Hành lang pháp lý - bài toán khó cho ngành thuốc lá
08:53' 13/10/2003 (GMT+7)

DN sản xuất thuốc lá không có cơ hội tăng năng lực sản xuất.

(VietNamNet) - Những năm qua, ngành sản xuất kinh doanh thuốc lá liên tục có những đóng góp lớn cho Ngân sách Nhà nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động nhưng các DN trong ngành này đang phải hoạt động trong môi trường pháp lý quá ngặt nghèo. Hành lang pháp lý nào cho ngành sản xuất kinh doanh thuốc lá, khi dư luận xã hội và cộng đồng quốc tế đang lên tiếng bài trừ thuốc lá?

Đóng góp lớn cho ngân sách

Có một thực tế không thể phủ nhận là những năm qua, ngành sản xuất thuốc lá đã có những đóng góp đáng kể vào Ngân sách Nhà nước, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2000, ngành thuốc lá nộp Ngân sách trên 2.700 tỷ đồng (không kể thuế nhập khẩu), năm 2001 là trên 3.344 tỷ đồng, năm 2002 là trên 3.778 tỷ đồng và riêng năm 2003 này, ngành thuốc lá dự tính sẽ nộp ngân sách trên 4.230 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái). Mặt khác, ngành sản xuất mặt hàng ''độc hại'' này lại đang mang đến một số lượng việc làm lớn cho người lao động. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Châu Huệ Cẩm, ngành sản xuất thuốc lá đang mang đến việc làm ổn định và thu nhập ngày càng cao cho 11.000 lao động sản xuất thuốc lá điếu, hơn 150.000 nông dân trồng thuốc lá và hàng vạn lao động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại thuốc lá.

Ông Tạ Thế Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt, DN sản xuất thuốc lá thuộc tỉnh Khánh Hoà cho biết, riêng năm 2003, Tổng Công ty dự định sẽ đạt doanh thu là 4.300 tỷ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh 800 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng thu ngân sách của toàn tỉnh Khánh Hoà.

Hạn chế ngành ''độc hại'' cho xã hội

Ngành sản xuất, kinh doanh thuốc lá đang phải hoạt động trong mối quan ngại sâu sắc của Chính phủ, cũng như của cộng đồng quốc tế về những tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá đang phải tiến hành trong môi trường pháp lý với nhiều quy định khắt khe, chặt chẽ và chịu sức ép lớn của dư luận xã hội. Bản thân các DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng nhận thức rõ, những rào cản này là điều không thể tránh khỏi.

Nghị định số 76/2001/NĐ-CP của Chính phủ ban  hành ngày 22/10/2001 quy định:
- ''Sản phẩm thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng trong nước''.
- ''Không đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất thuốc lá vượt quá tổng năng lực sản xuất tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12 của Chính phủ ngày 14/8/2000''.

Trước hết, do DN không được đầu tư tăng năng lực thiết bị sản xuất nên lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá hàng năm của DN bị giới hạn. Trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch thu nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác mà Nhà nước giao cho ngành thuốc lá và mỗi DN hàng năm đều tăng ở mức cao. Việc DN vừa phải thực hiện chính sách hạn chế năng lực sản xuất vừa phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch thu Ngân sách Nhà nước giao luôn khó khăn với DN thuốc lá. Ông Cường lấy ví dụ, chỉ tiêu kế hoạch thu nộp ngân sách giao cho Khánh Việt năm 2002 tăng 50,9% so với năm 2001 và năm nay tăng 32,5% so với năm 2002.

Một khó khăn khác với các DN sản xuất, kinh doanh thuốc lá là từ ngày 1/1/2003 trở đi, Bộ Tài chính không cấp bù chênh lệch cho việc in ấn, phát hành tem thuốc lá sản xuất trong nước mà chi phí mua tem thuốc lá sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm thuốc lá điếu của các DN. Ông Trần Sơn Châu, Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn cho biết, theo sản lượng kế hoạch năm nay của nhà máy ông là 904 triệu bao thì ảnh hưởng của giá tem tăng sẽ làm lợi nhuận của nhà máy giảm 9,13 tỷ đồng.

Những rào cản pháp lý cho ngành sản xuất thuốc lá hiện còn nhiều hơn và có thể sẽ nhiều hơn nữa nhưng xem ra biện pháp thiết thân nhất cho các DN của ngành này là phải ''thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh khi hội nhập'' - theo lời Bà Cẩm - ''Chúng ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế, các điều kiện gia nhập WTO đòi hỏi phải có những điều chỉnh về chính sách và quy định pháp lý liên quan đến sản xuất và kinh doanh thuốc lá. Đặc biệt, đầu tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã ký Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát thuốc lá. Tôi nghĩ rằng, các điều kiện về sản xuất và kinh doanh thuốc lá sẽ còn được quy định chặt chẽ hơn nữa''. 

  • Phương Thanh

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bưu điện Quảng Nam khai trương website thương mại điện tử (13/10/2003)
Thêm một nhà máy sản xuất nồi cơm điện (11/10/2003)
Vinamilk khó xuất khẩu hàng vì không mua được bảo hiểm (10/10/2003)
Những kế hoạch "đi mây về gió" của ngành giấy (10/10/2003)
Tặng máy ĐTDĐ cho khách hàng trung thành (10/10/2003)
VEAM xuất khẩu trên 42.500 sản phẩm máy nông nghiệp (10/10/2003)
JC Penny Purchasing Corp tìm cơ hội ở Việt Nam (10/10/2003)
Công bố hạn ngạch dệt may vào Hoa Kỳ năm 2004 (10/10/2003)
Giá phôi thép nhập khẩu tăng 35 USD/tấn (09/10/2003)
Bibica lấy ý kiến về báo cáo tài chính năm 2002 (08/10/2003)
Nhiều sản phẩm lưu niệm SEA Games ra thị trường (08/10/2003)
Hà Nội có 19 DN mang tên Thăng Long (08/10/2003)
Ăn bánh AFC có thể được 45 triệu đồng (08/10/2003)
Chợ Công nghệ và Thiết bị đầu tiên tại Việt Nam (07/10/2003)
Con cừu ở Văn Lâm (07/10/2003)
Tro ve dau trang