Những kế hoạch "đi mây về gió" của ngành giấy
14:10' 10/10/2003 (GMT+7)

Giấy ngoại nhập các nước ASEAN hiện đang rẻ hơn các loại giấy cùng loại sản xuất trong nước.

Trước việc các địa phương đầu tư "ào ào" vào sản xuất giấy, Tổng thư ký Hiệp hội giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo phải thốt lên: không phải nhìn thấy rừng là đầu tư nhà máy giấy! Theo Hiệp hội giấy Việt Nam, từ cuối năm 2001 đến nay ngành giấy thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa bột giấy, mức tiêu thụ giấy giảm mạnh, kéo theo bột giấy liên tiếp giảm giá và giá giấy giảm rất thấp.

Ngay cả Nhật Bản, cường quốc sản xuất giấy của thế giới với tổng công suất trên 30 triệu tấn/năm, do kinh tế suy thoái dẫn đến tiêu dùng giấy trong nước giảm liên tục qua các năm 2000, 2001 và 2002. Mặc dù phải giảm sản lượng trên 3% mỗi năm kèm theo giảm giá các mặt hàng giấy song ngành giấy Nhật Bản vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các công ty giấy nước này một mặt phải hạn chế nhập khẩu bột giấy đồng thời tăng hệ số sản xuất giấy tái chế lên mức 62%, mặt khác họ đẩy mạnh xuất khẩu giấy vào thị trường Đông Nam Á. Nhờ ưu thế công nghệ, chất lượng giá cả và lợi thế đồng USD giảm giá, năm 2001 nước này xuất khẩu 1,1 triệu tấn giấy và bìa sang các nước ASEAN; năm 2002 lên trên 1,5 triệu tấn (tăng 39%). Dẫu vậy các DN của Nhật Bản chưa thoát khỏi khủng hoảng thừa.

Tương tự là Đài Loan và Hàn Quốc. Một mặt Đài Loan tăng hệ số sử dụng giấy loại trên mức 60%, mặt khác đẩy mạnh xuất khẩu giấy và bìa (tăng 18,8%) song các nhà máy giấy của nước này vẫn phải cắt giảm sản lượng xuống tới 10,5% đối với giấy và 4,2% đối với bìa. Còn Hàn Quốc, có năng lực sản xuất 11,4 triệu tấn/năm, mặc dù tình hình kinh tế khả quan hơn, song chỉ huy động được 82% công suất các nhà máy giấy.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược phát triển ngành công nghiệp này. Philippines tăng sản lượng giấy lên 1,69 triệu tấn/năm và vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 300.000 tấn (số dư thừa hướng vào xuất khẩu). Indonesia nước có sản lượng bột và giấy lớn nhất trong khu vực đã chủ động thu hút thêm 8 dự án đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp giấy để vươn lên là cường quốc xuất khẩu mặt hàng này. Indonesia là nước xuất khẩu giấy lớn nhất khu vực với 2,8 triệu tấn năm 2001...

Bộ KH & ĐT vừa báo cáo Thủ tường Chính phủ  về tình trạng không thống nhất trong quy hoạch trồng rừng, nguyên liệu sản xuất bột giấy từ nay đến năm 2010. Chẳng hạn cùng mục tiêu có sản lượng 2,255 triệu tấn/năm, nhưng Tổng công ty giấy Việt Nam bố trí các nhà máy tập trung ở Kon Tum, Bắc Giang, Bãi Bằng; còn Bộ Công nghiệp thì bố trí các nhà máy ở Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Cần Thơ. Bộ NN &PTNT cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2010 với mục tiêu sản xuất 1 triệu m3 ván dăm nhân tạo, rừng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu này cần khoảng 400.000ha... Theo Bộ KH&ĐT, với các quy hoạch kể trên thì đến năm 2010, lượng bột giấy sản xuất trong nước phải là 3,5 triệu tấn/năm và giấy các loại 1,5 triệu tấn/năm, gấp hai lần kế hoạch.

