Con cừu ở Văn Lâm
09:14' 07/10/2003 (GMT+7)

Không có cừu, bà con Văn Lâm không thể khá được như ngày hôm nay.

Với hơn một nghìn ngôi nhà xây đứng giăng hàng, Văn Lâm hiện ra như một ngôi làng giàu đẹp, luôn bắt mắt bất cứ ai đi trên quốc lộ 1A đoạn ngang xã Phước Nam, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Đây chính là làng Chăm có tiếng với nghề nuôi cừu những năm gần đây...

Những chủ trại cừu

"Muốn biết ai ở đây là chủ trại cừu không khó. Cứ nhắm gõ cửa những ai có nhà cao cửa lớn thì đích thị là họ...", trưởng thôn Văn Lâm Nguyễn Hợp nói khi dừng xe, đẩy cổng đưa tôi vào ngôi nhà đẹp như một biệt thự nằm kề con đường làng. Chủ nhà Bá Văn Viễn kể về quá trình đi đến giàu có với con cừu của anh: "Phải nói tất cả là nhờ con cừu. Không có nó, bà con ở Văn Lâm chưa thể khá lên được như hôm nay, tôi cũng chưa có được cơ ngơi như thế này đâu...".

Khoảng năm 1990, hàng ngày anh chỉ biết đẩy chiếc xe đạp thồ lên miệt rừng Phước Hà kiếm củi về bán, thêm vào với những hạt thóc trên mảnh ruộng thiếu nước để đẩy đưa cuộc sống qua ngày. Và không chỉ mình anh trần ai với khó nghèo, cả Văn Lâm hầu như ai cũng vất vả với chuyện áo cơm ngày ấy.

Rồi con cừu (trước đó vốn được nuôi lưa thưa ở Văn Lâm) bỗng được các nhà hàng ăn uống ở TP.HCM “để mắt” đến như một món ăn đặc sản. Vậy là con vật hiền lành này liền trở thành loại vật nuôi có hiệu quả cho việc xóa đói giảm nghèo và vượt khó làm giàu đối với Văn Lâm.

Dốc hết những đồng vốn ki cóp được cùng với khoản vay mượn để “đi theo” con cừu, năm 1994 anh nông dân nghèo Bá Văn Viễn khởi nghiệp với 15 con cừu nái, mỗi con 300.000 đồng.

Với sự chăn giữ cần cù của anh, chỉ hai năm sau đàn cừu nái nhà anh đã là 50 con. Rồi đàn cừu cứ đông thêm, số cừu anh bán ra cũng tăng lên, nay thì không tính cơ ngơi nhà cửa, cũng không tính số cừu tơ, chỉ tính giá cừu nái 3,5 triệu đồng/con, anh cũng đã có trong tay 300 triệu đồng!

“Muốn khá lên, giàu lên với con cừu không khó”, đó là lời chị Thiên Thị Im. Cũng như sự khởi nghiệp của hầu hết chủ trại cừu trong làng, vợ chồng chị Im đạt được sự giàu có với con cừu cũng bằng khởi điểm đầy những gian nan, chật vật.

Nhanh nhạy hơn người, khi thấy số cừu trong làng ngoài xã ngày một tăng dần, giao việc chăn giữ cho chồng, chị đi thu mua cừu thịt chuyển vào TP.HCM bán. Dịch vụ buôn cừu thịt không chỉ giúp nhà chị nhanh khá lên mà còn giúp nghề nuôi cừu ở Văn Lâm và các làng khác chóng phát đạt vì đã tạo đầu ra nhanh nhạy, ổn định.

“Thời đó chưa có mấy người đi buôn cừu mà bà con mình nhiều người cần bán cừu. Vậy là tôi ra nghề, thiếu vốn cứ nhận cừu của bà con bán rồi về trả sau, nhờ vậy cả hai bên cùng được việc...”, chị Im kể.

Sau mỗi chuyến chị dành khoản lãi mua một cừu nái, cứ thế đàn cừu nhà chị tăng dần, chẳng bao lâu vợ chồng chị trở thành một trong những người đầu tiên ở làng lên ngôi... chủ trại với đàn cừu vài trăm con.

“Tôi vừa bàn với các đầu mối nhận thịt cừu ở TP.HCM để nhất trí tăng giá cừu hơi từ 22.000 đồng lên 23.000 đồng/kg. Vậy là có lợi cho người nuôi cừu. Thị trường thịt cừu trong đó còn rộng lắm, cừu Ninh Thuận mình chưa đủ cung ứng cho họ mà!”, anh Hán Văn Thỏa, một chủ trại cừu, nói.

Anh Thỏa cũng buôn cừu thịt như chị Im, nhưng chỉ sau bốn năm theo đuổi dịch vụ này anh Thỏa lại nghỉ để chuyển sang mở lò mổ, hầu có thể chủ động hơn trong việc cung ứng thịt cho các đầu mối tiêu thụ ở TP.HCM cũng như trong việc thu mua cừu thịt của người nuôi.

Làm theo anh, Văn Lâm lại có thêm bốn người mở lò mổ cừu để cung ứng thịt cho các đầu mối. Vậy là từ năm ngoái đến nay ở Văn Lâm mỗi ngày có ít nhất 1 tấn thịt cừu Ninh Thuận được đưa vào TP.HCM.

Và những người chăn thuê

Những ngôi nhà khang trang ở Văn Lâm đều từ những đàn cừu.

