,
221
457
Kinh tế thế giới
thegioi
/kinhte/thegioi/
159364
J.P.Morgan - Kiến trúc sư của nền kinh tế Mỹ
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

J.P.Morgan - Kiến trúc sư của nền kinh tế Mỹ

Cập nhật lúc 06:22, Chủ Nhật, 07/12/2003 (GMT+7)
,

Chân dung J.P.Morgan (1837-1913)

Một thế kỷ trước đây, J.P.Morgan là người thao túng ngành công nghiệp nước Mỹ. Ông đã thành lập Tập đoàn Thép Hoa Kỳ với số vốn hàng tỷ USD; bảo trợ tài chính cho International Havester, AT&T, General Electric; là cha đẻ của dự án xây dựng hệ thống đường ray của Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của Morgan, các ngân hàng lớn của New York đã đóng vai trò như là ngân hàng trung ương của Mỹ. Điều kỳ diệu lớn nhất mà J.P. Morgan làm được là sự kết hợp lợi ích của các công ty cạnh tranh để tạo ra một hệ thống khổng lồ và ổn định...  

J.P.Morgan sinh năm 1837, tại Hartford, bang Connecticut. Thời thanh niên, ông  trùm tài chính này học tại Đại học Gottingen ở Đức. Morgan là một nhân vật đầy huyền thoại và là một trong những người có ảnh hưởng nhất của thời đại. Đã có nhiều câu chuyện thú vị xung quanh thời niên thiếu của Morgan ở Hartford và Boston, thời trung học ở Thuỵ Sỹ và Đức, sự khởi nghiệp của ông ở New York.

 

Người anh hùng của nước Mỹ

Năm 1904, nhà kinh tế học John Moody đã viết trong tác phẩm Sự thật về các Tờ-rớt rằng: Nhìn một cách tổng thể, quyền lực của các Tờ-rớt nằm trong tay các nhà tư sản lớn nhỏ. Rất nhiều người trong số họ liên kết với nhau bằng một số mối ràng buộc nhất định nào đó, nhưng nhìn chung đều phụ thuộc vào các tập đoàn lớn hơn. Và đến lượt các tập đoàn lớn hơn này lại phụ thuộc vào hai “con ma mút” là hai tập đoàn Rockefeller và Morgan. Chính hai “con ma mút” này là trái tim của đời sống kinh tế Hoa Kỳ.

Hãng J.P.Morgan bắt đầu hình thành vào năm 1861 ở New York, khi đó J.Pierpont Morgan mới  24 tuổi. Trước đó, vào những năm 1850, khi nước Mỹ cần một nguồn vốn khổng lồ mà bản thân không thể tự có được, gia đình Morgan đã nỗ lực thu hút các nguồn tài chính ở châu Âu về để tập trung xây dựng hệ thống đường ray xe lửa và giải quyết trái phiếu chính  phủ.

Năm 1870, J.P.Morgan còn cho Chính phủ Pháp vay tiền trong cuộc chiến tranh chống lại Ottovon  Bismarck - người lập nên đế chế Giéc-manh. Sự kiện này đã làm cho J.P.Morgan trở thành tập đoàn đầu tiên biết tìm đến một loại đối tác mới đầy tiềm năng, đó là chính phủ các nước.

Năm 1871, ông cùng  với gia đình Drexel ở Philadelphia thành lập Hãng tài chính Drexel - Morgan. Hãng Drexel – Morgan bắt đầu các hoạt động kinh doanh bằng cách cho những nhà đầu tư xây đường ray xe lửa vay những khoản tiền khổng lồ. Đồng thời, hãng này còn là chủ nợ của các tập đoàn công nghiệp lớn ở Mỹ trong những năm 1880. Sau  đó,  hãng Drexel – Morgan được cơ cấu lại và đổi tên thành Công ty J.P.Morgan.

Vào năm 1891, J.P.Morgan được thừa hưởng tài sản lớn của cha ông là Junius S.Morgan, và tập trung vào các ngành công nghiệp nặng. Morgan là người đi đầu trong số các xanhđica than antraxit. 

Morgan đã biến ngành kinh doanh tài chính trở thành một “cột trụ” trong nền kinh tế Mỹ bằng cách tăng nguồn vốn khổng lồ đầu tư vào ngành xây dựng đường ray, ổn định thị trường trong các thời kỳ khủng hoảng, hình thành cơ cấu các tập đoàn và tổ chức hệ thống tài chính trên toàn nước Mỹ.

