(VietNamNet) - Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP Nguyễn Văn Kịch cho biết, sau khi Công ty luật Willkie Farr & Gallagher gửi đơn tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khiếu nại việc áp thuế cao (93,13%) đối với 17 DN sản xuất tôm Việt Nam đầu tuần trước, khoảng 2-5/8, sẽ có phúc đáp từ DOC.
|
Các DN chế biến cam kết mua hết tôm cho nông dân. |
Theo luật anti-dumping, nếu phía bị đơn có khiếu nại về mức thuế, sau 30 ngày kể từ khi có phán quyết sơ bộ, DOC sẽ phải đưa ra thông báo về khiếu nại đó có đúng hay không. Nếu mức thuế đó là bất hợp lý theo như khiếu nại, cơ quan này sẽ phải có sự điều chỉnh.
Trong phán quyết sơ bộ của DOC về vụ kiện tôm, 17/34 công ty Việt Nam không được hưởng thuế suất riêng biệt, Trung Quốc là 32/53 công ty. Ông Nguyễn Văn Kịch nói rằng, theo Công ty luật và giới thông thạo về anti-dumping tại Mỹ cũng như đối với nhiều vụ kiện không phải là thủy sản khác, chưa bao giờ DOC sử dụng tiền lệ như vậy. Tức là, đối với các DN không phải là bị đơn bắt buộc, lần đầu tiên Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chia làm hai nhóm DN, với các mức thuế khác nhau. Nguyên nhân có thể do tính chất vụ kiện tôm quá phức tạp, và có nhiều nước bị kiện; đồng thời, đây cũng là đòn của DOC khiến DN các nước nản lòng.
Ủy ban Tôm VASEP cho biết, cuối tháng 8, đoàn công tác của DOC sẽ sang Việt Nam thẩm tra lại hồ sơ mà các DN đã gửi trước đây. Trong trường hợp hồ sơ tại Trung Quốc chưa chuẩn bị xong, có thể DOC sẽ tới Việt Nam sớm hơn, ngay cuối tháng 7. Hiện 4 DN Việt Nam là bị đơn bắt buộc, gồm Minh Phú, Kim Anh, Minh Hải và Cà Mau, đang chuẩn bị thêm các thông tin, tư liệu mới cung cấp cho đoàn điều tra nhằm một lần nữa khẳng định, Việt Nam không bán phá giá tôm vào Hoa Kỳ.
Cũng theo ông Kịch, từ khi có quyết định sơ bộ về vụ kiện đến nay, đã hai lần giá tôm tại Mỹ tăng, thậm chí thay đổi hàng ngày. Giá bán sỉ đã tăng 20-50 cent/pound, nhất là đối với size lớn 31-40 (Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ tôm cỡ lớn); size nhỏ hơn (từ 41 trở xuống) ít thay đổi. Hiện nguồn cung tại Mỹ đang thiếu, tạo tâm lý thiếu hàng. Dự kiến thời gian tới, người bán hàng vẫn muốn găm hàng, chờ giá lên cao. Nhật Bản trước đó dừng mua vào, chờ đến thời điểm giá tôm rẻ do tác động của vụ kiện, trước tình hình này, cũng bắt buộc phải nhập khẩu với giá cao. Như vậy, đến thời điểm này, cả thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có nhu cầu tôm mạnh, vì thế giá tôm trên thế giới cũng tăng theo.
Giá tôm tăng đã tác động đến các thị trường bán, trong đó có Việt Nam, theo chiều hướng thuận lợi. Trước 2 luồng ý kiến cho rằng, người nuôi tôm nước ta đã phải bán đổ bán tháo, hay găm hàng lại không bán, ông Kịch khẳng định, trên thực tế, nông dân Việt Nam đang rất bình tĩnh, và không có chuyện bán tôm ồ ạt, hạ giá. Cộng đồng các DN tôm cũng đang phát huy tối đa sự đoàn kết, đồng lòng để mua tôm cho người dân với giá có lợi nhất. Trong mọi trường hợp, các DN vẫn sẽ tìm được lối ra cho con tôm.
Tại cuộc họp bàn về biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu giữa Bộ Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Ủy ban Tôm VASEP vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cũng chỉ đạo các vụ, cục chức năng của Bộ và các địa phương định hướng nông dân phát triển nuôi tôm bình thường, phấn đấu nuôi sạch, có năng suất cao, giá thành hạ. Các DN tiếp tục ổn định sản xuất, tìm thị trường mới để tăng xuất khẩu.
|