Sẽ có điện thoại di động ''made in Vietnam'' đầu năm 2004
08:26' 04/08/2003 (GMT+7)

Việt Nam sẽ có điện thoại di động nhãn hiệu Vinamobi.

(VietnamNet) - Đó là khẳng định của ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Huế - Đà Nẵng (H.D.C) về dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam tại Khu công nghiệp Hoà Khánh (Đà Nẵng). Đó cũng sẽ là điểm khởi đầu ấn tượng cho thời kỳ nội địa hoá điện thoại di động của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Ông Hoàng cho hay, vào tháng 9 này, nhà máy chế tạo điện thoại di động của Trung tâm H.D.C – cũng là nhà máy đầu tiên của Việt Nam trên lĩnh vực này - sẽ khởi công xây dựng tại KCN Hoà Khánh, trên diện tích đất đã được thuê là 14.000m2. Tổng vốn cho dự án này là 3,7 triệu USD và hoàn toàn bằng nguồn đầu tư trong nước. Theo đúng tiến độ đã được vạch ra sau gần 2 năm chuẩn bị kỹ càng thì đến tháng 2/2004, những chiếc điện thoại di động đầu tiên mang nhãn hiệu Vinamobi (dùng chuẩn GSM và CDMA) sẽ ra đời, bắt đầu thời kỳ nội địa hoá điện thoại di động của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Cách đây hơn nửa tháng đã xuất hiện một số thông tin trên các báo rằng nhà máy của Trung tâm H.D.C sẽ sản xuất điện thoại di động của các hãng Nokia, Motorola, Samsung và Siemens. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì các thông tin này chưa thật chính xác. Đúng hơn là H.D.C tìm kiếm và có khả năng sử dụng dây chuyền công nghệ của các hãng kể trên để sản xuất điện thoại di động mang thương hiệu riêng của mình. Công việc này kéo dài gần 2 năm qua, do lẽ các nhà đầu tư không muốn lặp lại bài học kinh nghiệm đau xót của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi phát hiện mình bị “hố hàng” giữa một rừng sản phẩm kèm theo những thư chào hàng đầy hấp dẫn. Nguyên nhân chính là không có đầy đủ thông tin cần thiết nên nhiều doanh nghiệp đã không thể chọn đúng cái mình cần hoặc phải lệ thuộc quá nhiều vào quá trình chuyển giao công nghệ của phía nước ngoài.

Cho đến nay, Trung tâm H.D.C đã quyết định chọn một số thiết bị sản xuất, kể cả một số linh kiện của hãng Panasonic (Nhật) cùng các mẫu mã mới nhất của hãng Samsung (Hàn Quốc). Tuy nhiên việc xem xét, chọn lựa thiết bị - công nghệ của các “đại gia” khác trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động vẫn được tiếp tục trong thời gian xây dựng nhà máy với mục đích chính là để có được công nghệ hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển!

Ông Lê Huy Hoàng cũng cho biết, nhà máy của H.D.C không đơn thuần là nơi sản xuất mà chính là phải trở thành một nhà máy chế tạo điện thoại di động. Nghĩa là hoàn thiện công nghệ sản xuất điện thoại di động trên cơ sở sử dụng thiết bị và linh kiện của nước ngoài, mặt khác sẽ phấn đấu đưa tỉ lệ nội địa hoá đạt khoảng 50%, cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện của thị trường nội địa. Chính vì điều này mà Trung tâm H.D.C đã quyết định đặt nhà máy tại KCN Hoà Khánh, nơi rất gần với Trường Đại học Kỹ thuật Đà Nẵng (nguyên là Trường đại học Bách khoa) vốn đã có tiếng từ trước năm 1975 trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kỹ thuật chế tạo và gần đây là điện tử, viễn thông... Đặt nhà máy bên cạnh lò đào tạo nhân lực bậc cao phù hợp với lĩnh vực mà các nhà đầu tư đang theo đuổi cũng là cách thể hiện tầm nhìn lâu dài cho thành công trong tương lai!

Về công suất của nhà máy, trong năm đầu tiên dự kiến đạt khoảng 200.000 chiếc. Bên cạnh việc dùng chuẩn GSM thì sẽ có khoảng ¼ số sản phẩm sản xuất theo công nghệ mạng CDMA mà nhà kinh doanh đầu tiên mạng này tại Việt Nam là S-Fone đã triển khai từ đầu tháng 7/2003. Dự kiến giá bán điện thoại di động Vinamobi chỉ bằng 75% giá sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường nhưng chất lượng không thua kém.

Dự kiến 80% sản phẩm của H.D.C dành cho thị trường nội địa, trong đó Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam sẽ là khách hàng chính của Trung tâm; 20% còn lại đưa qua thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia... Nếu làm ăn thuận lợi, nhà máy sẽ mở rộng vào năm thứ 2 với mức vốn đầu tư nâng lên 4,6 triệu USD và năm thứ 3 bắt đầu bán cổ phần để huy động thêm vốn, dự kiến lên hơn 5 triệu USD.

Vinamobi sẽ là loại điện thoại di động giá rẻ theo kiểu “cục gạch” hay là các sản phẩm tiêu chuẩn cao đúng mode (âm thanh đa sắc, màn hình màu...)? Câu hỏi về sản phẩm chiến lược của Trung tâm H.D.C hiện vẫn chưa được “bật mí”. Nhưng với những thiết bị, công nghệ cao được chọn ứng dụng vào sản xuất, chắc chắn sản phẩm của nhà máy này sẽ hướng tới sự đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng tiêu dùng trong nước!

  • Thanh Hải
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Metro Hà Nội quá tải trong ngày đầu mở cửa (01/08/2003)
Khách sạn Hilton kín phòng (31/07/2003)
Vì sao S-fone chưa hấp dẫn khách hàng? (25/07/2003)
Bảo hiểm đến 1 tỷ đồng cho sản phẩm giá 17.000 đồng (25/07/2003)
Bắt đầu cung cấp dịch vụ điện thoại Internet giá rẻ (18/07/2003)
Sẽ tổ chức triển lãm quốc tế về xây dựng và kiến trúc (17/07/2003)
Không cho vay để đầu tư sản xuất các sản phẩm sau đường (17/07/2003)
Tổng công ty Giấy Việt Nam lỗ 17,3 tỷ đồng (14/07/2003)
Bưu điện TP.HCM cho khách hàng muợn máy Cityphone (12/07/2003)
Cà phê cạnh tranh bằng hình ảnh bảo vệ môi trường (11/07/2003)
Ana Mandara mở phòng đợi gần sân bay Tân Sơn Nhất (11/07/2003)
PR - Đưa doanh nghiệp đến với công chúng (09/07/2003)
Thương hiệu tại Mỹ được bảo hộ ngay sau khi đăng ký (03/07/2003)
Hôm nay, mạng di động CDMA ''nhập cuộc chơi'' (01/07/2003)
Điện thoại di động CDMA áp dụng đơn vị tính cước 10 giây (01/07/2003)
Tro ve dau trang