Việt Nam đã xuất khẩu được 40 triệu tấn gạo
17:32' 16/10/2003 (GMT+7)
Gạo Việt Nam xuất khẩu thường là gạo trắng, tỷ lệ tấm 5-25%.

(VietNamNet) - Ông Nguyễn Đăng Chi, Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Thương mại), thông báo tại Hội nghị Kinh doanh gạo Thế giới, khai mạc hôm nay (16/10), tính từ năm 1989 đến hết ngày hôm qua, nước ta đã xuất khẩu được 40 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 8 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 11-16% thị phần gạo toàn cầu. 

Hội nghị Kinh doanh gạo thế giới đã thu hút 130 DN từ các khu vực sản xuất và thị trường tiêu thụ lúa gạo lớn, như EU, Hoa Kỳ, châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan... và hơn 70 ND kinh doanh lúa gạo Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Tính từ năm 1989 đến hết ngày hôm qua, nước ta đã xuất khẩu được 40 triệu tấn gạo.

Từ một nước phải nhập khẩu gạo, hiện nay, Việt Nam có khả năng giành lại vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu, mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Giai đoạn khó khăn của gạo Việt Nam đã qua. Cùng với Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc và Pakistan, Việt Nam đã có chỗ đứng vững trên thị trường gạo thế giới. Vị thế, uy tín của gạo Việt Nam được nâng cao, mối quan hệ giao thương với các đối tác cũng như nền xuất khẩu gạo khác tốt. Điều quan trọng là chúng ta không bị phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường gạo truyền thống. Ông Nguyễn Đăng Chi nói rằng, nếu năm 1995, 66% gạo xuất khẩu của Việt Nam được người châu Á ăn, thì đến 2002, con số này còn 48%. Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đăng Chi cho biết, năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu 3,8-3,9 triệu tấn gạo. Sản lượng gạo ước cả nước ước đạt 34,2 triệu tấn.

Năm/Loại gạo  Gạo 5-15% tấm (%) Gạo 25-35% tấm (%)
1989-1995 55,3 44,7
2000 68,3 36,1
2002 71,8 28,2

Bảng so sánh bên cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, nhờ đó, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao. Nếu giá gạo xuất khẩu Việt Nam những năm 1990 (giao FOB) so với các nước khác thường thấp hơn 50-60 USD/tấn, thậm chí là 100 USD/tấn, thì đến nay, khoảng cách này chỉ còn 10 USD/tấn.

Không những thế, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổ chức chiếm tới 95% lượng gạo xuất khẩu cả nước, gạo xuất khẩu Việt Nam đã được đăng ký thương hiệu thì tiêu thụ rất tốt, mức giá cao hơn 25% so với gạo thường. Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn chậm trễ trong việc đăng ký thương hiệu cho gạo, vì thế, dẫn tới tình trạng có DN kinh doanh của nước ngoài đã chào bán gạo dưới thương hiệu của Việt Nam, ví như gạo Bông Hồng... 

Song, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, lại cho rằng, đối với các loại gạo đặc sản của Việt Nam, thì không phải bao giờ giá xuất khẩu cũng cao. Ông lấy ví dụ như giá gạo tám thơm tại miền Bắc hiện dao động 7.000-8.000 đồng/kg, thì khi xuất khẩu cũng chỉ được 300 USD/tấn.

Tại hội nghị, các đại biểu, các nhà kinh doanh gạo quốc tế đặc biệt quan tâm đến giá gạo, sản lượng cũng như thu nhập của người dân trồng lúa Việt Nam. Chẳng hạn, giá gạo ở Việt Nam so với cách đây 5 năm có thay đổi nhiều không, tại sao giá xuất khẩu tăng trong khi giá lúa trong nước vẫn tương đối ổn định hoặc tăng với mức thấp, Việt Nam có hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng gạo tại các nước không... ? Đại diện Bộ Thương mại, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã lần lượt phúc đáp các câu hỏi trên. Theo trả lời ông Nguyễn Đăng Chi thì, mục tiêu chính của Việt Nam là phải đảm bảo an ninh lương thực, còn dư mới xuất khẩu. Những năm qua, mặc dù diện tích lúa gạo giảm, song, nhờ năng suất cao và chất lượng được cải thiện đáng kể nên đã đẩy giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng. Bên cạnh đó, sự tăng lên về sản lượng cũng như giá trị xuất gạo Việt Nam là do giá và cầu về gạo thế giới tăng.

Tuy nhiên, GS. Võ Tòng Xuân nói với VietNamNet: "Mục đích của các nhà kinh doanh, chuyên gia gạo thế giới tới Việt Nam là để tìm hiểu về việc sản xuất lúa gạo, cũng như giá cả, vận chuyển, phương thức kinh doanh và cơ hội làm ăn. Về nước, họ sẽ xem xét để năm tới có ký hợp đồng hay tiếp tục mua gạo Việt Nam không? Tuy nhiên, phần trả lời của đại diện các Bộ Thương mại, NN-PTNT xem ra không thuyết phục lắm". Đó cũng là ghi nhận của nhiều đại biểu khác tại hội nghị.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi