KCN Dung Quất tăng tốc thu hút đầu tư
16:25' 22/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Khu Công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) được Chính phủ cho áp dụng một chính sách đặc biệt ưu đãi như vùng sâu vùng xa để tạo điều kiện phát triển kinh tế của khu vực miền Trung. Khu công  nghiệp này đang trong giai đoạn tăng tốc để thu hút thêm các nhà đầu tư.

Những doanh nghiệp TP.HCM nhận giấy phép đầu tư mới hôm 21/11.

 

Thêm 18 giấy phép mới

Ban Quản lý Khu Công nghiệp Dung Quất vừa mới trao thêm bảy giấy phép đầu tư cho sáu dự án của các doanh nghiệp TP.HCM và  một doanh nghiệp thuộc tỉnh Quảng Ngãi để các doanh nghiệp này tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy tại đây.

Sáu dự án của TP.HCM bao gồm nhà máy sản xuất nhựa Dung Quất với vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng của Công ty Tân Trường Thành, dự án đầu tư khu nhà ở dành cho công nhân vốn đầu tư hơn 14,3 tỷ đồng, nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu 96 tỷ do Công ty Thương mại và giao nhận hàng hóa Long Mã đầu tư, dự án xây dựng xí nghiệp may với 25 tỷ đồng của Công ty may Phương Đông, nhà máy sản xuất kính xe hơi và kính an toàn 103 tỷ đồng, nhà máy sản xuất chỉ y tế tự tiêu 151 tỷ đồng. Cả hai dự án sau cùng này đều do công ty MiPhaCo đầu tư.

Một dự án của tỉnh Quảng Ngãi là nhà máy chế biến gỗ do Công ty Nông lâm sản xuất khẩu Quảng Ngãi đầu tư với vốn gần 37,4 tỷ đồng.

Tính cho đến nay có khoảng 15 dự án do các doanh nghiệp TP.HCM được cấp phép và là khu vực có nhiều dự án đầu tư nhất ở Dung Quất. Nếu tính chung cho đến nay tổng số dự án đầu tư vào khu công nghiệp Dung Quất lên 31 dự án trị giá khoảng 28.000 tỷ đồng. Trong đó dự án lớn nhất và quan trọng nhất là Nhà máy lọc dầu Dung Quất với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD (dự án này đã tăng vốn đầu tư, vốn ban đầu là 1,3 tỷ USD). Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2007. Kế đến là nhà máy đóng tàu với vốn đầu tư là 433 triệu USD.

Dự kiến đến hết năm nay sẽ có thêm 5 - 6 dự án mới được cấp phép, trong đó sẽ có một dự án đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ là dự án nước ngoài đầu tiên được cấp phép trong khu Công nghiệp Dung Quất. Như vậy tính riêng năm 2003 có thêm khoảng 18 dự án mới với tổng vốn khoảng 17.000 - 18.000 tỷ đồng, trở thành năm thu hút dự án nhiều nhất kể từ khi khu công nghiệp được hình thành. 

Ông Trần Lê Trung, trưởng BQL KCN Dung Quất trao giấy phép cho Công ty MiPhaCo với hai dự án đầu tư.

Theo Ban Quản lý khu Công  nghiệp Dung Quất (đang được Chính phủ xem xét để đổi thành khu kinh tế Dung Quất), các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi đặc biệt mà không có khu công nghiệp nào có được. Cụ thể từ 10 - 12 nhà đầu tư đầu tiên được cung cấp đất miễn phí và không phải trả tiền thuê trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Các nhà đầu tư đến sau sẽ được hưởng một chính sách giá thấp hơn các khu công nghiệp khác đối với diện tích đất thuê. Nếu xây dựng nhà máy tại Dung Quất, nhà đầu tư còn được miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được hoặc không đủ.

Giảm thuế thu nhập (khoảng 15% đối với nhà đầu tư trong nước và 10% đối với nhà đầu tư nước ngoài) trong bốn năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Nhà đầu tư chỉ đóng 50% trong chín  năm tiếp theo đối với trong nước và bốn năm đối với đầu tư nước ngoài.

Thảm đỏ vẫn còn cho nhà đầu tư

Khu công nghiệp Dung Quất được Chính phủ đầu tư để trở thành kinh tế mở và phát triển theo hướng đa ngành - đa lĩnh vực, bao gồm các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu bảo thuế (doanh nghiệp nếu chưa sử dụng nguyên liệu nhập khẩu vào sản xuất và đưa vào khu vực này sẽ chưa phải đóng thuế), khu cảng nước sâu - dịch vụ hậu cần cảng, khu đô thị mới Vạn Tường, khu dịch vụ - du lịch sinh thái biển...

Quy hoạch KCN Dung Quất.

Ông Trần Lê Trung, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Dung Quất, cho biết sau bốn năm đã có khoảng 1.300 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện, hệ thống cấp thoát nước... Hiện đã có 10 trong số 31 dự án được cấp phép đã và đang đi vào hoạt động, hầu hết là dự án đầu tư trong nước.

Theo ông Trung, số dự án hội đủ điều kiện để hưởng chính sách miễn thuế sử dụng đất vĩnh viễn đạt khoảng 7 dự án. Ông Trung cho biết tiếp tục kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Dung Quất để hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế đất vĩnh viễn, là một trong những chính sách hấp dẫn đối với các doanh nghiệp mà không có khu công nghiệp nào có.

Giai đoạn 1999 - 2003 là giai đoạn chuẩn bị và khởi công của khu công nghiệp Dung Quất. Tiếp đến giai đoạn 2004 - 2006 là giai đoạn đột phá trong toàn bộ sự phát triển của khu. Ông Trung cho biết trong giai đoạn này khu kinh tế Dung Quất sẽ được Chính phủ chấp thuận và sẽ tạo một hành lang pháp lý, cơ chế quản lý thông thoáng hơn các nhà đầu tư. Khu công nghiệp sẽ bảo đảm các hệ thống hạ tầng bao gồm điện, đường, nước và Bưu chính Viễn thông đồng bộ cho các nhà đầu tư.

Ông còn cho biết, năm 2004 bảo đảm có cảng tàu 1,5 vạn tấn và năm 2005 cho tàu trên 2 vạn tấn và sân bay Chu Lai để phục vụ nhu cầu đi lại của các nhà đầu tư vào quý III năm sau. Các tiện ích xã hội khác cần thiết cho nhà đầu tư như Bệnh viện quốc tế, Trung tâm thu phát truyền hình, Trung tâm Văn hóa Thể thao tổng hợp, khu xử lý chất thải rắn đang được đầu tư và vào năm 2005 sẽ phục vụ yêu cầu cho các nhà đầu tư. Ông Trung cũng cho bếit khu đô thị Vạn Tường đang đầu tư hạ tầng và phát triển những khu vực nghỉ ngơi cho các cán bộ, chuyên gia và công  nhân trong khu kinh tế Dung Quất.

  • Minh Quang

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi