(VietNamNet) - Phán quyết sơ bộ của DOC, với mức thuế thấp đối với 4 quốc gia còn lại, đã buộc các DN sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam chuẩn bị hướng đi mới. Khó khăn là không nhỏ, nhưng các DN vẫn tin tưởng vào khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ.
|
Tôm cỡ lớn sẽ là hướng xuất khẩu mới của các DN Việt Nam. |
Áp lực từ Thái Lan, Ấn Độ
Ông Nguyễn Tín Ngưỡng, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản và XNK Cà Mau (Camimex) nói với VietNamNet rằng, ông không bất ngờ về phán quyết của DOC. Đúng như điều ông lo ngại, việc áp thuế thấp đối với Brazil, Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador đã đúng. Các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi xuất tôm sang thị trường Mỹ, sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ và Thái Lan. Ông Ngưỡng khẳng định, chắc chắn sau phán quyết sơ bộ, các nhà nhập khẩu sẽ chuyển qua mua tôm của Thái Lan. Điều bất lợi không chỉ là cùng mặt hàng tôm sú, Thái Lan còn lợi thế hơn Việt Nam trong việc chế biến các mặt hàng GTGT, vì công nghệ chế biến cũng như việc kinh doanh đã đi trước một bước.
Ông cũng cho rằng, rất có thể tôm Việt Nam, Trung Quốc sẽ tràn qua Thái Lan - nước thứ ba, để xuất vào Mỹ. Nhưng đối phó với việc này, các nhà chính sách Thái Lan sẽ không ngần ngại áp thuế suất đối với tôm nhập khẩu, tương tự như Indonesia đang muốn làm.
Mặc dù thị phần tại Mỹ của Camimex hiện đã giảm từ 50% xuống còn 10-15%, và tăng mạnh từ 30 đến 60-70% tại Nhật Bản, song, ông Ngưỡng cũng rất lo ngại bởi từ khi có phán quyết sơ bộ, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, XNK. May mà vào thời điểm này, lượng tôm nguyên liệu không nhiều nên sức ép chưa cao. Hiện Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là tôm sú, có giá trị cao, nhiều thị trường sẵn sàng mua. Nhưng đối với các nhà nhập khẩu "nghèo", chỉ có điều kiện mua tôm sú cỡ nhỏ (trong khi Việt Nam chủ yếu tôm cỡ lớn), thì việc Thái Lan bán nhiều tôm nhỏ sẽ vô cùng bất lợi cho Việt Nam. Ông Ngưỡng lưu ý, các DN Việt Nam cần lo chuyển hướng, mở rộng thị trường và đa dạng hoá sản phẩm.
Hiện Indonesia tập trung xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản mất chân hàng nên đổ sang Việt Nam mua nhiều. Tuy nhiên, theo ông Kịch, thị trường Nhật cũng không mua nhiều và mua liên tục được như Mỹ, vì họ chỉ mua theo đợt họ cần. Bên cạnh đó, trong trường hợp thuế tôm Thái Lan thấp hơn Việt Nam, các nhà nhập khẩu tôm Nhật Bản sẽ ép giá đối với các DN Việt Nam. Không những thế, đây còn là một thị trường khó tính, chưa kể DN Việt Nam khó kiếm lời tại thị trường này.
Các DN xuất khẩu tôm Việt Nam còn vấp phải sự cạnh tranh từ Ấn Độ. DN cho rằng, mức thuế đối với Ấn Độ sẽ cao hơn so với Việt Nam, nhưng trên thực tế, lại thấp hơn 1-2%. Nước này cũng sản xuất tôm sú và có mặt bằng giá tương đương Việt Nam - những yếu tố bất lợi lớn. Điều đáng lo ngại là các DN chịu mức thuế cao của cả Thái Lan, Ấn Độ hiện chiếm thị phần rất thấp, trong khi DN có thị phần lớn lại được hưởng thuế suất thấp. Ví như, 3 công ty của Ấn Độ chiếm có 19% lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ; hay 3 bị đơn bắt buộc của Thái Lan cũng chỉ chiếm khoảng 48% lượng tôm của nước này.
Hướng mới
Mặc dù lo ngại cho việc xuất khẩu tôm cỡ lớn, song, ông Nguyễn Tín Ngưỡng cho biết, thời gian tới, Camimex vẫn phải tập trung vào đối tượng này. Ông hy vọng, thị trường sẽ dần ổn định sau khi các nhà nhập khẩu Mỹ cân nhắc nguồn hàng từ các nước và so sánh mức lời lãi thu được.
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Hồ Quốc Lực cũng nhắc nhở, các DN nên tập trung vào chế biến và xuất khẩu tôm sú cỡ lớn. Từ lâu, các DN Việt Nam đã bán được tôm cỡ lớn với giá khá cao, sau có giảm chút ít do nhiều nước cũng sản xuất tôm sú. "Tôm to chỉ dành cho người nhiều tiền. Người tiêu dùng đã chấp nhận loại tôm này cách đây khá lâu, và việc tăng giá thêm khoảng 10% là không nhiều và họ có thể chấp nhận được", ông Lực nói. Mặc dù Thái Lan đã tiến xa hơn Việt Nam trong chế biến hàng giá trị gia tăng, nhưng các mặt hàng này của họ cũng chỉ là dạng cỡ nhỏ.
Trên thực tế, phán quyết sơ bộ của DOC đã không làm VASEP ngạc nhiên. Ông Lực vẫn tin tưởng: "Sắp tới, giá tôm tại Việt Nam sẽ không có biến động lớn, và vẫn duy trì ở mức khá tốt như hiện nay. Hiệp hội lưu ý bà con nông dân yên tâm nuôi đúng kỳ thu hoạch, cố gắng nuôi thưa, nuôi tôm cỡ lớn để tăng sức cạnh tranh". Hiện giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang ở mức cao, khoảng 110.000 đồng/kg loại 30 con.
Ủy ban Đặc trách Tôm CITAC, trong thông báo phát đi ngay sau đó, cũng cho rằng, quyết định sơ bộ đối với tôm nhập khẩu từ 4 nước trên là không cần thiết, không công bằng và nặng tính bảo hộ.
"Bốn nước trên không bán phá giá tôm vào Mỹ. Họ đã sản xuất có hiệu quả các sản phẩm tôm chất lượng cao, và ngành công nghiệp tôm Mỹ đã thất bại trong việc cạnh tranh với tôm nhập khẩu", Chủ tịch CITAC, ông Wally Stevens nói. "Phán quyết của DOC đối với 6 nước trong vụ kiện tôm có hại nhiều hơn là thuận lợi. Quyết định này, nói đơn giản và dễ hiểu, chính là chống lại việc làm của người Mỹ. Thuế đánh vào tôm nhập khẩu sẽ làm tổn thương người tiêu dùng, các nhà hàng nước này, nơi có số lao động lớn gấp 20 lần so với số lao động trong ngành tôm nội địa". |
|