1.Siết lại qui định thành lập công ty nhà nước
2.Cuộc đổ bộ của hàng Trung Quốc
3.Nhập nhằng áp mã thuế
4.Động thái mới trong nỗ lực chống điện thoại di động nhập lậu
5.TP Hồ Chí Minh Tăng cường huy động vốn từ nguồn đất đai
6.Đột phá vào thị trường Na Uy
Siết lại qui định thành lập công ty nhà nước
Chính phủ vừa ban hành nghị định 180/2004 về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước (CTNN). Theo đó, CTNN thành lập mới phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 30 tỉ đồng đối với CTNN độc lập và 500 tỉ đồng đối với tổng công ty.
Ngoài ra, việc thành lập mới CTNN chỉ được xem xét nếu như thuộc 23 ngành, lĩnh vực được qui định cụ thể trong nghị định, như sản xuất, cung ứng vật liệu nổ, hóa chất độc, chất phóng xạ, truyền tải điện quốc gia...
Đề án thành lập mới phải trải qua hội đồng thẩm định gồm đại diện của các ban, ngành liên quan và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ có bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố mới được đề nghị thành lập mới CTNN. Các công ty này sẽ bị giải thể nếu kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp và có số lỗ bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Cuộc đổ bộ của hàng Trung Quốc
Tiến trình hội nhập kinh tế đang diễn ra. Với chương trình “thu hoạch sớm” giữa ASEAN - Trung Quốc (TQ), thị trường được mở ra với nhiều loại hàng hóa, chủ yếu là nông sản, được hưởng thuế suất thấp.
|
Trái cây Việt Nam có cạnh tranh được với của Trung Quốc? |
Doanh nghiệp VN - TQ đã tận dụng cơ hội này như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực tế tại ba cửa khẩu quốc tế có lượng hàng trao đổi lớn nhất tại khu vực phía Bắc là Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
7g sáng 19-10, trời vẫn sương mù dày đặc, dọc theo con đường từ hướng cửa khẩu Tân Thanh về thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) đã xuất hiện những đoàn xe Minsk chở theo những kiện hàng quá khổ chạy với tốc độ chóng mặt. Theo ước tính của chúng tôi, chỉ không đầy 10 phút đã có gần 30 xe máy “cõng” hàng thâm nhập cửa ngõ thị trấn Đồng Đăng.
Anh chạy xe ôm cho hay: “Ngày nào vào giờ này cũng vậy, xe chạy hàng đông như đi trẩy hội. Hầu hết hàng “bắn” vào thị trấn đều là các loại hàng đắt tiền có thuế suất cao như: đầu máy, đồ điện gia dụng, quần áo...”.
Khi đến gần khu vực Hang Dơi, dọc theo dãy núi bên phải, chúng tôi thấy cửu vạn vác hàng đi thành từng đoàn xuống núi. Một cửu vạn ở đây cho biết hàng được lấy từ chợ Lũng Vài của TQ nằm cạnh sát biên giới VN. Ngoài con đường Hang Dơi, cửu vạn cho biết còn nhiều con đường khác ở khu vực này như Thác Nước, Thác Ném, Bãi Gianh, Ma Mèo, Khơi Đa... đưa hàng lậu các loại từ TQ tràn vào VN.
Chúng tôi chuyển hướng lên cửa khẩu Tân Thanh. Gần 11g trưa bãi kiểm hóa của Hải quan cửa khẩu Tân Thanh nằm trong một khuôn viên khá rộng đã có trên 10 xe tải vừa chở hàng từ TQ sang đang nằm chờ làm thủ tục. Tài xế của một xe tải mang biển số TP.HCM 57H... cho biết xe của anh chở gần 15 tấn táo về chợ đầu mối Thủ Đức, và đây là chuyến thứ ba trong tháng xe anh đưa mặt hàng này về TP.HCM.
Cõng hàng từ TQ sang VN (tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn) Cách đó không xa cũng là một chiếc xe tải đông lạnh mang biển số TP.HCM chở đầy ắp nho tươi. Anh tài xế còn khá trẻ tỏ ra cởi mở: “Đây là một loại nho trái lớn, được trồng tại TQ, giá bán ở đây chỉ 30.000- 40.000 đồng/kg, chuyển vào nội địa nhiều người cứ ngỡ là nho Mỹ nên được chuộng lắm”.
