Thâm thủng ngân sách của Mỹ có thể lên tới 300 tỷ USD
Tổng thống Bush dự kiến sẽ cắt giảm thuế trị giá 674 tỷ USD. |
Trong buổi điều trần trước Phòng Thương mại Mỹ, Giám đốc phân bổ ngân sách Daniels khẳng định, sự thiếu hụt ngân sách ''là chắc chắn''. Tuy nhiên, ông không đề cập đến thời điểm khi nào Mỹ sẽ thặng dư ngân sách. Trước đó, Nhà Trắng dự báo, tình trạng thâm thủng ngân sách sẽ chấm dứt vào năm 2005.
Nhận định này của ông Daniels càng dấy lên cuộc cãi vã giữa Tổng thống Bush và những người thuộc phe Dân chủ trong Quốc hội, đặc biệt về vấn đề cắt giảm thuế trị giá 674 tỷ USD trong 10 năm mà Tổng thống vừa cân nhắc. Kế hoạch của ông Bush sẽ làm cho tình hình ngân sách xấu đi trong bối cảnh tiến hành chiến tranh chống Iraq, chi phí y tế tăng vọt. Mặc dù vậy, Đảng Cộng hoà khẳng định chương trình này sẽ khai ngòi cho sự hồi phục kinh tế đồng thời giảm bớt mức thâm hụt ngân sách.
Mức thâm hụt ngân sách trong năm 2002 đứng ở mức 159 tỷ USD sau 4 năm liên tục thặng dư. Chính phủ của ông Bush dự báo, mức thâm hụt ngân sách năm 2003 sẽ vào khoảng 109 tỷ USD và 48 tỷ USD năm 2004.
Trong vài tuần vừa qua, nhiều công ty tư nhân đưa ra bản dự báo ngân sách thậm chí còn ảm đạm hơn. Tập đoàn Goldman Sachs dự báo, mức thâm thủng ngân sách trong năm nay sẽ vào khoảng 300 tỷ USD và tăng lên 375 tỷ USD năm 2004.
Mặc dù vậy, ông Daniels khẳng định mức thâm hụt ngân sách sẽ ảnh hưởng không nhiều trong thời gian gần, cho rằng mức thâm hụt này là quá nhỏ nếu so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thâm hụt ngân sách trong 2 năm tới sẽ vào khoảng 2% - 3% GDP. Mức GDP của Mỹ hiện nay vào khoảng 10,5 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, Daniels khẳng định việc kiểm soát ngân sách không phải là ưu tiên của ông Bush bằng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy sức tăng trưởng kinh tế. Theo ông, bức tranh ngân sách ảm đạm là do nguồn thu của liên bang sụt giảm. Điều này phản ánh tình trạng kinh tế và thị trường tài chính yếu kém, cũng như chi phí chống khủng bố. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ cho rằng, kế hoạch cắt giảm thuế 1,35 nghìn tỷ USD trong 10 năm mà có hiệu lực từ năm 2001, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Trong vài năm tới, Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong chi tiêu, đặc biệt khi chi phí quốc phòng tăng vọt nếu nước này tiến hành chiến tranh với Iraq.
(Anh Đức - Theo AP)