|
Một trong những điều kiện để gia nhập WTO là Việt Nam phải mở cửa thị trường. |
(VietNamNet) - Ngày 1/1/2005 là mục tiêu Việt Nam đặt ra để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức chiếm 97% thương mại toàn cầu. Liệu đến hết năm 2004, Việt Nam đã sẵn sàng để gia nhập sân chơi chung của 146 nước trên thế giới? VietNamNet đã có trao đổi với một số chuyên gia trong và ngoài nước về vấn đề này.
TS. Lê Đăng Doanh - ''Trọng tâm vẫn là cải cách luật pháp''
|
TS. Lê Đăng Doanh. |
- Thưa ông, cải cách hệ thống luật pháp là một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập WTO, vậy hệ thống luật pháp của Việt Nam đã được cải cách đến đâu?
- Đến nay, Bộ Tư pháp đã xét duyệt 265 văn bản pháp luật và thống nhất ở 94 văn bản bao gồm cả văn bản luật và văn bản pháp lệnh. Cho đến nay, những văn bản này đã vượt quá công suất xử lý của Quốc hội. Năm 2003, Quốc hội mới thông qua 17 văn bản và hy vọng đến cuối năm sẽ là 20, 21 văn bản. Đó là vấn đề số lượng, còn chất lượng là cả một vấn đề khác. Tổ chức Thương mại Thế giới đòi hỏi phải có nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử bình đẳng. Chúng ta thông qua Luật DNNN sửa đổi, Luật HTX... nhưng chưa thấy một luật DN chung, cũng chưa thấy luật khuyến khích đầu tư trong nước và luật đầu tư nước ngoài. Do đó, việc gia nhập WTO đòi hỏi Việt Nam phải có quyết tâm rất lớn. Đến nay, Việt Nam đã trải qua 6 vòng đàm phán gia nhập WTO và đã trình lên WTO lời mời chào lần thứ 3 có sửa đổi.
- Đánh giá một cách khách quan nhất thì Việt Nam đang ở chặng nào trên đường gia nhập WTO và mốc 2005 là có khả thi cho Việt Nam để đáp ứng được tất cả các điều kiện gia nhập WTO?
- Để trả lời cho câu hỏi này, tôi chỉ nhắc lại một câu nói của người Trung Quốc: ''Đường đi 100 dặm, đi 90 dặm mới chỉ được nửa đường''. Thương mại bao giờ cũng là con đường hai chiều, bất lợi ở chiều này thì được ở chiều khác. Ở đây không có chuyện được ăn cả ngã về không, chúng ta phải thay đổi cách tư duy, không thể ta được hết mà không phải hy sinh cái gì. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, nhiều ''đại gia'' vẫn chưa chấp nhận rời bỏ bảo hộ, độc quyền. Nhiều DN lớn nhưng còn chưa khai đúng thực lực tài sản của mình, thậm chí chỉ khai số vốn bằng 5-7% vốn thực tế. Hơn nữa, nếu các chính sách của ta cứ thay đổi liên tục thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ nản, không muốn làm ăn lâu dài, rất bất lợi cho việc gia nhập WTO.
''Đàm phán song phương là thách thức lớn''
''Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập WTO từ tháng 1/1995 và tiến hành một loạt các công việc theo yêu cầu và trình tự của WTO trên 2 phương diện: minh bạch hoá chính sách và đàm phán song phương mở cửa thị trường. - Về minh bạch hoá chính sách, ta đã tiến hành thành công 6 phiên đàm phán và trả lời gần 1.700 câu hỏi từ các thành viên WTO. - Về đàm phán song phương, Việt Nam đã tiến hành đàm phán mở cửa thị trường với 20 nước như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Thuỵ Sỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật, Canada...'' (Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự) |
Đây là lời của ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng UBQG về Hợp tác Kinh tế Quốc tế.
- Trong các đàm phán song phương để gia nhập WTO, Việt Nam phải đối mặt với khó khăn nào là lớn nhất?
- Đàm phán song phương đặt ra cho chúng ta những thách thức vô cùng lớn, các nước đặt ra những yêu cầu rất cao về hàng hoá, thuế suất... Chúng ta phải có sự cân đối giữa yêu cầu của các nước với khả năng thực tế của Việt Nam. Nếu chúng ta cam kết quá cao thì sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhưng chúng ta có những cam kết không đạt yêu cầu của các nước thì cũng rất khó để gia nhập WTO vào năm 2005.
- Việc Trung Quốc gia nhập WTO có ảnh hưởng tới Việt Nam?
- Có nhiều đánh giá xung quanh việc Trung Quốc gia nhập WTO tháng 11/2001 tại Hội nghị Bộ trưởng Doha nhưng rõ ràng Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành quả kinh tế sau sự kiện này. Việc Trung Quốc gia nhập WTO vừa là thuận lợi vừa là thách thức với Việt Nam. Về thuận lợi, Việt Nam có điều kiện tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa với Trung Quốc nhưng thách thức là khi Trung Quốc gia nhập WTO sẽ có những lợi thế của một thành viên WTO và khả năng cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ Trung Quốc sẽ rất lớn.
Việt Nam cần tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ
|
Để được gia nhập WTO, Việt Nam phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong tổ chức này. |
Ông Jurge Weimann, Phó Giám đốc Học viện phát triển Đức khẳng định như vậy với PV VietNamNet.
- Ông đánh giá ra sao về quá trình xúc tiến gia nhập WTO của Việt Nam?
- Chính phủ Việt Nam vô cùng sáng suốt khi không ngừng nỗ lực trong tiến trình đàm phán ra nhập WTO. Đạt được quy chế thành viên chính thức sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế thế giới, mở rộng hoạt động thương mại, thu hút đầu tư cũng như đẩy mạnh các ngành dịch vụ và tranh thủ trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới.
- Ông nhìn nhận điều khoản nào là khó khăn nhất với Việt Nam để được trở thành thành viên của WTO?
- Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Băng đĩa lậu, sách in lậu, các phần mềm máy tính ăn cắp bản quyền... đang được bày bán một cách công khai trên thị trường Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, một mặt Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, mặt khác phải tìm giải pháp để người dân có thể tiếp cận các tiến bộ khoa học, ấn phẩm giải trí với giá cả chấp nhận được.
- Lợi ích nào là thiết thực nhất cho một nước đang phát triển như Việt Nam khi đàm phán gia nhập WTO?
- Vấn đề quan trọng là việc theo đuổi lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước giàu.
|