Theo ông Trần Hải Đăng - chi cục phó Hải quan cửa khẩu Tân Thanh - mỗi ngày tại cửa khẩu này có 50-70 xe tải (loại xe từ 10 tấn trở lên) nhập hàng từ TQ về, trong đó 95% là hàng nông sản, trái cây như: lê, táo, nho, hành, tỏi...
Điều khá đặc biệt là từ đầu năm 2004, thực hiện “Chương trình thu hoạch sớm” của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - TQ nên hầu hết mặt hàng này của TQ khi nhập vào VN được giảm 50% thuế so với trước đó. Cụ thể thuế suất phổ thông đối với hàng trái cây nhập từ TQ vào VN trước đây là 60% thì nay đã giảm còn 30%. Chính vì vậy, nhiều mặt hàng của TQ tràn vào VN được bán với giá khá rẻ.
Theo ông Lâm Văn Đằng - trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Thương mại Lạng Sơn - chỉ riêng căn cứ vào những con số thống kê được lượng hàng nhập từ TQ từ đầu năm đến nay đã tăng lên đến 140%, trong khi đó lượng hàng VN xuất mức độ tăng trưởng lại khá thấp.
Cuộc thâm nhập của hàng TQ qua cửa khẩu Móng Cái và Lào Cai có vẻ mạnh mẽ và dữ dội hơn, đặc biệt là tại cửa khẩu Móng Cái. Chợ trung tâm Móng Cái vừa đi vào hoạt động có qui mô bốn tầng lầu, 20.000m2 mặt sàn và trên 350 hộ kinh doanh, doanh số bán buôn khoảng 1 tỉ đồng/ngày.
Có đến 98% hàng bày bán nơi đây từ hàng kim khí điện máy, hàng tiêu dùng cho đến hàng may mặc đều là hàng TQ. Chị An Liên - một thương nhân người TQ có quầy bán hàng may mặc tại đây - cho hay: “Bạn hàng của chúng tôi từ Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, cho đến Sài Gòn đều ra đây lấy hàng, tùy theo chuyến, có những lần họ lấy số hàng quần áo trị giá lên đến vài chục triệu đồng”. Chị Liên nói thêm: “Chúng tôi không bán lẻ, chỉ bán buôn”. Tại những chợ, trung tâm thương mại lân cận trong thị xã Móng Cái cũng tràn ngập hàng TQ đủ các loại.
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, chỉ trong gần ba giờ đồng hồ ngồi quan sát chúng tôi đã ghi nhận có gần 100 xe thồ chở chủ yếu là cà chua, khoai tây, táo, lê, hồng..., thậm chí cả sầu riêng, măng cụt từ bên thị xã Hà Khẩu (TQ) về VN. Hầu hết người lái xe thồ đều là những người chở thuê cho các đầu mối nhập khẩu vào VN.
Tuy nhiên, lợi dụng qui chế không tính thuế đối với cư dân vùng biên giới có sổ thông hành được phép mang số lượng hàng hóa trị giá không quá 500.000 đồng/người/lượt/ngày, nên nhiều chủ hàng xé lẻ hàng và thuê những người này đưa về VN. Theo ước tính của Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, chỉ riêng mặt hàng rau, củ, quả mỗi ngày có 90-100 tấn các loại nhập vào VN qua cửa khẩu này.
Trao đổi với chúng tôi, phó ban quản lý cửa khẩu quốc tế thị xã Lào Cai Đoàn Đình Khôi tỏ ra hết sức lo lắng: “Cứ nhìn hàng nhập về đây mỗi ngày là biết ngay doanh nghiệp của TQ đã có sự chuẩn bị khá tốt cho tiến trình hội nhập, và nếu chúng ta không nhanh chân thì chỉ vài năm nữa khi thuế suất nhiều mặt hàng còn 0% thì hàng VN sẽ khó lòng cạnh tranh được ở ngay trong thị trường nội địa, chứ chưa nói hàng xuất khẩu đi”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Về đầu trang
Nhập nhằng áp mã thuế
|
Việc hải quan áp nhiều mã số thuế khác nhau cho cùng 1 mặt hàng đã khiến DN bị thiệt hại cả về thời gian lẫn tiền bạc. |
Một mặt hàng do một doanh nghiệp (DN) nhập về qua chỉ một cửa khẩu, nhưng trong vòng chưa đầy 4 năm đã bị hải quan tỉnh Lào Cai áp tới 5 mã số thuế khác nhau và tương đương với nó là 5 mức thuế suất. Doanh nghiệp (DN) càng thắc mắc, thuế suất nhập khẩu càng... tăng lên và các cơ quan đầu ngành của Tổng cục Hải quan đã phải vào cuộc để tháo gỡ. Nhưng điều này lại khiến cho sự việc rắc rối thêm. Chủ DN đã không hề ngoa khi nói rằng “đây là vụ việc tiêu biểu cho tình trạng một số cán bộ hải quan lợi dụng chức quyền sách nhiễu DN”.
