(VietNamNet) - Thay mặt 3,5 triệu người có khả năng bị ảnh hưởng bởi vụ kiện tôm, hơn 2.500 nông dân đã viết thư và thể hiện chữ ký của họ, yêu cầu Washington xem xét một cách khách quan, trung thực và không thiên vị về biên độ thuế bán phá giá đối với con tôm Việt Nam.
|
Người nuôi tôm Sóc Trăng đang lo lắng vì sinh kế bị ảnh hưởng từ vụ kiện. |
Họ là đại diện cho những người nông dân nuôi tôm tại 17 tỉnh, thành của Việt Nam, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, TP.HCM, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thông qua tổ chức ActionAid Vietnam và Hội nghề cá Việt Nam, lá thư này sẽ được chuyển tới Bộ Thương mại, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) và các thượng, hạ nghị sỹ nước này.
Trong thư, những người nông dân Việt Nam bày tỏ, cuộc sống và sinh kế của gia đình họ đều trông chờ vào công việc nuôi tôm. Từ khi xảy ra vụ kiện, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc DOC ra quyết định sơ bộ với biên độ thuế bán phá giá cho tôm Việt Nam từ 12,11% đến 93,13%.
"Chúng tôi, những người lao động cực nhọc, vất vả trên các hồ tôm, may mắn có điều kiện thiên nhiên khí hậu thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào và kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến, đã sản xuất và nuôi được những loại tôm chất lượng cao, đảm bảo những yêu cầu khắt khe nhất của tôm xuất khẩu, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Chúng tôi không hề nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ Chính phủ và Nhà nước trong quá trình nuôi tôm", bức thư viết.
Vì vậy, những người nông dân đã yêu cầu DOC và USITC có cái nhìn khách quan, trung thực và không thiên vị trong việc điều tra và phán quyết, để có thể xem xét lại biên độ thuế giành cho tôm Việt Nam, giúp những người dân nghèo có niềm tin vào thương mại công bằng.
Trước đó, tờ The Asian Wall Street Journal (số ra từ 22 đến 24/10) đăng bài viết của tác giả Peter Fritsch, cho rằng mức thuế tôm cao của Mỹ đã gây ảnh hưởng xấu lên đời sống của nông dân Việt Nam và những ngụy biện của nhà chức trách Mỹ.
Ông này viết, việc đánh thuế tôm cao nhằm vào nông dân các nước là một bằng chứng xác thực trong việc Washington dùng những quy tắc thương mại của mình để phá vỡ niềm tin về toàn cầu hóa mà Mỹ thường xuyên rao giảng. Đây là một vấn đề đặc biệt gây quan tâm tại Việt Nam, một nước đang mở rộng cửa cho các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài trong nhiều lĩnh vực và bỏ bớt cơ chế kiểm soát nhà nước ở nhiều ngành nghề.
Peter Fritsch cũng nhấn mạnh, nếu như 3 triệu người Việt Nam hiện đang làm việc trong ngành tôm gánh chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc tranh chấp thương mại này, thì chỉ 13.000 ngư dân Mỹ được lợi.
Do vậy, trong một cuộc họp tuần trước, Nhóm Đặc trách Tôm CITAC (STF) đã bày tỏ hy vọng DOC sẽ giảm hoặc xóa bỏ các mức thuế nhập khẩu tôm. Chủ tịch STF - ông Wally Stevens - cho biết, STF vẫn đang đấu tranh với các mức thuế phi lý và bất công đe dọa, ảnh hưởng đến các hộ gia đình và giới kinh doanh ở Mỹ hoạt động dựa vào nguồn cung cấp tôm nhập khẩu chất lượng cao và phù hợp với túi tiền. DOC có quyền rất lớn trong việc điều chỉnh các mức thuế trong phán quyết cuối cùng của mình và STF sẽ thúc giục DOC thực hiện quyền tự quyết đó để ủng hộ tự do thương mại tôm.
DOC sẽ công bố các mức thuế chống bán phá giá cuối cùng vào ngày 29/11 đối với Trung Quốc và Việt Nam và vào ngày 15/12 đối với Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador và Brazil. Sau đó, vào tháng 1/2005, USITC sẽ đưa ra phán quyết liệu tôm nhập khẩu có phải là nguyên nhân thực sự gây ra những thiệt hại vật chất đối với ngành tôm nội địa Mỹ không.
Mức thuế sơ bộ hiện nay đối với Trung Quốc là 0,04-112,8%, Việt Nam 12,11-93,13%, Brazil 12,86-67,8%, Ecuador 6,08-9,35%, Ấn Độ 3,56-27,49% và Thái Lan 5,56-10,25%. 6 nước này chiếm tới 75% lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ.
|