|
EU - một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam. |
(VietNamNet) - Trong bài phát biểu nhân dịp giới thiệu Báo cáo "Liên minh châu Âu - các hoạt động hợp tác Phát triển tại Việt Nam" lần thứ năm, ông Markus Conaro, Đại sứ, Trưởng phái đoàn của Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam cho biết hiệu quả của nguồn vốn ODA cho Việt Nam đã được tăng cường và EU sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đây là lần thứ năm EU công bố Báo cáo về hoạt động ODA ở Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên cuốn "Blue Book" có phần đóng góp ODA của CH Séc, quốc gia sẽ gia nhập EU trong năm tới.
Theo bản báo cáo, tổng giải ngân của các dự án và chương trình của EU tại Việt Nam trong năm 2002 lên tới 311 triệu EUR, tăng 4% so với năm 2001 và chiếm tới 20% tổng giải ngân ODA cho Việt Nam. Đáng chú ý, trong số này, viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 78%, còn lại 22% là các khoản vay và tín dụng. "Điều đó thể hiện rõ vai trò then chốt của EU trong hỗ trợ phát triển tại Việt Nam và cũng chứng tỏ tính hiệu quả của việc thực hiện nguồn vốn ODA đã được nâng cao rõ rệt". Ông Luigi Solari, Đại sứ Italia, Đại diện nước Chủ tịch Liên minh châu Âu cho biết. Các nguồn vốn này chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, quản lý kinh tế, phát triển vùng và bảo vệ, quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lại Quang Thực cho biết ODA của EU chiếm 11,5% tổng vốn ODA cam kết và 9% tổng vốn giải ngân cho Việt Nam. Trong đó, EU là nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam và tốc độ giải ngân ODA ngày càng tăng. |
Trong buổi gặp gỡ với báo giới, các đại diện của EU tại Việt Nam cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến sự trợ giúp của EU cho Việt Nam trong thời gian tới.
- EU đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng ODA của EU tại Việt Nam trong thời gian qua?
- Nhìn vào con số 37,5% ODA của EU cho Việt Nam được giải ngân, các bạn có thể thấy được phần nào tính hiệu quả của sử dụng ODA vì con số giải ngân đã cao hơn một chút so với trung bình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng để đánh giá chính xác tính hiệu quả của sử dụng ODA, cần phải xem xét hai khía cạnh, đó là: Chính phủ Việt Nam cần tăng cường khả năng tiếp nhận ODA của mình cũng như chúng ta làm sao nâng cao hiệu quả của cơ chế các nhà tài trợ cho Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng tính hiệu quả của ODA có thể đạt được thông qua các biện pháp sau đây: một là, tiếp tục ủng hộ xây dựng hệ thống quản lý hành chính và ngân sách cần thiết cho Việt Nam để quản lý ODA hiệu quả hơn nữa; sớm đi vào thực hiện một chiến lược chống tham nhũng triệt để; nâng cao tính minh bạch của hệ thống ngân sách để từ đó có nhiều phương án phân bổ ODA thông qua hệ thống ngân sách nhà nước; củng cố cơ chế về trách nhiệm giải trình và kiểm tra giám sát các nguồn lực phát triển được sử dụng cho mục đích đã đề ra. Điều này có thể bao hàm vai trò ngày càng lớn và rõ ràng của các đại biểu quốc hội, nhóm các công dân địa phương tham gia vào các dự án phát triển và thông tin báo chí.
- EU đã cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Liệu EU có giảm bớt các yêu cầu đối với Việt Nam trong đàm phán giữa hai bên để tạo điều kiện cho Việt Nam nhanh chóng tham gia WTO?
- Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO. Theo chúng tôi, có rất nhiều việc phải làm để đảm bảo nục tiêu gia nhập WTO vào năm 2005 của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần duy trì các ưu tiên của mình. Còn về phía EU, chúng tôi đã, đang và sẽ có các chương trình hỗ trợ về mặt kĩ thuật cho Việt Nam trong quá trình đàm phán, cụ thể là EU cũng như các nước thành viên sẽ giúp đỡ các cơ quan chuyên ngành, các thể chế nhằm đạt được một sự chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia WTO. EU cũng chia sẻ kinh nghiệm tham gia WTO để từ đó Việt Nam có thể rút ra bài học cho mình. Đối với vấn đề giảm bớt các yêu cầu đối với Việt Nam trên bàn đàm phán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi đang theo dõi các cuộc đàm phán song phương giữa EU và Việt Nam và hy vọng có thể sớm đạt được thoả thuận chính thức.
- Liệu EU có thay đổi gì trong chính sách ODA trong hội nghị thường niên các nhà tài trợ cho Việt Nam?
- Trong Hội nghị sắp tới, EU sẽ đưa ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh một số điểm được coi là then chốt nhằm tăng cường tính hiệu quả của nguồn vốn ODA. Chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề mà chúng tôi đang quan ngại như: khả năng xây dựng năng lực, hệ thống quản lý của Việt Nam; việc đơn giản hoá các thủ tục, quyết định hành chính, tăng cường năng lực cán bộ; tính minh bạch rõ ràng hơn trong chính sách của Việt Nam, hiện tượng phân biệt đối xử giữa các công ty lớn và nhỏ trong việc thực hiện các dự án đầu tư ở Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới lịch trình cải cách hành chính công cũng như vấn đề làm thế nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại và phát triển ở Việt Nam. EU sẽ tiếp tục trợ giúp cho các cuộc cải cách ở Việt Nam.
- Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là hạn ngạch dệt may mà EU áp đặt cho Việt Nam. Trong thời gian tới, hạn ngạch này sẽ được nới lỏng?
- Trong hội nghị giữa EU và Việt Nam tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng việc tăng hạn ngạch cho hàng dệt may Việt Nam phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Việt Nam đảm bảo thực thị một số cam kết trong Hiệp định kí kết với EU. Chúng tôi đang nỗ lực kết thúc sớm về mặt chi tiết với Bộ Thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ thái độ lạc quan rằng EU sẽ cố gắng mở rộng hạn ngạch dệt may cho Việt Nam.
|