(VietNamNet) - Đó là ý kiến của các chuyên gia tại cuộc họp do Sở NN & PTNT TP.HCM tổ chức sáng nay, 29/7, nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho những hộ chăn nuôi bò sữa.
6 tháng đầu năm 2004, người chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng, giá con giống giảm, tiêu thụ con giống chậm... Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, giá giống bò sữa 6 tháng đầu năm giảm 15-22%, trong khi đó đầu ra cho con giống cũng không còn "suôn sẻ" như trước, vì các địa phương đã tự nhập bò trực tiếp từ nước ngoài. Đặc biệt, giá TACN đã tăng cao từ nhiều tháng nay, còn giá sữa thì vẫn không đổi trong vòng 10 năm qua. Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người chăn nuôi.
|
Vắt sữa bò. |
Để ổn định sản xuất, nhiều phương án đã được đưa ra như bình tuyển, lập lý lịch cá thể và gieo tinh cho đàn bò, hợp tác với các tỉnh đặc biệt là vùng Đông Nam bộ để phát triển đàn bò sữa, gieo tinh bò sữa HF cho bò lai Sind, tạo ra bò lai F1. Đến nay, đã có gần 1000 con lai Sind ở Bình Phước, Tây Ninh và Long An được gieo tinh theo chương trình này. Đặc biệt, hộ chăn nuôi các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... được vay vốn với tổng giá trị lên tới trên 40 tỷ đồng, có ưu đãi lãi suất, trong thời hạn vay là 3 năm.
Trong định hướng phát triển đàn bò sữa của TP thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nên duy trì đàn bò trong khoảng 100.000 đến 120.000 con là hợp lý, bởi đất nông nghiệp của TP ngày càng bị thu hẹp lại, hơn nữa, chủ trương của TP đang hướng tới xây dựng đàn bò chất lượng cao; Cần tổ chức cho người chăn nuôi chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp hóa trong sản xuất; Các dịch vụ phục vụ cho ngành bò sữa này cũng phải phát triển năng động; Nên thành lập Hiệp hội Bò sữa TP nhằm liên kết các hộ chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.
|