Tân quan... tân nỗi khổ? Đầu năm 2000, khi thấy giấy tráng sáp vàng đầu lọc thuốc lá là sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, phải nhập ngoại, ông Nguyễn Tiến Vinh, một doanh nhân ở tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thành lập Công ty TNHH Hà Vinh (DN Hà Vinh) để gia công sản xuất loại giấy sáp vàng đầu lọc thuốc lá từ nguồn giấy nguyên liệu nhập khẩu của Trung Quốc. Trước khi chính thức bắt tay vào sản xuất, ông Vinh đã lấy mẫu giấy nguyên liệu nhập khẩu gửi Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, còn gọi là Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai để cơ quan này chuyển đi giám định tại Viện Giấy và Xenluylô theo đúng quy định về giám định cấp nhà nước.
Sau khi có kết quả giám định, Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai phân tích phân loại áp mã 48056000 với thuế suất thuế nhập khẩu là 5%. Vậy là từ tháng 8 năm 2000, Công ty Hà Vinh bắt đầu nhập khẩu giấy nguyên liệu về để sản xuất. Mọi chuyện diễn ra ổn thoả cho cho đến tháng 7 năm 2001 – thời điểm mà Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai có sự thay đổi ở cấp lãnh đạo. Khi đó, ông Nguyễn Trung Tĩnh được Cục Hải quan Lào Cai điều về làm Chi cục trưởng Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai. T
heo ông Vinh, những sách nhiễu, gây khó dễ cho DN Hà Vinh được ông Tĩnh thực hiện qua việc thay đổi mã số thuế đối với mặt hàng giấy nguyên liệu nhập về, từ 48056000 thành 48052900. Điều này có nghĩa là DN Hà Vinh đã bị nâng thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng giấy nguyên liệu nhập về thành 10%, thay vì mức 5% như lúc đầu. “Khi đó, tuy nhận thấy việc thay đổi mã số thuế như nói trên là bất hợp lý, nhưng vì mỗi tấn giấy nhập về thuế chỉ tăng thêm hơn 2 triệu đồng và do không muốn mất thời gian, tiền bạc vào việc khiếu nại, khiếu kiện nên DN đành chấp nhận”, ông Vinh giải thích. Nhưng sự nín nhịn này chẳng giúp Công ty Hà Vinh yên ổn.
Đầu tháng 6 năm 2002, khi ông Tĩnh được thăng chức Cục phó Cục Hải quan Lào Cai thì cũng là lúc mức thuế đánh vào mặt hàng giấy nguyên liệu nhập khẩu của DN Hà Vinh nhảy vọt từ 10% lên 30%, trong khi biểu thuế suất nhập khẩu không hề có sự thay đổi. Cơ sở của việc tăng thuế này là sự chuyển đổi một lần nữa mã số thuế của các lô hàng giấy nguyên liệu mà Công ty Hà Vinh nhập về từ 48052900 sang thành 48139000. Sự tăng vọt số thuế phải nộp đã khiến cho ông chủ Công ty Hà Vinh không thể cam chịu được và đã khiếu nại ngay sau khi nhận được thông báo về mức thuế của lô hàng.
Tuy nhiên, 1 tháng sau đó, thay vì nhận được văn bản giải thích từ phía hải quan Lào Cai, Công ty Hà Vinh lại nhận được Quyết định điều chỉnh thuế suất lô hàng nhập về từ 30% (theo mã số thuế 48139000) lên 40% (theo mã số thuế 48025190). Bị “sốc” trước quyết định này, ông Vinh tiếp tục làm đơn khiếu nại yêu cầu Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai có quyết định chính thức xác nhận việc áp mã số thuế 48025190 với thuế suất 40% cho lô hàng giấy nguyên liệu của Công ty Hà Vinh nhập về là đúng chính sách thuế hiện hành để Công ty có cơ sở khiếu nại tiếp lên Thanh tra và Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai... Thế nhưng phải tới 4 tháng sau, Công ty Hà Vinh mới nhận được văn bản trả lời của ông Tĩnh, trong đó giải thích việc áp mã số thuế nói trên (48025190) là “căn cứ vào kết quả phân tích, phân loại của Viện Nghiên cứu khoa học hải quan (Tổng cục Hải quan), nên Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai không thể ra được quyết định chính thức xác nhận việc áp mã số thuế cho lô hàng của DN”.
