(VietNamNet) - Hiện 90% hàng hóa Việt Nam xuất ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian và được biết đến qua một nhãn hiệu nước ngoài. Vậy mà với số ít các doanh nghiệp (DN) đã đăng ký thương hiệu thì có người cũng chỉ làm theo phong trào.
Trước tình hình trên, thời gian qua, các bộ ngành và cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, kêu gọi các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (NHHH). Và thực tế, thời gian gần đây số lượng các DN đăng ký NHHH đã tăng lên đáng kể. Theo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đến nay Cục đã nhận và cấp hơn 50.000 đơn xin đăng ký NHHH, ngoài ra còn có khoảng 5.000 đơn đăng ký trực tiếp theo Thỏa ước Madrid. Nếu năm 2002 có 8.800 đơn nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ thì đến hết tháng 10/2003 đã có trên 10.000 đơn, tăng 20 - 25% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tại Cục hiện cũng đang tồn đọng khoảng trên 15.000 đơn nộp chờ được đăng ký NHHH.
Có đăng ký theo phong trào?
Theo ông Trần Hữu Nam - Trưởng phòng NHHH thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, việc ngày càng có nhiều DN đăng ký NHHH là dấu hiệu tích cực chứng tỏ các DN Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trên thương trường. Những vụ kiện tụng, tranh chấp liên quan đến NHHH trong thời gian qua cũng đã khiến các DN “giật mình lo sợ” và vội vàng gửi đơn xin đăng ký NHHH. Mặt khác, do có thêm nhiều DN ra đời cũng là tác nhân dẫn tới việc gia tăng số lượng đơn xin đăng ký NHHH.
|
Chưa có nhiều thương hiệu trái cây của Việt Nam nổi tiếng ở nước ngoài. |
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết những hiểu biết về đăng ký NHHH của DN hiện chỉ mới dừng lại ở việc nhằm… chống hàng nhái, hàng giả. Tình trạng đăng ký thương hiệu tự phát, nhỏ lẻ; đăng ký để “rào” trước, nhưng chưa biết sẽ sử dụng và khai thác sao cho hiệu quả. Một DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến cà phê rang xay (xin được giấu tên) thừa nhận: “Thú thật, thấy người ta đăng ký thì cũng nóng ruột đăng ký theo chứ chưa biết đăng ký để làm gì”. Việc “chạy đua” đăng ký thương hiệu diễn ra phổ biến ở những DN hoạt động trong cùng lĩnh vực (vì tính cạnh tranh). Có DN đăng ký thương hiệu rất nổi tiếng (chủ yếu nhờ vào xuất xứ địa lý) nhưng quy mô sản xuất rất nhỏ, số lượng ít, chất lượng thấp, chưa tương xứng với tiếng tăm được thừa hưởng. Đơn cử như sầu riêng Chín Hòa ở Bến Tre tuy đã được một chủ nhà vườn đăng ký thương hiệu nhưng thực tế có rất ít sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Khai thác thương hiệu sao cho hiệu quả? Theo các chuyên gia, đăng ký thương hiệu và tên gọi xuất xứ là công việc quan trọng, rất cần thiết đối với DN, bởi thương hiệu là linh hồn và tài sản lớn nhất của mỗi DN. Song, không nhất thiết DN nào, mặt hàng nào cũng phải có. Đăng ký thương hiệu thì dễ, xây dựng và khuếch trương thương hiệu mới khó.
|
Thương hiệu cá tra, cá ba sa Việt Nam đã được người tiêu dùng thế giới biết đến nhiều vì có chất lượng cao và cung ứng ổn định. |
Tiến sĩ Võ Mai - Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam, minh chứng: “Nước ta có nhiều trái cây đặc sản nổi tiếng nhưng khi xuất khẩu lại mang thương hiệu nước ngoài. Đơn giản là vì thương hiệu của trái cây nước ta chưa được khách hàng tín nhiệm. Muốn có thương hiệu nổi tiếng, được khách hàng ưa chuộng thì trái cây xuất khẩu phải đáp ứng sáu yêu cầu: đẹp, ngon, an toàn, rẻ, chất lượng ổn định, cung ứng đúng hợp đồng. Trong khi đó hiện trạng trái cây xuất khẩu của ta là chất lượng thấp, giá quá cao, không cung ứng đúng hạn và ổn định theo yêu cầu của người mua”.
Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH An Giang, một chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, cho rằng: Một thương hiệu chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cơ sở nỗ lực nghiên cứu và đổi mới sản phẩm. Trước khi trở thành một nguồn thu nhập “trời cho”, thương hiệu luôn đặt ra những nghĩa vụ và thách thức, đòi hỏi DN phải có những cố gắng không ngưng nghỉ trong việc nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường và uy tín phục vụ. Nếu đã đăng ký thương hiệu nhưng không chú trọng nâng cao uy tín của thương hiệu thì khó có thể tồn tại. Đăng ký thương hiệu chỉ làm một lần, trong khi đánh bóng thương hiệu là việc làm thường xuyên và lâu dài. Với mặt hàng nông sản, kinh nghiệm của những thương hiệu thành công ở các nước khác là họ dám đầu tư toàn diện cho một chiến lược phát triển lâu dài với sự kết hợp chặt chẽ từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín phục vụ là cách tốt nhất để khuếch trương và khai thác sự nổi tiếng của thương hiệu.
Ông Nguyễn Hữu Thiện - cán bộ Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cho rằng, song song với việc xây dựng thương hiệu cần phải kiện toàn hệ thống quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, nhiều DN sau khi đăng ký thương hiệu, sản xuất sản phẩm bán ra thị trường thế giới nhưng lại mang tiêu chuẩn Việt Nam! “Nếu khách hàng nước ngoài không tin tưởng vào chất lượng quốc tế của sản phẩm thì trước sau thương hiệu đó cũng “chết” - ông Thiện nói.
Chúng ta luôn kêu ca các DN Việt Nam chưa chú trọng đến việc đăng ký thương hiệu, nhưng thực tế số nhiều DN đã đăng ký vẫn chưa biết khai thác và khuếch trương thương hiệu thế nào cho hiệu quả.
|