(VietNamNet) - Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho PV VietNamNet biết, Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Thương mại và Vitas về việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho chè Việt Nam, với số tiền 27,5 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70%, các DN đóng góp 30%. Việc xây dựng thương hiệu sẽ được triển khai trong 2 năm 2004-2005.
|
Sản phẩm chè của Tổng Công ty Chè Việt Nam. |
Ông Phong cho rằng, ngoài thương hiệu riêng của mỗi DN sản xuất, xuất khẩu chè, thương hiệu chè Việt Nam phải hội đủ các tiêu chuẩn của chè cả nước: chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý.
Bước 1 của lộ trình: lựa chọn sản phẩm đại diện cho chè VN
Thừa nhận với báo giới, ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Vitas, nói rằng, ngành chè Việt Nam vừa làm thương hiệu vừa dò dẫm tìm hướng đi. Việc xây dựng thương hiệu cho 80.000 tấn chè Việt Nam xuất khẩu chưa có tên tuổi, chưa có mặt trên sàn giao dịch chè thế giới là không hề đơn giản. Trên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Vitas dự kiến thực hiện xây dựng thương hiệu chè theo lộ trình như sau: năm 2004, lựa chọn được sản phẩm đặc trưng quốc gia làm đại diện cho sản phẩm chè Việt Nam. Tiêu chí để lựa chọn sản phẩm mang đặc trưng quốc gia không nhất thiết là chè có giá bán cao nhất trên thị trường, cũng không hẳn là chè được yêu thích nhất tại thị trường nội địa, mà là sản phẩm có chất lượng ổn định, sản lượng lớn, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Cũng trong năm nay, Vitas dự định tổ chức một cuộc thi thiết kế mẫu logo làm biểu tượng cho sản phẩm chè quốc gia. Sau đó sẽ đăng ký bảo hộ và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam ra thế giới.
Một trong những khâu quan trọng nhất của công tác xúc tiến thương mại là phải thường xuyên quảng bá (cả ở trong và ngoài nước) sản phẩm chè và văn hóa ẩm thực chè Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công việc này trở nên đặc biệt quan trọng khi ngành chè phải đối mặt với thách thức to lớn là thiếu thị trường tiêu thụ (năm 2003 do khó khăn về thị trường, khối lượng chè xuất khẩu giảm chỉ bằng 80% so với 2002) và chè Việt Nam chưa có thương hiệu. |
Với hơn 600 DN sản xuất, kinh doanh chè (không kể hàng nghìn hộ cá thể), trong đó có gần 200 DN trực tiếp xuất khẩu chè, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về trồng và chế biến chè, đứng thứ 8 về sản lượng chè xuất khẩu hàng năm. Song, vấn đề xây dựng và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam vẫn gần như bỏ ngỏ. DN sản xuất, chế biến chè mạnh ai nấy làm. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, chưa có tên tuổi, khiến chè Việt Nam lẫn lộn hoặc phải mang tên của các hãng chè lớn nước ngoài. Gần nửa thế kỷ xuất khẩu chè ra thị trường thế giới, chỉ có biểu tượng ba lá chè với tên giao dịch “Vinatea” là giúp các nhà nhập khẩu biết đến Việt Nam, còn người tiêu dùng các nước thì chưa biết . Đây là một thiệt thòi lớn cho ngành sản xuất chè của nước ta.
Một chuyên gia ngành chè đánh giá, giá chè Việt Nam có xu hướng ngày càng giảm. Nguyên nhân là do chất lượng chè Việt Nam không ổn định, nhiều khuyết tật, đặc biệt là chè nguyên liệu ngày càng kém cả về phẩm cấp, ngoại hình và nội chất. Tỷ lệ lá bánh tẻ cao, nhiều nơi khi phân tích tỷ lệ này chiếm tới 60-70%. Nhiều vùng, nhân dân còn dùng liềm cắt chè. Các gia đình có vườn chè thì sản xuất tùy tiện, trình độ hiểu biết kém, buông lỏng quản lý kỹ thuật, cũng như khâu chăm sóc. Tình trạng cạnh tranh nguyên liệu ngày càng quyết liệt, chè xấu cũng có người mua, đang là nguy cơ làm cho chè Việt Nam ngày càng mất sức cạnh tranh và giảm uy tín trên thị trường thế giới.
