Sẽ phải nhập 150.000 tấn phân urê mỗi tháng
07:01' 24/09/2003 (GMT+7)
Vụ đông tới sẽ không thiếu phân bón.

(VietNamNet) - Trước diễn biến phức tạp trên thị trường phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã lên tiếng báo động về cơn sốt phân bón có thể xảy ra. Các bộ, ngành thì tìm cách hạ nhiệt. Bộ NN-PTNT cũng đang chuẩn bị báo cáo lên Chính phủ và đề xuất các giải pháp để bình ổn thị trường phân bón trong nước.

Hiện nay, trong các loại phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân urê cần một lượng lớn, song, 93% lại phải nhập khẩu. Diễn biến giá urê trên thế giới sẽ tác động trực tiếp đến giá phân bón trong nước. Theo Vụ Kế hoạch - Quy hoạch (Bộ NN-PTNT), do số urê nhập khẩu và sản xuất trong nước 9 tháng năm nay tương đối khá, đạt gần 1,4 triệu tấn, cộng với lượng tồn kho năm 2002 chuyển sang (493.000 tấn), nên tổng nguồn cung ứng là 1,89 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu phân bón vụ đông xuân, hè thu, vụ mùa vừa qua, còn dư chuyển sang vụ đông xuân 2003-2004.

Giá phân bón sẽ còn tăng

9 tháng năm 2003, cả nước nhập khẩu 2,617 triệu tấn phân bón các loại, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2002. Trong đó, phân urê là 1,29 triệu tấn, tăng 10% (có 100.000 tấn dự trữ, lưu thông). Sản xuất trong nước đạt 1,9 triệu tấn phân bón các loại, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2002. Riêng phân urê đạt 107.000 tấn, tăng gần 56%, phân NPK 950.000 tấn, tăng 32%, phân lân 859.000 tấn, tăng 8,2%.

Nhận định của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, thị trường phân bón thế giới năm qua diễn biến phức tạp, giá tăng cao, bình quân trên dưới 150 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với những năm trước. Đồng thời, giá phân bón lại không ổn định do chiến tranh Iraq. Giá tăng mạnh nhất vào tháng 3, 173 USD/tấn, tăng 43 USD/tấn. Hết chiến tranh, giá phân bón giảm mạnh, song, vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho DN nhập khẩu. Hiện nay, giá phân urê ở mức bình quân 160 USD/tấn. Tại thị trường Nga, Trung Đông, nguồn cung đang bị hạn chế nên giá cũng tăng. Do vậy, các DN Việt Nam chủ yếu nhập phân bón từ Trung Quốc, giá 158-160 USD/tấn, phân urê, nhưng việc thuê tàu vận chuyển lại không thuận.

Giá phân bón trong nước vì thế cũng leo thang. Thời điểm cao nhất là tháng 3, với 3.000 đồng/kg. Đến nay, giá phân bón đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với những năm trước, bình quân 2.650 đồng/kg.

Tại cuộc gặp mặt báo giới hôm 22/9, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thuý, cho rằng, điều lo lắng nhất chính là việc phân bón vẫn tăng giá hàng ngày. Giá phân urê hiện cao gần bằng thời điểm "sốt" phân bón hồi tháng 3. Dự kiến hôm nay (24/9), giá urê rời tại Vịnh Arập sẽ là 154-155 USD/tấn, giá phân urê hạt 165-160 USD/tấn (tăng 5-6 USD/tấn); tương ứng, giá phân bón tại cảng Indonesia là 145 USD/tấn và 155-160 USSD/tấn (tăng 7-9 USD/tấn); tại cảng Trung Quốc 145 USD/tấn, 156 USD/tấn (tăng 5-6 USD/tấn)... Song, ông Thuý khẳng định, đây vẫn chưa phải là mức giá cuối cùng. Vào tháng 10-11, giá phân bón vẫn có thể tăng thêm 3-4 USD/tấn. Riêng giá phân bón Trung Quốc - quốc gia Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hiện nay, giá không dưới 160 USD/tấn.

Khi đó, giá phân bón đến người nông dân sẽ phải cộng thêm ít nhất 20 USD/tấn, trong đó gồm phí bốc dỡ 2 USD, vận chuyển vào kho 3 USD, phí ngân hàng 3 USD, hải quan và bảo hiểm 5 USD, lãi suất bán ra 3 USD, thuế VAT 5 USD/tấn.

11/2003-4/2004, phải nhập 150.000 tấn/tháng

Vụ Kế hoạch Quy hoạch (Bộ NN-PTNT) nhận định, riêng vụ đông xuân 2003-2004, tính toán sơ bộ đến hết 3/2004 cho thấy, Việt Nam cần khoảng 1,1 triệu tấn urê; từ nay đến 31/12/2003, cần khoảng 600.000 tấn, trong đó miền Bắc 80.000 tấn cho vụ đông, miền Trung 50.000 tấn và Nam Bộ 470.000 tấn. Đó là chưa kể lũ ĐBSCL năm nay có khả năng về chậm, hoặc có thể không có lũ, lượng phù sa thấp nên nhu cầu phân bón cho Nam Bộ sẽ tăng bắt đầu từ cuối tháng 10/2003.

