(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, điểm yếu của chè Việt hiện nay là chưa có thương hiệu. Chè xuất khẩu thường lẫn loại, không minh bạch giữa các cấp sản phẩm... Tất cả là do thiếu một hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng.
|
Chất lượng chè chưa cao tác động tiêu cực đến xuất khẩu. |
Chính vì chưa có thương hiệu, chè Việt Nam chỉ được mua dưới dạng nguyên liệu, rồi nhà nhập khẩu trộn với các loại chè khác và \đăng ký thương hiệu của họ. Ông Nguyễn Kim Phong - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, nhiều khách hàng phàn nàn, chè Việt Nam chất lượng không đều, không phản ánh rõ xuất xứ, rất khó đấu giá. Trong khi đó, thị trường chè trong nước chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là khu vực nông thôn rộng lớn. Tình trạng manh mún, chụp giật, dễ làm khó bỏ, bán với bất cứ giá nào vẫn còn tồn tại trong nhận thức và hoạt động thương mại chè.
Theo Hiệp hội chè, đến nay, cả nước có hơn 600 DN, khoảng 10.000 hộ chế biến chè. Song, sản phẩm chè vẫn còn tới 60-70% các khuyết tật trong công nghệ vì vận chuyển bằng bao tải, rải chè trên nền đất. Không những thế, trên cùng một địa bàn, nhiều DN không có vùng nguyên liệu riêng nên thường rơi vào tình thế bị động. Ví như tại Thái Nguyên, năm 2000 mới có 7 DN thì năm 2001, con số này là 20 DN, năm 2002 là 29 DN và năm nay khoảng 46DN. |
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Kim Phong, hiện tỷ lệ nguyên liệu chủ động sản xuất được rất thấp. Điều tra tại Tổng công ty Chè cho thấy DN này chỉ tự sản xuất được gần một nửa nguyên liệu, còn lại phải mua ngoài. Tính bình quân, các DN thành viên có nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ chiếm 37,2% sản lượng, còn 62,8% thu mua trôi nổi trên thị trường. Việc ký hợp đồng giữa người sản xuất với người chế biến luôn bị động. Giá thu mua nguyên liệu không phản ảnh đúng chất lượng, thường lẫn loại vượt 1-2 cấp, với tỷ lệ lá già, bánh tẻ phổ biến ở mức 30-50%.
Hơn thế, ở không ít các vùng miền, việc đầu tư, chăm sóc chưa thật đầy đủ, đúng đắn, chỉ đảm bảo 50-60% mức quy trình thâm canh cần thiết. Loại chè hạt năng suất thấp chiếm tới 1/3 diện tích chè hiện nay. Phân bón đưa vào đồi chè làm mất cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Thuốc trừ sâu phun không đúng quy định, không đúng chủng loại. Hiện tượng phun thuốc sâu 3-4 ngày đã thu hái vẫn còn. Việc thu hái chè không cần biết đến phẩm cấp nguyên liệu, mua bán theo thỏa thuận trực tiếp diễn ra nhiều, đặc biệt từ quý IV/2002 lại đây.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Kim Phong cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn hóa cho ngành chè. Đó là đưa 100% giống mới vào trồng, sử dụng phương thức canh tác mới, đặc biệt lưu ý việc giữ ẩm cho chè (xây dựng công trình thủy lợi), khai thác các vùng chè an toàn. Đồng thời, đào tạo cho công nhân về KHKT, từ đó, tạo cách làm ăn mới. "Chúng tôi hiểu ra rằng, nếu đáp ứng được ý thích của khách hàng, họ sẽ mua chè của mình. Cần phải sản xuất chè vì sức khỏe con người", ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cũng cho biết, năm 2004, Trung tâm Giám sát, thẩm định chất lượng chè dự kiến sẽ đi vào hoạt động. Ông nói: "Tôi mong rằng, tất cả các sản phẩm chè khi xuất khẩu đều được kiểm nghiệm về tính ATVSTP để nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng không phải lo lắng gì. Đó cũng là cách để tránh làm ẩu, làm bừa, làm dối".
Tại cuộc hội thảo về bàn các giải pháp nâng cao chất lượng chè mới đây, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, các nước trồng chè thường là nghèo. Việt Nam lại chưa nhận thức được về sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập và cạnh tranh: nhu cầu về nông sản trên thế giới luôn ở mức tương đối ổn định, tuy thị hiếu có thay đổi nhưng không nhanh, không nhảy vọt. Trong khi đó, cung về nông sản lại thay đổi do phụ thuộc vào thời tiết. Do vậy, con đường duy nhất là phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa, cần nhìn hiệu quả ngành chè theo một chu kỳ nhiều năm. Song song đó là xây dựng thương hiệu; nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu, phát huy lợi thế so sánh về lao động cần cù, khả năng tiếp cận KHKT của người lao động. Đồng thời, phải thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài giữa trồng và chế biến trên cơ sở hai bên có lợi, trong đó, người sản xuất phải noi gương trong thực hiện.
- Ông Alexander T.Sitnikov, Tham tán Thương mại Nga tại Việt Nam: Thị phần chè Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% tại Nga. Trong khi đó, hàng năm, Nga nhập tới 130.000-150.000 tấn chè. Ước tính năm nay, chè Việt Nam vào Nga đạt 4.000 tấn. Kết quả này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của một đất nước có khả năng xuất khẩu 70.000 tấn/năm như Việt Nam.
- Ông Yasuda, chuyên gia Nhật: Nhật hiện nhập 12.000 tấn chè nguyên liệu/năm, trong đó, 90% từ Trung Quốc, chủ yếu dùng làm nguyên liệu để đóng lon. Nhu cầu uống chè đóng lon tại Nhật Bản rất lớn, cần tới 114.000 tấn nguyên liệu/năm. Hiện nay, tôi đang có hai đồi chè xanh lớn thử nghiệm trồng tại miền Bắc. Nếu Việt Nam sản xuất được chè an toàn, việc xuất khẩu sẽ rất dễ dàng. Chúng tôi đang tính sang năm đưa thêm 11.000 bầu cây chè giống vào trồng. |
|