Tuỳ tiện ra quyết định phạt DN? Nhận thấy việc “đối đầu” với hải quan Lào Cai không giải quyết được triệt để vấn đề, đồng thời cũng để chờ Viện Nghiên cứu Hải quan có câu trả lời khách quan đối với mẫu giấy của Công ty nhập về, DN Hà Vinh đã tạm dừng nhập khẩu. Thế nhưng, do yêu cầu sản xuất, công ăn việc làm của người lao động và đảm bảo hợp đồng giao hàng cho khách, vào cuối tháng 11 năm 2002, DN Hà Vinh đã thông qua Công ty TNHH Thuận Phát (là công ty tiêu thụ sản phẩm của DN Hà Vinh) để nhập khẩu hộ giấy nguyên liệu về. Ngay lập tức, lô hàng nhập về đã bị hải quan Lào Cai lập biên bản và ra quyết định tạm giữ, không cho thông quan.
Theo ông Vinh, cả Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai lẫn Cục Hải quan Lào Cai trong biên bản và quyết định giữ hàng hoá đều không hẹn ngày giải quyết. Quá bức xúc, Công ty đã làm đơn gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai nhờ can thiệp. Khi đó, Phòng Tham mưu Chống buôn lậu Cục Hải quan Lào Cai mới đồng ý “tạm tha” cho DN với điều kiện phải nộp phạt thêm một lần tiền thuế là 57,6 triệu đồng. Không còn cách nào khác, Công ty Thuận Phát đã phải nộp tiền phạt để lấy hàng về sản xuất. Ngoài ra, do chưa một cơ quan thẩm quyền nào thuộc Bộ Tài chính hay Tổng cục Hải quan có quyết định chính thức xác nhận các lô giấy nguyên liệu mà Công ty Hà Vinh và Công ty TNHH Thuận Phát... nhập về thuộc mã số thuế nào, nên trong suốt thời gian qua, trong tờ khai hải quan DN cứ kê khai một kiểu, bộ phận kiểm hoá Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai kết luận một kiểu và bộ phận tính thuế XNK của Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai lại tính thuế theo kiểu khác. Hậu quả là DN lãnh đủ bằng những quyết định xử phạt hành chính của hải quan Lào Cai cho mỗi lô hàng nhập về.
Cảm thấy quá oan ức, Công ty Hà Vinh và Công ty TNHH Thuận Phát đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhờ can thiệp. Khi đó, Thanh tra Tổng cục Hải quan đã thành lập Đoàn Thanh tra sự việc nêu trên. Đến cuối tháng 9 năm 2003, Đoàn Thanh tra kết luận rằng, việc các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ra các quyết định xử phạt hành chính cũng như bắt DN phải đặt cọc tiền phạt như trên là “chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về hải quan” và yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Lào Cai phải huỷ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DN Hà Vinh, Công ty TNHH Thuận Phát... Căn cứ vào Quyết định nói trên của Đoàn Thanh tra, Hải quan Lào Cai đã làm việc với đại diện Công ty Hà Vinh và Thuận Phát, thông báo sẽ huỷ các quyết định xử phạt hành chính trái pháp luật đã ban hành, đồng thời hoàn lại các khoản tiền phạt mà DN đã nộp. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi có các cuộc gặp gỡ đôi bên, theo đại diện của DN Hà Vinh và Thuận Phát, hiện họ vẫn chưa nhận được quyết định cũng như khoản bồi hoàn tiền phạt mà mình đã nộp.
Chân dung “ông quan” hành DN Trong các đơn khiến nại, tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, đại diện DN Hà Vinh và DN Thuận Phát đều khẳng định, những sách nhiễu, oan trái mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian qua là do không đáp ứng những đòi hỏi tiêu cực của ông Chi cục trưởng Chi cục Hải quan (cửa khẩu) Lào Cai (nay là Phó cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai) Nguyễn Trung Tĩnh. Tuy nhiên, trong các văn bản trả lời DN, cả Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Lào Cai đều cho rằng, DN không có bằng chứng rõ ràng khi đưa ra những cáo buộc nêu trên. Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai lại có những bằng chứng hết sức rõ ràng về việc ông Cục phó Cục Hải quan Lào Cai sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH giả và không trung thực trong việc báo cáo những vi phạm của mình trước tổ chức đảng.
Bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ tỉnh Lào Cai nêu rõ “những sai phạm và việc làm của đồng chí Tĩnh đã vi phạm nghiêm trọng đến tiêu chuẩn, tư cách và phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên”. Cụ thể ông Tĩnh khai bị mất Bằng Tốt nghiệp PTTH nên trong hồ sơ chỉ có Giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH (thay thế Bằng tốt nghiệp) mang số hiệu A 107 071/PTTH do Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Thọ cấp (số 3644, ngày 19.8.2003) và “Công văn số 54/Ttr ngày 15/9/2003 của Thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Phú Thọ xác nhận thí sinh Nguyễn Trung Tĩnh sinh ngày 31/10/1962 đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp PTTH khoá thi ngày 5/6/1981 tại Hội đồng thi Đoan Hùng và được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phú cấp Bằng tốt nghiệp số 472 ngày 1/8/1981”, nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai đi xác minh thực tế tại Trường PTTH Đoan Hùng thì tại sổ đăng bộ của trường năm 1978 – 1979 không có tên học sinh Nguyễn Trung Tĩnh với ngày tháng năm sinh, quê quán như ông Cục phó Hải quan đã báo cáo. Ngoài ra, trong bảng ghi tên, ghi điểm thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp diễn ra ngày 5/6/1981 lưu trữ tại Trường cũng chẳng có tên thí sinh Nguyễn Trung Tĩnh.
Về Giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH mà ông Tĩnh nộp trong hồ sơ khi kiểm tra tại Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Thọ, giấy đó được cấp cho học sinh mang tên Phạm Văn Thành, sinh ngày 29/5/1963 tại Đoan Hùng đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp ngày 5/6/1981. Ngoài ra, cũng không có Công văn 54/Ttr của Thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Thọ xác nhận việc ông Tĩnh trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp PTTH, mà thực chất chỉ có Công văn số 54 của Sở ngày 16/1/2003 với nội dung “triệu tập Hội nghị bồi dưỡng thay sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6”. Những tưởng mọi chuyện đã rõ ràng, nhưng ông Tĩnh đã tiếp tục trình hàng loạt tài liệu giả mạo khác để chứng minh mình đã tốt nghiệp PTTH. Điều này khiến cho đoàn Kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai phải mất thêm nhiều công sức, tiền của và thời gian để điều tra, xác minh trực tiếp tại Trường PTTH Đoan Hùng, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cơ quan Giám định Viện Khoa học hình sự Bộ Công an...
Sau tất cả các cuộc điều tra, xác minh, kết luận cuối cùng vẫn không thay đổi: đó là ông Tĩnh sử dụng không hợp pháp bằng và Giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH. Trong khi kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai còn phát hiện ông Tĩnh mắc hàng loạt các sai phạm khác về quản lý tài chính, gây mất đoàn kết nội bộ kéo dài... Kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai là phải áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nghiêm, thoả đáng đối với ông Tĩnh. Thế nhưng, gần một năm đã trôi qua kể từ khi vụ việc được phanh phui và có kết luận cuối cùng, nhưng ông Tĩnh vẫn đảm đương chức vụ Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai. Về vụ việc này, Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai, ông Đinh Bá An nói rằng, Cục Hải quan Lào Cai chỉ có thể ra quyết định kỷ luật khiển trách ông Tĩnh, còn việc cách chức phải do Tổng cục Hải quan quyết định.
(Theo Đầu Tư)
Về đầu trang
Động thái mới trong nỗ lực chống điện thoại di động nhập lậu
|
|
Điện thoại di động nhập lậu vào VN qua rất nhiều đường. | |
Điện thoại di động (ĐTDĐ) là một trong những mặt hàng có số lượng nhập lậu nhiều nhất tại Việt Nam trong những tháng vừa qua (khoảng 54%). Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, tình trạng nhập lậu rất có thể còn bùng phát vào những tháng cuối năm do nhu cầu của người dân vẫn tiếp tục gia tăng.
