Mỹ tiến dần đến vụ kiện bán phá giá tôm
11:55' 08/08/2003 (GMT+7)
Chế biến tôm tại các DN xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.
 

(VietNamNet) - Việc Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) bỏ phiếu đồng ý với Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho rằng, Việt Nam đã bán phá giá cá tra, basa và gây thiệt hại đến nền công nghiệp catfish Hoa Kỳ như tiếp thêm sức mạnh để Liên minh tôm miền Nam (SSA - Southern Shrimp Alliance) ráo riết chuẩn bị cho vụ kiện tôm. Hôm nay (8/8), một cuộc họp do SSA tiến hành để bỏ phiếu về việc khởi kiện.

Có thể SSA sẽ không đưa ra được một quyết định thực sự, song, vụ việc này có thể được nghiên cứu cẩn thận hơn, hoặc xem xét các biện pháp tiếp thị có thể thay thế kiện tụng. Nếu SSA quyết định không khởi kiện, Hiệp hội tôm miền Nam (LSA - Louisiana Shrimp Association), nơi chiếm tới 40% sản lượng tôm toàn nước Mỹ, sẽ tự làm việc này. LSA đang tỏ ra chán nản vì thấy SSA chưa làm được gì để thúc đẩy vụ kiện, bất chấp sự tán thành của hầu hết 700 ngư dân thành viên Louisiana.

Đại diện 8 bang thành viên SSA và các nhà chế biến hôm qua cũng đã họp bàn về các giải pháp tiếp thị để hỗ trợ ngành tôm nội địa, trong đó có kế hoạch mua tôm mà Hiệp hội Các nhà phân phối thủy sản Mỹ (ASDA) đề xuất tại Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston hồi tháng 3. Tuy nhiên, Eddie Gordon, Chủ tịch SSA, cho rằng, những kế hoạch kiểu này có lẽ không trợ giúp được kịp thời ngành tôm nội địa. Đến nay, kế hoạch của ASDA vẫn chưa được thực hiện triệt để, ngoại trừ việc mua khoảng 3 triệu pound tôm để tiếp thị thử nghiệm.

Tôm đông lạnh là mặt hàng hiện được tiêu thụ mạnh tại thị trường Mỹ. ASDA cho biết, năm ngoái, người Mỹ "ăn'' 1,4 tỷ pound thủy sản có vỏ - loại thủy sản được tiêu thụ mạnh nhất của Mỹ. Phần lớn đây là hàng nhập khẩu (88%), còn lại là sản xuất nội địa. Tôm đánh bắt của nước này (chủ yếu ở vùng biển phía Nam và vùng vịnh Mexico) thường là tôm thẻ chân trắng, tiêu thụ ở dạng tôm tươi. Song, cả SSA và LSA đều đổ tội cho tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... là nguyên nhân khiến giá tôm ở Mỹ thấp. Trong 10 tháng đầu năm 2002, thị trường này đã nhập khẩu gần 2,08 tỷ USD tôm đông lạnh, đứng đầu là Thái Lan với 400 triệu USD (19,2%), Ấn Độ 29,4 triệu USD (14,1%), Việt Nam với 283 triệu USD (13,6%)... 

3 phương án

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đại diện ngư dân khai tác tôm miền Nam và Đông Nam của Mỹ đã chuẩn bị cho vụ kiện này từ giữa năm ngoái, tức là gần như cùng thời điểm với vụ kiện cá tra, basa. Liên minh tôm miền Nam (SSA) được thành lập hồi tháng 10 cũng là bước chuẩn bị cho vụ kiện. Chi phí cho cuộc đấu pháp lý mới này lên đến 4-5 triệu USD, nhưng hiện nay, họ mới có trong tay 500.000 USD, số còn lại sẽ là quyên góp "mỗi xu một cân tôm" để chuẩn bị khởi kiện.

Luật sư Edmund Sim, Công ty Luật White & Case, cho biết, 3 phương án mà vụ kiện này có thể sử dụng đến: Một là, áp dụng theo điều khoản 201, tức biện pháp phòng vệ khẩn cấp, để ngăn chặn làn sóng nhập khẩu. Thông qua một hồ sơ, ngư dân Mỹ có thể kiện lên USITC (mà không qua Bộ Thương mại Mỹ) tất cả các nước xuất khẩu tôm lớn. Từ đó, Chính phủ Mỹ xem xét và dùng hạn ngạch/thuế nhập khẩu để bảo vệ tôm trong nước. Hai là, sử dụng điều khoản 406 trong đạo luật thương mại Mỹ năm 1974 về phòng chống rối loạn thị trường, cho phép Chính phủ Hoa Kỳ đánh thuế hoặc áp hạn ngạch đối với tôm của một số nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cả hai "kịch bản" trên đều giống nhau ở chỗ: SSA không cần chứng minh tôm nhập khẩu bán phá giá, không qua điều tra của DOC, thủ tục và thời gian rút ngắn, chi phí thấp. Song, bên kiện lại không được hưởng lợi từ thuế nhập khẩu.

