơn từ năm 2005...

Còn tại các nước Mỹ Latinh, ngành dệt may từ trước đến giờ vẫn tồn tại được do hạn ngạch nhập khẩu mà Mỹ đã phân bổ cho. Vì vậy, bắt đầu từ 2005, các nước này sẽ đối mặt với những khó khăn hơn. Theo các quan chức Dominica, 1/3 trong tổng số 119.000 công nhân dệt may nước này sẽ bị mất việc làm, và xuất khẩu từ ngành dệt may sẽ giảm đến 35%.

Ngành dệt may của Mỹ cũng là nạn nhân. Trong 3 năm qua, hơn 300.000 công nhân làm việc trong ngành đã bị sa thải (riêng từ đầu năm 2003 đến nay, 50.000 người bị mất việc làm). Theo Hiệp hội đại diện cho công nhân ngành dệt may Mỹ, sau thời điểm 1/1/2005, hơn 500.000 lao động nữa sẽ có cùng cảnh ngộ như thế. Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã có các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng trên, mà mới đây nhất  là việc sẽ áp đặt hạn ngạch đối với một số mặt hàng dệt may nhập từ TQ.

Trung Quốc vươn lên chiếm lĩnh thị phần

Từ năm 2005, ngành dệt may của TQ sẽ có nhiều thuận lợi nhất. Với giá nhân công rẻ (khoảng 73 USD/người/tháng), năng suất cao, cơ sở hạ tầng phát triển... Trung Quốc sẽ tận dụng những ưu thế của mình để chiếm lĩnh thị phần hàng dệt may toàn cầu.

Năm 2002, khi hạn ngạch quần áo trẻ em được bãi bỏ, xuất khẩu mặt hàng này từ TQ sang Mỹ đã tăng đến 826%.

Năm 2002, xuất khẩu hàng dệt may của TQ chiếm 17% tổng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này trên toàn thế giới. Theo Ngân hàng thế giới (WB), Trung quốc sẽ nhanh chóng vươn tới con số 45%. Hiện tại TQ xuất sang thị trường Mỹ chừng 6,5 tỷ USD/năm, và con số này sẽ tăng lên 40 tỷ USD vào năm 2010.  Một số nhà máy tại TQ đang được nâng công suất, mở rộng sản xuất...

Cùng với TQ, Pakistan và Ấn Độ cũng là những quốc gia được hưởng lợi sau khi hạn ngạch được bãi bỏ. Các nước này có những điểm mạnh: thiết bị, nhà xưởng đã được nâng cấp, mức lương thấp, sản xuất được nhiều nguyên liệu cho ngành dệt may (nguyên liệu tự nhiên, cũng như tơ sợi tổng hợp có chất lượng cao). Dệt may là ngành công nghiệp lớn nhất của Pakistan, thu hút tới 1/3 số nhân công tại các khu công nghiệp, xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt tới 7 tỷ USD trong năm 2003 ....

(H.Diệu - Tổng hợp từ Businessweek, Financial Times)

,
,