Để hạn chế gia tăng hàng nhập lậu, mới đây, Bộ Bưu chính - Viễn thông đã quyết định, kể từ ngày 1/1/2005, tất cả các loại máy ĐTDĐ lưu hành trên thị trường đều phải dán tem hợp chuẩn của Bộ Bưu chính - Viễn thông. Quyết định này, theo đánh giá cơ quan quản lý chất lượng, là giúp cho người tiêu dùng khi mua hàng biết được điện thoại nào đã được chứng nhận hợp chuẩn và điện thoại nào chưa, đồng thời cũng là một trong những giải pháp chống buôn lậu, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh ĐTDĐ lại tỏ ra không mặn mà với việc dán tem, bởi họ cho rằng, việc làm này không những không hạn chế được hàng nhập lậu mà chỉ gây thêm tốn kém, rắc rối. Tiêu chí của người tiêu dùng Việt Nam xưa nay vẫn là càng rẻ càng tốt, nên họ không ngần ngại sử dụng máy điện thoại ngoài luồng, rẻ hơn nhiều máy chính hãng. Còn bản thân các hãng điện thoại lớn tại Việt Nam cũng cho rằng, không cần thiết phải dán tem hợp chuẩn, bởi sản phẩm của họ đã có dán tem chính hãng. Song theo các chuyên gia thị trường, việc dán tem hợp chuẩn cho ĐTDĐ, cũng như cho thuốc lá trước đây, không chỉ để chống hàng giả, mà còn để hạn chế việc nhập lậu, làm thất thoát một nguồn thu thuế lớn của Nhà nước.
Cùng với biện pháp dán tem, mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu các bộ phận, kể cả tấm mạch in đã lắp ráp của ĐTDĐ xuống 5% (trước đây là 10%). Đây thực sự là tin vui đối với các nhà kinh doanh ĐTDĐ. Theo ông Hoàng Nam Tiến, Tổng giám đốc Công ty Phân phối FPT, việc giảm thuế nhập khẩu ĐTDĐ sẽ làm cho tình hình buôn lậu trên thị trường giảm. “Ngày trước, khi thuế nhập khẩu là 15% thì tỷ lệ buôn lậu là 70%, khi thuế giảm xuống 10% thì tỷ lệ buôn lậu chỉ còn 54%, vì vậy, nếu thuế giảm xuống 5%, chắc chắn tình trạng buôn lậu sẽ giảm”, ông Tiến nói.
Còn ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Tiếp thị và Thông tin của Nokia Việt Nam lại cho rằng, hiện nay, ở nhiều nước, hầu hết thuế nhập khẩu ĐTDĐ là 0%, thuế giá trị gia tăng (VAT) là 3%-5%, còn ở Việt Nam, thuế VAT vẫn là 10%, vì vậy vẫn sẽ còn buôn lậu và chủ yếu tập trung vào sản phẩm của các hãng được tiêu thụ nhiều. Bởi thế, tốt nhất là thuế VAT của Việt Nam cũng nên giảm xuống 5%, còn như hiện nay, cả thuế nhập khẩu và thuế VAT là 15,5% vẫn ở mức cao. Ông Nguyên cho biết, ở Thái Lan và Ấn Độ, vốn trước đây cũng nằm trong tình trạng tương tự Việt Nam, nhưng sau khi cắt giảm thuế, tình trạng nhập lậu không những không còn, mà còn tăng nhanh được số lượng thuê bao.
Việc giảm thuế nhập khẩu, xét bề ngoài là Nhà nước không có lợi về thu ngân sách, nhưng thực chất, sẽ mang lại lợi ích tổng thể. Nếu tỷ lệ nhập lậu chính thức hiện nay là 70%, thì sau khi điều chỉnh thuế, sẽ chỉ còn 30%. Nếu làm một phép tính, với số nhân là 1,2 triệu chiếc điện thoại nhập khẩu trong năm 2004, trung bình mỗi chiếc giá 200 USD, thuế nhập khẩu 5%, thì với tỷ lệ nhập khẩu chính hãng là 70%, số thuế Nhà nước thu được lớn hơn hẳn so với trước. Không những thế, việc làm này còn giảm được hàng nhập lậu, khiến thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Và đây rõ ràng là một bài toán “có hậu”.
(Theo Đầu Tư)
Về đầu trang
TP Hồ Chí Minh Tăng cường huy động vốn từ nguồn đất đai
Làm thế nào để TPHCM đảm bảo kế hoạch thu hút vốn đầu tư trong 2 tháng còn lại trong năm, đồng thời “tiêu hóa” hết số vốn ấy một cách hiệu quả? Trong khi có những công trình đang chờ vốn thì cũng có những công trình có vốn lại sử dụng chưa hiệu quả.