Có thể gọi Văn Lâm là làng cừu lớn nhất trong số các làng có nuôi cừu ở Ninh Thuận. Theo trưởng thôn Nguyễn Hợp, Văn Lâm có khoảng 60 hộ nuôi cừu đàn 30-200 con, trong đó, những người có đàn cừu từ 100 con trở lên, chiếm không dưới 20 người.

Những người có đàn cừu khoảng dưới 50 con có thể tự chăn, còn những người có đàn cừu trên 50 con hầu hết đều thuê người trong làng chăn.

Nhờ sống ở làng cừu nên có kinh nghiệm chăn giữ, lại có đức tính chăm chỉ, ngay thật, người Văn Lâm còn được các chủ cừu người Chăm cũng như người Kinh ở các vùng lân cận thuê chăn cừu cho họ. Ước tính có khoảng 35% số hộ (trong tổng số 1.131 hộ) của Văn Lâm có người theo nghề chăn cừu thuê.

Chủ tịch UBND xã Phước Nam Kiều Đại Hướng, cũng là cư dân làng Văn Lâm, kể về việc vượt khó nghèo từ việc chăn thuê của gia đình ông K.Đ.T.. Đang lúc trắng tay bởi bị một vụ lừa gạt, ông T. bỗng được một người đến thuê chăn đàn cừu khoảng 200 con. Ông nhận lời rồi cùng vợ và sáu đứa con đến bãi chăn nơi rừng xa dựng trại chăn thuê.

Chỉ năm năm sau, ông T. đã mang tiền về xây ngôi nhà hơn 50 triệu đồng. Hiện ông và cả nhà đang tiếp tục với đàn cừu của chủ nơi bãi chăn cho ước mong nhà mình sẽ có một đàn cừu trong dăm bảy năm tới.

Anh Hán Văn Thỏa cho biết: “Chủ cừu kiếm được đồng lãi khá thì phải nghĩ đến công người chăn sao cho phải. Cứ chăn đàn cừu khoảng trăm con, người chăn sẽ có thu nhập khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/năm, trong đó có khoản tiền bán phân cừu tại chuồng được khoảng 3 triệu đồng/năm. Tôi đã khoán cho vợ chồng anh La Văn Liêm chăn đàn cừu 80 con cho tôi với giá như thế...”.

Cô con gái của ông Hán Văn Ngỗng cho biết, cha mẹ và mấy đứa em của cô đều theo chăn đàn cừu của ông Trần Kỳ Thành ở tận hồ Suối Lớn suốt bảy năm nay. Năm xưa chủ cừu đã hỗ trợ cha mẹ cô xây ngôi nhà hơn 20 triệu đồng, năm ngoái lại thưởng cho bốn con cừu.

Trưởng thôn Hợp cho hay những người chăn cừu thuê đều chóng vượt qua được đói nghèo là nhờ khoản tiền chăn cộng với khoản thưởng bằng cừu nái hay cừu con. Từ những con cừu thưởng đó, người chăn sẽ gây dựng dần, mua thêm vài con rồi xin phép chủ cho nhập đàn (của chủ) để chăn cho đến khi được mươi con sẽ tách giao cho vợ con chăn riêng...

“Chưa nói việc con cừu giúp nhiều người ở đây đạt đến giàu có, chỉ nói tác dụng của con cừu với việc xóa đói giảm nghèo cho bà con cũng đã là thành tích không nhỏ. Mới năm 2000 Văn Lâm còn đến 121 hộ khó nghèo vậy mà nay chỉ còn 42 hộ, đa phần là những hộ neo đơn, già cả. Đạt được tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh như vậy phần lớn là nhờ con cừu đó...”, ông Hợp đúc kết.

Với sự phát triển mạnh của thị trường, con cừu sẽ còn tạo ra những thay đổi mới ở làng cừu Văn Lâm trong những năm tháng tới!

(Theo Tuổi Trẻ)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đón nhận tàu chở dầu thô trọng tải 100.000 tấn (06/10/2003)
Một công ty VN mua lại thương hiệu đá mài EDM nổi tiếng của Italy (06/10/2003)
Xi măng Sao Mai đổi tên thành Holcim (03/10/2003)
Giá cá tra và basa nguyên liệu tăng trở lại (02/10/2003)
Ngày 9/10, khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu 2003 (02/10/2003)
Động thổ nhà máy chế tạo và lắp rắp ĐTDĐ đầu tiên tại VN (02/10/2003)
Khởi công Trung tâm Thương mại Espace Bourbon Thăng Long (02/10/2003)
Điện Phú Mỹ 3 sẽ đi vào hoạt động vào đầu tháng 11 (02/10/2003)
Ngừng cấp visa 4 chủng loại hàng dệt may (01/10/2003)
CIENCO 5 được vay vốn ngân hàng để "vượt cạn" (01/10/2003)
Luật Phá sản sẽ ''vuốt mắt'' cho nhiều DN? (01/10/2003)
Băn khoăn ''khái niệm'' trong Dự thảo Luật DNNN (01/10/2003)
Bộ Thương mại cảnh cáo Công ty Nước giải khát quốc tế IBC (01/10/2003)
Leda Holdings xây dựng khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng (30/09/2003)
Ganon Hoa Kỳ khánh thành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam (30/09/2003)
Tro ve dau trang