Morgan từng được mệnh danh là “Napoleon của Phố Wall”. Và ông nghĩ rằng nước Mỹ cần giao phó trách nhiệm điều hành các hoạt động của các công ty tài chính cho ông. Phố Wall thường rất nhạy cảm với những biến động. Các cuộc chiến tranh, nỗi sợ hãi, các cuộc khủng hoảng đã để lại dấu ấn trong cuộc đời của Morgan. Trong suốt cuộc đời, ông đã lập lại trật tự cho sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Có người gọi nước Mỹ trong thời đại mà Morgan sống là thời kỳ “Morgan hoá” (morganization) của Mỹ. Trong suốt nửa sau thế kỷ 19, các ngân hàng của Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của nước Mỹ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới. Đến đầu thế kỷ 20, Pierpont Morgan đã thành lập nên những tập đoàn công nghiệp khổng lồ cho Hoa Kỳ, và làm cho trung tâm tài chính thế giới di chuyển từ London sang New York. Vào thời gian đó, trong bối cảnh nền kinh tế đang trỗi dậy của Hoa Kỳ, những thách thức có thể gặp phải khi quyết định đầu tư kinh doanh cũng nhiều không kém những cơ hội. Thế nhưng các nhà đầu tư thời kỳ đó cứ hễ nhìn thấy tên của Morgan trên tờ cổ phiếu hay trái phiếu là như nhìn thấy một sự bảo đảm và tin tưởng. Hơn thế nữa, Morgan còn đóng vai trò như “thủ lĩnh làm luật” cho nền tài chính nước Mỹ. Khi có một sơ suất trong bộ máy vận hành các dự án này, lập tức những người điều hành sẽ bị Morgan sa thải. Ông sẽ tự mình điều chỉnh cơ cấu và thành lập một ban quản trị để giám sát công việc cho tới khi bộ máy đó được vận hành đúng hướng trở lại. Quyền lực của J.P.Morgan không chỉ có được nhờ số tài sản khổng lồ của ông, mà còn nhờ vào uy tín và lòng tin cậy mà các ngân hàng trên khắp thế giới dành cho ông như dành cho thuyền trưởng của họ.

Năm 1913, J.P.Morgan qua đời, ông là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới. Những người con của gia đình J.P.Morgan đã tiếp nối truyền thống và tài năng kinh doanh của người cha đáng kính. Tập đoàn Morgan vẫn là một “ông lớn” của gia đình Phố Wall. Các cổ phiếu của Morgan vẫn được ưa chuộng. Tập đoàn Thép Hoa Kỳ vẫn là hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới... Trước khi qua đời, Morgan đã tặng cho Bảo tàng lịch sử quốc gia ở thành phố New York bộ sưu tập có một không hai của ông bao gồm 410 đồng xu vàng, 375 đồng bạc và rất nhiều loại khác, ông để lại cho các thư viện của nhiều trường học trên khắp nước Mỹ rất nhiều cuốn sách có giá trị.

Tuy nhiên, di sản quý giá nhất mà Morgan đã để lại chính là niềm tự hào của nước Mỹ về một người con tài năng, là những bài học quý giá về lãnh đạo kinh doanh và quan trọng hơn cả là Morgan đã làm nên một thời kỳ hùng tráng trong lịch sử phát triển kinh tế Mỹ, tạo nên diện mạo cho nền kinh tế Mỹ, làm nền móng cho Mỹ trở thành một cường quốc kinh tế thế giới như ngày nay. Ông sẽ mãi mãi được nhớ đến như một “Napoleon” đầy huyền thoại của lịch sử kinh tế thế giới.

Sau cuộc khủng hoảng thị trường cổ phiếu vào năm 1929, Nghị viện Hoa Kỳ ban hành một luật mới buộc các tập đoàn lớn phải tách các công ty chứng khoán ra riêng hẳn với các công ty tài chính. Với luật mới này, hãng J.p.Morgan đã tách thành hai bộ phận: ngân hàng thương mại J.P.Morgan và công ty chứng khoán Morgan Stanley.

Năm 2000, tập đoàn Morgan đã làm nên một sự kiện nổi bật trong giới kinh doanh thế giới, đó là Tập đoàn Chase Manhattan ký kết một hiệp ước sáp nhập với tập đoàn J.P.Morgan bằng một thoả thuận trị giá 33 tỷ USD. Đã có lúc người ta cho rằng Chase Manhattan đang “nuốt chửng” J.P.Morgan. Ngân hàng sáp nhập từ hai tập đoàn khổng lồ này trở thành ngân hàng cho các nhà tài phiệt lớn mà tên tuổi của họ làm nên sức mạnh của tầng lớp tư sản Mỹ. Vụ làm ăn này diễn ra khi cả hai tập đoàn muốn tăng sức mạnh để cạnh tranh với các đối thủ của họ. Trên thực tế, đây là một vụ làm ăn “đôi bên cùng có lợi”. Morgan muốn mở rộng quy mô thị trường tài chính khổng lồ mà Chase có, còn Chase thì muốn tiến một bước phát triển trong lĩnh vực tài chính đầu tư và “ăn theo” danh tiếng của Morgan. Ngày nay người ta thường nhắc đến Morgan với cái tên J.P.Morgan Chase.

(Trần Hiền  - tổng hợp)

,
,