Thi công cầu Tân Thuận 2 -một trong những công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm của TPHCM. Ngày 14-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quy chế một cửa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Hơn một tháng trước đó, TP tất bật chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cơ chế một cửa cho nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khi có ý định vào làm ăn tại TP. Từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đến các ngành liên quan liên tục có những cuộc làm việc với Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Cụm cảng hàng không, chuẩn bị thẻ ưu tiên cho những nhà đầu tư. Lực lượng Hải quan còn phải “tập cười” để đón khách, xếp đặt cửa đi riêng cho nhà đầu tư, cụm cảng bố trí cho người vào đón…
Chương trình này là một trong những biện pháp thu hút các nhà đầu tư đến TPHCM, giúp mức huy động vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay tăng khá so với cùng kỳ, đạt 519,5 triệu USD, tăng 30,2%. Trong đó, có 170 dự án mới với tổng vốn 247,8 triệu USD và 108 dự án cũ điều chỉnh tăng vốn.
Tuy nhiên, những điều kiện căn bản để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có gì nổi trội so với các địa phương trong khu vực. Đó là giá thuê đất trong khu vực TPHCM quá cao và quỹ đất chưa sẵn sàng cho nhà đầu tư, chi phí lao động nhiều; các KCX-KCN dù có được quyết định giao đất thì cũng không thể mở rộng diện tích do không đền bù giải tỏa được.
Huy động vốn khó, tiêu được tiền khó hơn Theo kế hoạch, mức huy động vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách của cả năm là 10.000 tỷ đồng và vốn huy động toàn xã hội là 42.000 tỷ đồng. Số vốn huy động toàn xã hội từ đầu năm đến nay đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, khá tốt so với tình hình chung.
Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư có nguồn gốc ngân sách hiện nay còn thấp, mà theo báo cáo của Sở Tài chính, đến nay mới được hơn 7.000 tỷ đồng. Ngoài việc như bán nhà xưởng, phát hành trái phiếu, vay của các nguồn chính phủ… nguồn vốn TP hy vọng nhiều nhất là bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Sở Tài chính, do TP đang thiếu các nhà đầu tư bất động sản có tầm cỡ nên nhiều lô đất lớn khi đưa ra bán đấu giá không tìm được người mua mặc dù phải hạ giá nhiều lần. Lô đất lớn tại số 39 Lê Duẩn, hiện đang khó giải tỏa vì liên quan đến cả ngàn lao động và hàng trăm doanh nghiệp có cửa hàng kinh doanh nơi đây. Chưa kể, một số doanh nghiệp là liên doanh nên cần có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn có nguồn gốc ngân sách trong xây dựng cơ bản đến nay cũng mới được 4.385 tỷ đồng, chỉ đạt 55,4% tỷ lệ vốn đã giao. Điều này chứng tỏ vẫn có sự lúng túng trong sử dụng đồng vốn. Nhiều dự án trọng điểm đang triển khai rất chậm, chưa thể khởi công như dự kiến.
Theo ông Hà Văn Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, do dự án cầu Thủ Thiêm không thể hoàn thành việc đền bù giải tỏa, gây khó khăn cho việc làm đường vào cầu, nên không thể khởi công như kế hoạch đã đề ra vào cuối năm nay. Các dự án chống ngập từ vốn ODA cũng gặp khó khăn trong đấu thầu vì giá quá cao, hơn dự toán tới 20%, nên buộc phải hủy thầu.
Ngoài ra, một số dự án triển khai chậm hoặc ngưng triển khai đang làm lãng phí rất lớn nguồn ngân sách như dự án đường Đông-Tây đã đền bù được 70%, nhưng chưa thể khởi công do vướng đấu thầu; dự án đường song hành Hà Nội tạm ngưng từ giữa tháng 6-2003 do thay đổi chủ đầu tư và thiết kế.
