|
Thi công cải tạo quốc lộ 1A |
(VietNamNet) - Mang nhiều ''tai tiếng'' vì tiến độ thi công quá chậm chạp, nhưng dự án cải tạo quốc lộ I đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang (dự án ADB3) đang tiến triển khả quan, dự kiến có thể hoàn thành vào cuối tháng 4 tới.
Sau chuyến công tác miền Trung của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình hồi tháng 2, dự án ADB3 sôi động trở lại vì được ngân hàng cấp thêm vốn. Một số chuyên gia dự đoán, theo tiến độ này, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ việc rải nhựa lớp 1 và một phần lớp 2 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (PMU1) thuộc Bộ GT-VT khẳng định, trong năm 2003, dự án ADB3 sẽ kết thúc, đưa thêm 400 km quốc lộ 1 đã cải tạo vào khai thác. Như vậy, dự án chậm so với kế hoạch ban đầu tới 8-9 tháng.
Ban Quản lý dự án 1 từng khẳng định, nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án năng lực thi công của các nhà thầu quá yếu, đặc biệt là nhà thầu Cienco5 không có kinh nghiệm thi công, tài chính rất yếu. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhà thầu có phần sai là bỏ thầu quá thấp, trong quá trình thi công, nhà thầu không bù đắp nổi số phát sinh.
Khi thấy giá thầu thấp, Bộ GT-VT và Ban Quản lý dự án 1 khuyên nhà thầu không nên nhận. Tuy nhiên, các công ty thành viên của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5), Cienco6, Thành An và Công ty WKK (do Công ty 520 liên danh với Nhật Bản) đều khẳng định có thể đảm bảo tiến độ và có lãi, đồng thời thúc ép các tổng công ty xin Bộ GT-VT cho phép triển khai.
8 tháng sau khi mở thầu, Bộ GT-VT mới đồng ý để Ban Quản lý dự án 1 ký hợp đồng với các nhà thầu. Hồ sơ dự án mời thầu được lập năm 1997, nhưng đến năm 2000 mới thi công. Trong khoảng thời gian đó, xe cộ chạy nhiều, cộng với lũ lụt làm cho nền đường bị lún so với thiết kế ban đầu. Vì vậy khi thi công khối lượng tăng lên, có gói thầu tăng gần 500% (đoạn qua tỉnh Bình Định), còn trung bình là 200%. Đây chủ yếu là nguyên nhân khách quan, không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho nhà thầu.
Dự án gồm bốn gói thầu, trong đó gói ADB3-2 do Cienco5 đảm nhận và gói ADB3-4 do Cienco6 đảm nhận có giá thầu thấp nhất, phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng tới 15%. Từ tháng 2/2000, các đơn vị thi công đã tập trung khá đầy đủ máy móc thiết bị và nhân lực vào công trường, thậm chí có chủng loại thiết bị nhiều gấp 1,5 lần so với hồ sơ dự thầu.
Trong khi thi công, chủ đầu tư (Bộ GTVT) yêu cầu làm thêm bốn tuyến đường tránh và mở rộng các đoạn đi qua thị trấn, thị xã, làm mới hàng chục cầu, hàng trăm cống mà trong thiết kế ban đầu hoàn toàn không có. Nhiều đoạn đường thuộc gói thầu 1 đi qua tỉnh Quảng Ngãi chưa có thiết kế thi công, như đoạn qua cầu chui đường sắt, đường qua đèo Bình Đê. Việc khảo sát lập hồ sơ dự thầu không xác định đúng trữ lượng, chất lượng các mỏ đá ở Quảng Ngãi và đoạn bắc tỉnh Bình Định, khiến nhà thầu phải vận chuyển đá từ Chu Lai (Quảng Nam) và Quy Nhơn (Bình Định) làm giá thành tăng lên nhiều lần. Vì thế, đoạn đường qua tỉnh Quảng Ngãi được thi công rất chậm.
Đến tháng 6/2001, cả 4 gói mới làm xong 10% hợp đồng, nếu tính riêng khối lượng thi công thì chỉ đạt 2,8-3,5% hợp đồng. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo các tổng công ty đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Tháng 7/2001, ông Phạm Tuân, Tổng Giám đốc Cienco5 trực tiếp tập trung chỉ đạo dự án và đề cử ông Nguyễn Đình Viễn, Phó Tổng Giám đốc làm giám đốc điều hành ADB3-1, thay giám đốc người Hàn Quốc. Công trình bắt đầu chuyển động một cách tích cực. Chỉ sau 11 tháng, các gói thầu đã hoàn thành 60-80% hợp đồng gốc.
Tuy vậy, giá bỏ thầu quá thấp khiến khối lượng phát sinh ngày càng lớn, bằng 136-200% giá trị hợp đồng gốc. Vì nhiều lý do, không chỉ về phía nhà thầu, hợp đồng điều chỉnh chưa được ký, khiến phần khối lượng phát sinh không được tạm ứng 10%. Khối lượng công việc đã hoàn thành không được thanh toán theo giá địa phương mà chỉ được tạm thanh toán theo giá đấu thầu. Do đó, nhà thầu không đủ tiền trả nợ ngân hàng, càng không được ngân hàng cho vay tiếp. Có thể nói, không chỉ riêng nhà thầu chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của công trình mà còn cả các ban ngành liên quan thuộc Bộ GT-VT.
|