Tính đến 30/9, lượng urê tồn kho để chuyển cho vụ đông xuân 2003-2004 là 150.000 tấn. Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, cộng với số urê mà các DN nhập khẩu đã ký hợp đồng và mở L/C là 510.000 tấn, tổng lượng urê sẽ có đến đầu vụ đông xuân (10/2003) vào khoảng 660.000 tấn. Như vậy, so với nhu cầu phân urê từ nay đến 31/12/2003 là 600.000 tấn, đủ khả năng cung ứng. Ông Thuý khẳng định, với số lượng như vậy, sản xuất của vụ đông 2003 trước mắt sẽ không sợ thiếu phân bón.

Số phân urê còn lại, khoảng 600.000 tấn, cần nhập khẩu trong vòng từ 11/2003-4/2004, mới đủ đáp ứng cho vụ đông xuân và một phần gối đầu cho vụ hè thu 2004. Do vậy, các DN mỗi tháng phải nhập khẩu khoảng 150.000 tấn.

Riêng lượng phân urê cho sản xuất nông nghiệp năm 2004 cần khoảng 2,2 triệu tấn; trong đó, miền Bắc 650.000 tấn, miền Trung 350.000 tấn và Nam Bộ 1,2 triệu tấn. Nếu tính theo cơ cấu thời vụ, thì vụ đông xuân cần 1,1 triệu tấn, vụ hè thu cần 530.000 tấn và vụ mùa cần 560.000 tấn.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTPT đã chỉ đạo các DNNN có phương án tăng nhanh nhập khẩu, hàng về đến đâu đưa ngay ra phục vụ sản xuất, thực hiện tốt chức năng điều tiết thị trường phân bón ở các vùng trong nước. Song, với khối lượng urê cần nhập khá lớn thời gian tới, trong bối cảnh giá urê đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng, nếu không có giải pháp tích cực thì khó có thể bảo đảm đủ phân bón với giá hợp lý cho sản xuất nông nghiệp.

Vẫn kiến nghị giảm thuế VAT còn 0%

Trong dự thảo công văn trình Chính phủ về tình hình nhập khẩu, cung ứng phân bón và một số giải pháp nhằm đảm bảo phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2004, trước mắt là vụ đông xuân 2003-2004, Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Thương mại nắm sát tình hình cung cầu phân bón ở các vùng, đôn đốc chỉ đạo DN rà soát các hợp đồng đã ký, mở L/C để đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu phân bón đưa hàng về sớm hơn dự kiến. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Công nghiệp chỉ đạo các đơn vị sản xuất phân bón trong nước tăng cường sản xuất, sử dụng hết công suất, tăng nguồn cung ứng cho nông dân. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm đủ tiền cho các DN nhập khẩu và tăng định mức vốn vay nhập khẩu urê, do giá phân thế giới tăng cao hồi đầu năm.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm miễn thuế VAT đối với phân bón, từ 5% như hiện nay xuống 0%. Nếu chưa thực hiện được, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính cho phép các DN nhập khẩu, kinh doanh phân bón được giãn tiến độ nộp thuế VAT tính từ khi mở hải quan đến khi nộp thuế là 60 ngày (trước là 30 ngày).

Ông Thuý cho rằng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì chính sách bảo hộ, trợ giá cho mặt hàng phân bón. Hơn nữa, việc miễn thuế VAT là đảm bảo lợi ích của nông dân, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho đối tượng này. Trong trường hợp Chính phủ đồng ý giảm, ông Thuý tiết lộ, ngay lập tức, Hiệp hội Phân bón sẽ tổ chức hội nghị khách hàng nhằm công bố giá thành sản phẩm; đồng thời, buộc các DN bán hàng theo giá quy định, cấm lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để tăng giá.

Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn tình trạng các cơ sở sản xuất cung ứng phân giả, phân kém chất lượng hay đầu cơ chờ giá lên. Các DN phải thiết lập đại lý phân bón bán thẳng cho nông dân, hạn chế trung gian lợi dụng để ép giá nông dân. Đặc biệt, tổ chức việc bán phân bón ra thị trường đều đặn, nhất là khi thời vụ có nhu cầu lớn nhất, không để xảy ra tình trạng sốt phân bón.

  • Hà Yên
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vụ kiện quảng cáo của Công ty Kymdan: Lối nào cho doanh nghiệp? (24/09/2003)
Đưa thanh long vượt biển (22/09/2003)
TP.HCM chi 200 tỷ đồng di dời các DN gây ô nhiễm (22/09/2003)
Sôi động MMS (22/09/2003)
Kiến nghị việc ''chỉ định đầu mối nhập khẩu nhựa'' (22/09/2003)
Pomihoa không có ý định bán nhà máy thép (22/09/2003)
Posco quan tâm đến dự án cán thép nguội (22/09/2003)
Điện thoại ''ảo'', tiện ích thực (21/09/2003)
Samsung tiếp cận khách hàng qua ''Vũ điệu sắc màu'' (20/09/2003)
Chọn mua ổ cứng di động (20/09/2003)
Nhà máy Gốm sứ vệ sinh cao cấp Cosevco đi vào hoạt động (18/09/2003)
Quota không người nhận (18/09/2003)
Liên doanh sản xuất tơ lụa xuất khẩu tại Đăklăk (17/09/2003)
DN được tự quyết định giá bán xăng, dầu (17/09/2003)
Thêm một DN chế biến thủy sản được cấp chứng chỉ ISO (17/09/2003)
Tro ve dau trang