Trong khi các nước trong khu vực nhanh chân hoạch định lại chiến lược phát triển ngành giấy thì theo Bộ Công nghiệp, các dự án đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho ngành Giấy Việt Nam triển khai rất chậm. Theo đó Bộ Công nghiệp đã tư vấn cho Chính phủ nên tập trung vào các dự án nhà máy sản xuất bột giấy... thành ra đã phát động một phong trào rộng khắp: gần 20 tỉnh dù có rừng hay chưa có rừng cũng xin đầu tư nhà máy giấy hay bột giấy với tổng công suất thiết kế vượt hơn 2 triệu tấn/năm. Theo Tổng công ty giấy Việt Nam, bước và hội nhập kinh tế khu vực, ngành giấy là một trong những ngành gặp khó khăn nhiều nhất do trình độ công nghệ lạc hậu, giá thành sản xuất cao và hệ số sử dụng công suất thấp nhất trong khu vực (mới đạt 51,9%). Đặc biệt sau thời điểm Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu giấy từ 50% xuống 20% từ ngày 1/7/2003, áp lực cho ngành giấy ngày càng lớn hơn.

Theo tính toán của các nhà quản lý, sau khi chịu thuế nhập khẩu  và các chi phí khác thì giá giấy ngoại nhập các nước ASEAN hiện đang rẻ hơn các loại giấy cùng loại sản xuất trong nước từ 1-2 triệu đồng/tấn. Do vậy 9 tháng đầu năm 2003 Việt Nam nhập khẩu 329.000 tấn giấy. Ngược lại 7 đơn vị thành viên của Tổng công ty giấy Việt Nam chưa biết cầm cự được bao lâu nữa bởi gánh nặng chi phí tăng cao (giá nguyên liệu tăng 16-19%, nhiên liệu tăng 5%) trong khi giảm giá giấy tới mức hoà hoặc lỗ vẫn không cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Số liệu tồn kho của Tổng công ty giấy Việt Nam đến hết tháng 9/2003 khoảng 40.000 tấn, tăng 10.000 tấn chỉ sau 3 tháng hội nhập. Ông Phan Quý Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty giấy Việt Nam thừa nhận số dư nợ vốn vay tín dụng của các DN trong Tổng công ty đang ở mức rất cao. Áp lực đè nặng đến nỗi, Tổng công ty giấy Việt Nam phải kêu ầm lên và đề nghị Chính phủ không cho giải ngân vốn ODA bằng giấy và áp dụng mức lãi xuất ưu đãi nhất cho các dự án sản xuất giấy mới của ngành.

(Theo Nông Nghiệp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tặng máy ĐTDĐ cho khách hàng trung thành (10/10/2003)
VEAM xuất khẩu trên 42.500 sản phẩm máy nông nghiệp (10/10/2003)
JC Penny Purchasing Corp tìm cơ hội ở Việt Nam (10/10/2003)
Công bố hạn ngạch dệt may vào Hoa Kỳ năm 2004 (10/10/2003)
Giá phôi thép nhập khẩu tăng 35 USD/tấn (09/10/2003)
Bibica lấy ý kiến về báo cáo tài chính năm 2002 (08/10/2003)
Nhiều sản phẩm lưu niệm SEA Games ra thị trường (08/10/2003)
Hà Nội có 19 DN mang tên Thăng Long (08/10/2003)
Ăn bánh AFC có thể được 45 triệu đồng (08/10/2003)
Chợ Công nghệ và Thiết bị đầu tiên tại Việt Nam (07/10/2003)
Con cừu ở Văn Lâm (07/10/2003)
Đón nhận tàu chở dầu thô trọng tải 100.000 tấn (06/10/2003)
Một công ty VN mua lại thương hiệu đá mài EDM nổi tiếng của Italy (06/10/2003)
Xi măng Sao Mai đổi tên thành Holcim (03/10/2003)
Giá cá tra và basa nguyên liệu tăng trở lại (02/10/2003)
Tro ve dau trang