(VietNamNet) - Cựu Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Michel Camdessus gọi Việt Nam là một hiện tượng kỳ diệu khi ông nói đến sự tiến bộ và tốc độ phát triển kinh tế của những quốc gia đang phát triển.
|
Ông Michel Camdessus, cựu Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của IMF. |
Ông Michel Camdessus nói như thế trong buổi nói chuyện về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong các nước đang phát triển, được Eurocham tổ chức ngày hôm nay (2/12) tại TP.HCM với đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam.
Sự kỳ diệu thể hiện ở tốc độ tăng trưởng và thành tích xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được trong mười năm qua. 10 năm trước, khi ông sang Việt Nam để đàm phán về việc Việt Nam gia nhập IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), các tổ chức tài chính quốc tế này đều đánh giá rất thấp về nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng giờ đây nhiều thành tựu Việt Nam đạt được đã làm người ta phải kinh ngạc.
Ông Michel Camdessus đánh giá cao về quyết tâm của Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2005. Ông cũng hết sức khen ngợi sự ổn định của đồng tiền Việt Nam trong giai đoạn nền kinh tế khu vực bị khủng hoảng. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài rất an tâm. Nhận định về việc phát hành tiền mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp tới, ông cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật trong việc điều hành tiền tệ quốc gia. Việc này ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam còn do những chính sách đồng bộ khác của Chính phủ.
Ông nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường và chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Việc này có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung. "Việt Nam cần việc làm, cần công nghệ, cần vốn. Những thứ này đều có ở khu vực kinh tế tư nhân".
Ông Michel Camdessus sang thăm Việt Nam nhân dịp Diễn đàn Việt Nam Franco do Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp tổ chức. Ông Camdessus (70 tuổi, người Pháp) từng làm Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng quản trị của IMF từ năm 1997 đến 2/2000.
Tính từ năm 1993 đến nay, IMF, WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 8 tỷ USD tài trợ, góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế nước ta.
|