Thực tế công tác đền bù giải tỏa hiện nay đang rất khó khăn. Trong dự án cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm có 52 căn nhà cần được giải tỏa; đến nay, sau 6 tháng đàm phán, vẫn chưa giải tỏa được căn nào. Còn Khu Công nghệ cao TP, dự định giải tỏa một lần trong năm nay, TP đã vay của Chính phủ 500 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch này, nhưng đến nay tiến độ giải tỏa rất chậm, phần đất được đền bù không thể đầu tư hạ tầng đồng bộ do giải tỏa “da beo”. Ông Dũng còn cho rằng tiến độ triển khai các dự án chậm là do công tác tư vấn quá yếu kém, nhiều dự án tư vấn tính toán sai nên cuối cùng dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch, khiến vốn ùn tắc…
Tập trung vốn cho đền bù giải tỏa Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải cho rằng, TP cần thúc đẩy nhanh các biện pháp để thu hút đầu tư và thực hiện cơ chế phân cấp trong bán đấu giá đất đối với các quận huyện để thúc đẩy huy động vốn từ nguồn đất đai. Đồng thời, cần thực hiện tốt hơn việc phát hành trái phiếu nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng. Để sử dụng hết tiền theo kế hoạch, ông cho rằng nên tập trung vào công tác đền bù, giải tỏa. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm chuẩn bị mặt bằng cho các công trình xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, giúp giảm giá thành nhiều công trình xây dựng sẽ triển khai mạnh trong năm tới.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Đột phá vào thị trường Na Uy
Dầu khí là một lĩnh vực có cơ hội rất lớn để hai nước hợp tác. Ngày hội Doanh nghiệp Na Uy - Việt Nam đã diễn ra sáng nay (2.11) với sự tham gia của 130 đại diện doanh nghiệp Na Uy và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại lớn nhất từ trước tới nay của Na Uy. Ngày hội doanh nghiệp được tổ chức nhân chuyến thăm cao cấp của hoàng gia nước này tới Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam đã phát triển qua nhiều thập kỷ nhưng quan hệ thương mại rất thấp. Năm 2003, kim ngạch thương mại hai chiều mới vào khoảng 28 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Na Uy đạt 17 triệu USD trong khi tổng giá trị xuất nhập khẩu của nước này lên tới 120 tỷ USD.
Các hoạt động của Na Uy chủ yếu trong lĩnh vực hỗ trợ vốn ODA, hỗ trợ các dự án nghiên cứu, thăm dò tài nguyên và đào tạo công nghệ, chỉ một vài tập đoàn lớn của nước này đầu tư "thăm dò" tại thị trường Việt Nam trong một số lĩnh vực như phân bón, sơn, hợp tác dầu khí.... Một quốc gia có tiềm lực rất lớn về công nghệ, đặc biệt là công nghệ dầu khí, hàng hải, công nghệ chế biến..., có mối quan hệ hợp tác bền vững từ lâu mà hoạt động thương mại lại chưa xứng với tiềm năng hai nước là một câu hỏi lớn.
"Khả năng hợp tác giữa hai nước rất đa dạng. Na Uy đã giúp Việt Nam rất nhiều trong công tác thăm dò, khảo sát nguồn lực và tiềm năng của Việt Nam như thế nào các bạn đã biết rõ", Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định với các doanh nghiệp Na Uy.
Bộ trưởng cũng thông báo chi tiết về cuộc họp với người đồng nhiệm Na Uy ngày hôm qua (1.11) về những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới. Đó là các lĩnh vực dầu khí, hàng hải, thủy sản, thủy điện, công nghệ chế biến.
Về môi trường đầu tư, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định Việt Nam đang hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng với việc hoàn chỉnh nhiều bộ luật cơ bản theo tiêu chuẩn của WTO.
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp luôn có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Na Uy vì hầu hết các tập đoàn Nauy đều có tầm vóc toàn cầu. "Dân số Na Uy chỉ chiếm 0,1% dân số thế giới, nhưng chúng tôi chiếm tới 1% thương mại toàn cầu", ông Brende, Bộ Trưởng Bộ Công thương Na Uy cho biết.
Việt Nam và Na Uy cũng đã ký nhiều văn bản hợp tác quan trọng như Hiệp định chống đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế, Hiệp định về các điều khoản chung cho hợp tác phát triển, Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại song phương... Na Uy cũng đã bỏ hạn ngạch dệt may đối với Việt Nam. Đây là thuận lợi lớn cho hàng dệt may Việt Nam thâm nhập thị trường nước này và Bắc Âu nói chung.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam là thị trường Na Uy là một thị trường cao cấp và khó tính. Hàng hóa Việt Nam không chỉ phải đạt chất lượng, mẫu mã phù hợp mà còn phải cạnh tranh mạnh với hàng Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác.
(Theo TBKTVN)
Về đầu trang |