(VietNamNet) - Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tháng tư TP.HCM (ITPC), Hiệp hội Dệt may Việt nam (VITAS), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI), Cơ quan Xúc tiến Nhập khẩu từ các quốc gia Đang phát triển của Hà Lan (CBI) đang phối hợp thực hiện một chương trình xúc tiến xuất khẩu cho doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình là trang bị cho DN những công cụ cần thiết để nắm bắt cơ hội và đối mặt với những thách thức khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU năm 2004.
Trong đợt công tác của đại diện và chuyên gia CBI từ 12/8 đến 14/8/2002, các bên tham gia đã thống nhất về nhu cầu hỗ trợ trong ngành dệt may, theo đó, một nhóm công tác đã được thành lập.
Chương trình trên kéo dài trong 2 năm, sẽ được thực hiện từng bước và sẽ bao gồm sự hỗ trợ trong huấn luyện thực tế và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển khả năng thiết kế, nâng cao các tiêu chuẩn về năng suất, phát triển vải, cải thiện chất lượng, tăng cường các kỹ thuật tiếp thị xuất khẩu và quản lý, xúc tiến và nối kết kinh doanh.
Hỗ trợ của CBI bao gồm:
- Khoảng 2-3 cuộc hội thảo chung cho các DN (2-3 ngày cho mỗi cuộc hội thảo) mỗi năm sẽ được thiết kế theo yêu cầu của các doanh nghiệp tham dự, và được thuyết trình bởi các chuyên gia của CBI theo nhiều chủ đề khác nhau.
- Cố vấn của CBI sẽ cung cấp các hướng dẫn từ xa và giám sát việc thực hiện các kế hoạch hành động của từng doanh nghiệp; trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện việc nối kết kinh doanh.
Hội thảo 2 ngày đầu tiên dự kiến được thực hiện từ đầu tháng 10/2003 và sẽ do ông Johan Laman Trip chuyên gia về tiếp thị và quản trị quốc tế và hiện là cố vấn của CBI thuyết trình. Chủ đề của cuộc hội thảo này là Tiếp thị Xuất khẩu. Ngoài ra dựa trên kết quả thu thập ý kiến trong tháng 7 năm 2003, một chủ đề nữa cũng có thể được tổ chức.
DN tham dự chương trình có thể được CBI chọn lựa và tham gia chương trình xúc tiến thương mại của cơ quan này như tham gia hội chợ thương mại quốc tế tại Hà Lan, tham dự huấn luyện nghiệp vụ kéo dài một tuần ở Hà Lan...
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài hiện nay của ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều cản trở. Số lượng hạn ngạch được hưởng chỉ bằng 5% của Trung Quốc và bằng 10-20% của các nước ASEAN, số mặt hàng bị hạn chế nhiều. Một số chuyên gia kinh tế của Nhật Bản khuyến cáo DN Việt Nam nên nhanh chóng đầu tư đổi mới công nghệ; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (IS0 9000, ISO 14000 và SA8000); hướng tới ổn định các đối tác nước ngoài đặt gia công. |
|