Nhiều DN đã "vào cuộc" trước
Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) nhiều năm qua đã rất nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các DN thành viên đi khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm. Vinatea bỏ ra các khoản tiền lớn để quảng cáo sản phẩm chè ở nước ngoài, như 500.000-700.000USD tại thị trường Nga. Thương hiệu VINATEA đã được đăng ký và giới thiệu tại hơn 40 nước trên thế giới. Tổng Công ty đang triển khai bán sản phẩm có bao bì nhãn mác hoàn chỉnh sang Nga và EU, bước đầu đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thuế suất các nước đánh vào chè thành phẩm nhập khẩu rất cao, dẫn đến giá thành tăng, làm giảm sức cạnh tranh của chè Việt Nam. Vinatea hiện đang tập trung vào kế hoạch xây dựng một số thương hiệu chè, có mẫu mã bao bì đạt tiêu chuẩn quốc tế, với tổng chi phí quảng cáo khoảng 5 triệu USD.
Để có thương hiệu chè Việt Nam gây ấn tượng trên thị trường thế giới, ngoài nỗ lực của DN, rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các địa phương - nơi có vùng sản xuất chè nguyên liệu. Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Kim Phong rất tán thành mô hình hợp tác giữa DN và nông dân trong việc xây dưng thương hiệu chè Thái Nguyên. Sau nhiều tranh cãi, nông dân xã Tân Cương đã đồng ý ủy quyền cho Công ty TNHH Hoàng Bình đứng ra thiết kế logo và đăng ký thương hiệu cho chè Tân Cương. Công ty này cũng đã xây dựng một cơ sở chế biến chè đóng trên địa bàn xã, theo đúng cam kết với nông dân. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tỉnh cũng đang triển khai việc xây dựng thương hiệu cho chè Thái Nguyên. Ông Phong rất ủng hộ cách làm này và hy vọng rằng sẽ nhân rộng ra nhiều DN và vùng nguyên liệu khác trong cả nước.
Một đơn vị khác là Xí nghiệp Nông công nghiệp Chè Thái Bình (Lạng Sơn). Ông Trần Thanh Nghiên, Giám đốc Xí nghiệp, tiết lộ, sản phẩm chè của Thái Bình đã xuất sang Trung Quốc được hơn 10 năm, riêng thị trường Đài Loan thì xâm nhập được 2-3 năm nay với sản phẩm chè Ô long. Xí nghiệp đã chính thức đăng ký thương hiệu "Thái Bình" với Cục Sở hữu Trí tuệ được 2 tháng nay. Đồng thời, đang triển khai thực hiện quy trình ISO 9000. Hiện xí nghiệp đã có một vùng nguyên liệu khá ổn định, với gần 400ha chè xanh và Ôlong, nhờ thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân.
Song song với sự "tự thân" của DN, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đang triển khai nhiều biện pháp để góp phần quảng bá, tìm kiếm thị trường và xây dựng thương hiệu chè Việt Nam. Được biết, trong buổi làm việc với các tỉnh Thái Nguyên, Lâm Đồng đầu tháng này, lãnh đạo Vitas cho biết sẽ tham gia cuộc gặp mặt nhằm trao đổi kinh nghiệm phát triển chè, phối hợp hình thành mạng lưới tiêu thụ chè, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại các nước thành viên ASEAN. Cuộc gặp này do các Hiệp hội Chè trong khu vực tổ chức. Các DN sản xuất, kinh doanh chè Việt Nam sẽ có cơ hội trưng bày sản phẩm mang nhãn hiệu, thương hiệu của mình và giới thiệu văn hóa ẩm thực trà của địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung. Đồng thời, thời gian tới, Vitas dự kiến thực hiện đồng loạt các biện pháp nhằm nhanh chóng đổi mới giống chè; quy trình trồng, chăm sóc, hái và sơ chế chè; thiết bị chế biến; phương thức quản lý và nâng cao vai trò của Hiệp hội trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; mở rộng thị trường, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin; xây dựng thương hiệu, giám sát chất lượng, chống phá giá.
|