(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép tồn kho của các DN hiện ở mức thấp, chỉ còn 125.000 tấn thép và 160.000 tấn phôi. Đây là lý do làm nhiều người lo ngại sẽ thiếu thép xây dựng trong thời gian tới.
|
Nhiều DN thép đang thua lỗ. |
Mức tồn kho hợp lý theo tính toán phải là 190.000 tấn thành phẩm và 191.000 tấn phôi (tương đương 1 tháng tiêu thụ và 1 tháng sản xuất), thì mới giữ được sự bình ổn thị trường. Lượng tồn kho thấp vào thời điểm này được lý giải là do giá phôi thép nhập khẩu tăng cao (hiện nay là 305 USD/tấn, giá CIF tại các cảng Việt Nam chưa có thuế), làm cho nhiều doanh nghiệp càng sản xuất, càng thua lỗ nặng nề, nên đã hạn chế nhập khẩu phôi về cán thép.
Hiện chỉ có 2 công ty là Thép Miền Nam và Gang thép Thái Nguyên tự sản xuất được khoảng 50% phôi, còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác đều phải nhập khẩu 100% phôi từ nước ngoài. Giá thành sản phẩm của 2 doanh nghiệp này là 5.300 đồng/kg, bán ra ở mức 5.800 đồng/kg, có lãi và đang chạy hết công suất mà không đủ thép bán.
Còn các doanh nghiệp phụ thuộc 100% vào nguồn phôi nhập khẩu, theo tính toán giá bán thép phải ở mức 6.100 đồng/kg mới hoà vốn. Nhưng họ đang phải bán mức khoảng 5.800 đồng/kg, thua lỗ ít nhất 300 đồng/kg. Vì vậy hạn chế sản xuất là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro, không nhập nhiều phôi thép trong lúc này .
Việc thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2003 của các DN này cũng đang ở mức thấp. Tính đến ngày 15/11 (Chỉ 1 tháng rưỡi nữa là hết năm), các công ty thép chiếm thị phần lớn như :Vinakyoei(liên doanh thép Việt Nhật) mới đạt 79% kế hoạch năm, VPS ( thép Việt Hàn) 78%, Vinausteel (thép Việt Úc) 85%, Natsteel vina (ThépViệt Đài) 73%...trong khi đó 2 doanh nghiệp là Thép Miền Nam và Gang thép Thái Nguyên đã vượt 14% kế hoạch năm.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan thì lượng phôi thép nhập khẩu trong 9 tháng năm 2003 là 1.377.125 tấn bằng 93,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn trong 10 tháng qua lượng thép sản xuất và tiêu thụ tương đương nhau. Các doanh nghiệp sản xuất được 1.973.768 tấn, tiêu thụ đạt 1.974.178 tấn. Nhưng vào các tháng cuối năm thì chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ đã có cách biệt. Tháng 10/2003, Công ty Gang thép Thái Nguyên sản xuất 30.904 tấn, tiêu thụ 35.107 tấn; thép Miền Nam sản xuất 37.463 tấn, tiêu thụ 36.660 tấn; 5 công ty liên doanh với Tổng công ty thép (VSC) gồm: Vinakyoei, VPS,Vinausteel, Natsteel vina, Tây Đô sản xuất 68.426 tấn, tiêu thụ 85.948 tấn. Các công ty khác như Hoà Phát,Việt Ý, Pomina, Pomihoa, Nam Đô, Sunsteel... sản xuất 67.624 tấn, tiêu thụ 73.694 tấn. Như vậy lượng thép tiêu thụ vượt sản xuất chủ yếu được lấy ra từ số tồn kho của các tháng trước để lại, làm cho lượng tồn kho giảm xuống mức thấp.
Theo dự báo của Tổng công ty thép Việt Nam, giá phôi thép sẽ tiếp tục tăng chậm trong tháng 12/2003, điều này làm cho nhiều người không khỏi lo ngại bởi sản xuất thép đang thua lỗ nhiều, việc nhập khẩu phôi bị hạn chế, liệu có xảy ra tình trạng thiếu thép?
|