(VietNamNet) - 5 vấn đề: công nghệ sinh học, công nghệ NTTS, công nghệ sản xuất giống, bệnh thủy sản và môi trường, nguồn lợi thủy sản đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Khoa học NTTS toàn quốc lần thứ hai, diễn ra từ 24-25/11, do Bộ Thủy sản tổ chức.
|
Giống góp phần quan trọng vào tăng sản lượng thủy sản. |
Với sự tham gia của các viện nghiên cứu, chuyên gia và DN, Hội nghị này đánh giá kết quả phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng như việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ sinh học để NTTS đạt giá trị cao, bền vững.
Theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, những năm qua, ngành thủy sản đã nghiên cứu, nhân tạo thành công tôm sú, cá giò, cá song, ốc hương, vẹm xanh..., góp phần tăng năng suất, sản lượng và tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Năm qua, chúng ta đã tự sản xuất được gần 20 tỷ con tôm sú post giống. Chính khoa học NTTS đã đóng góp 30% vào giá trị sản lượng của ngành.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề giống, bởi công đoạn này phải đi trước một bước để đảm bảo cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như tăng giá trị xuất khẩu. Tới nay, ngành thủy sản còn thiếu các bộ giống chủ yếu. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu để tìm ra các loại thuốc sử dụng thay thế 10 loại kháng sinh bị cấm vẫn còn chậm. Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày giải pháp thử nghiệm đưa nhóm sulfuamid vào thay thế chloramphenicol và nitrofurans trong nuôi cá nước ngọt. Song, đối với các bệnh nhiễm khuẩn ở tôm hùm, tôm sú, hay các loài sống trong môi trường nước lợ, nước mặn thì vẫn đang ở dạng đề tài nghiên cứu.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Hội chợ Triển lãm những thành tựu KHCN và dịch vụ NTTS, với sự tham dự của 20 đơn vị, viện nghiên cứu, công ty trong vào ngoài ngành. Hội chợ này giới thiệu những sản phẩm thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học hay thiết bị tự động hóa, thiết bị nghiên cứu, trong phòng thí nghiệm.
|