Do đó, nhiều khả năng SSA sẽ sử dụng phương án 3, tức là kiện riêng từng quốc gia xuất khẩu tôm vào Mỹ. Tuy tốn thời gian, công sức, nhưng nếu thắng kiện, ngư dân các bang nuôi tôm ở Mỹ sẽ được hưởng thuế chống bán phá giá. Đại diện Công ty Luật White & Case cho hay, mức thuế này có thể cao hơn rất nhiều so với mức đánh vào sản phẩm cá tra, basa filê đông lạnh, khoảng từ 47% đến 250%.

Chuẩn bị đối phó

Theo TBTKSG, biện pháp trước mắt mà Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Hồng Minh và TS. Nguyễn Hữu Dũng cảnh báo là các DN xuất khẩu tôm Việt Nam cần giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ. DN nào chưa bao giờ xuất tôm vào thị trường Hoa Kỳ thì không nên tìm cách xuất ở thời điểm này. "Chúng tôi tìm cách vận động để vụ kiện không xảy ra, hoặc nếu có thì cũng không bị đối xử bất công so với các nước tham gia vụ kiện", bà Minh nói và cho biết, Việt Nam đang ở trong tình thế bất lợi do chưa phải thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các DN xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đều cho rằng, vấn đề này là quá lớn, vượt khỏi tầm các DN nên họ rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ nhiều phía và sự thống nhất ngay từ bây giờ. Theo bà Minh, điều quan trọng là các DN phải thực sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ trong Hiệp hội Sản xuất tôm Việt Nam (đang chuẩn bị thành lập), để tránh để bị áp với mức thuế khác nhau. Đồng thời, cũng cần liên kết với các nhà nhập khẩu để cập nhật thông tin, đặc biệt là với ASDA - nơi quy tụ các nhà phân phối thuỷ sản nhập vào Mỹ, vì hiệp hội này không ủng hộ chiến dịch đánh thuế vào tôm nhập khẩu. VASEP cũng đã đóng góp 55.000 USD để ASDA vận động hành lang và phát hành tài liệu chứng minh tôm các nước, trong đó có tôm Việt Nam, không phải là lý do làm tôm Mỹ mất giá.

Trong thời gian chờ đợi Hiệp hội Sản xuất tôm Việt Nam ra mắt, Công ty Luật White & Case đã tham gia tư vấn cho VASEP trong vụ cá tra, basa, tạm thời hỗ trợ hiệp hội và các DN xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo hãng tin BBC, SSA đã nhận được sự ủng hộ của các ngành cùng chung mối lo sợ hàng nhập khẩu giá rẻ. Chủ tịch Liên minh Công nhân ngành thép Mỹ (USWA) cho rằng, họ cần những chính sách cân đối nhập khẩu hợp lý của Chính phủ để duy trì việc làm cho những công nhân Mỹ - những người chủ gia đình. Giống như trong lĩnh vực chế biến, ngành khai thác tôm tạo hàng nghìn việc làm tốt cho người Mỹ từ hàng chục năm nay. Chính quyền liên bang cần can thiệp ngay vào cuộc khủng hoảng nhập khẩu này để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng mất việc làm của nhân công trong ngành tôm vùng biển phía Nam”.

Tuy nhiên, ông Wally Stevens, Chủ tịch ASDA kiêm Giám đốc công ty tiếp thị thủy sản Slade & Gorton ở bang Massachuset, thừa nhận, thực tế về tình hình cung ứng toàn cầu, cụ thể là ngành nuôi thủy sản, đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành tôm nội địa Mỹ. Tuy nhiên, thay vì tiến hành các biện pháp bảo hộ, ngư dân cần nỗ lực nhiều hơn để thu hút khách hàng. Theo ông, vụ kiện này khó có thể thành công và do thị phần của ngư dân Mỹ quá thấp nên họ cần xem tiếp thị là một cơ hội. Giải pháp này sẽ đem lại lợi ích lớn cho các sản phẩm của họ, như điều mà công ty Copper River Pink Salmon và Key West Pink Shrimp đã làm.

  • An Hà
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi