Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 30/10
09:02' 30/10/2004 (GMT+7)

1.Còn đau đầu với giá vàng?

2.Xuất khẩu bàn sang Mỹ

3.Thị trường ô tô “cháy” hàng

4.Giá cả cuối năm: Thép ổn định,xăng dầu và phân bón sẽ tăng

5.Nông nghiệp ngoại thành: Cây bắp lai rơi vào thế lúng túng

Còn đau đầu với giá vàng?

Soạn: AM 183177 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Nguyễn Gia Định - Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank).

Giá vàng nhảy vọt, vượt qua mức 800.000 đồng/chỉ. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: có nên đầu tư vào vàng, dùng vàng để định giá tài sản? Tuổi Trẻ đã tìm câu trả lời từ ông Nguyễn Gia Định - tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank).

Eximbank là đơn vị đang phát triển mạnh hoạt động nhập khẩu và kinh doanh vàng.

- Nhiều người cho rằng vàng tăng giá, đầu tư vào vàng lãi lớn, theo ông đúng ở mức độ nào?

- Giá vàng như cọng dây thun có lúc thật căng nhưng cũng có lúc chùng lại. Do vậy nhận định trên chỉ đúng một phần. Trong ba năm qua giá vàng tăng khoảng 60% nhưng là một quá trình có lên có xuống. Nếu xét trong dài hạn thì người dùng vàng làm thước đo giá trị tài sản hoặc đầu tư vào vàng đã có lợi. Nhưng ngắn hạn hơn thì chưa hẳn thế.

Một số công ty vàng và ngân hàng thương mại cho biết nhiều công ty vàng có tiếng của thế giới đang bàn bạc để đưa vào tiêu thụ tại VN vàng mang thương hiệu có tiếng trên thế giới để tăng giá trị lưu hành của miếng vàng người dân sở hữu.

Các loại vàng này đẹp về mẫu mã, đa dạng về trọng lượng, thuận tiện cho cất giữ, thanh toán. Xu hướng thị trường vàng sẽ có nhiều thương hiệu, cạnh tranh hơn về giá (cả giá mua và giá bán) có lợi cho người mua.

Nếu mua vàng trước năm 2000, bán vàng năm 2004 thì lãi trên 50%. Mua vàng tháng 2-2004, bán vàng tháng 8-2004 thì lỗ 5%. Mua vàng tháng 8-2004, bán vàng tháng 10-2004 thì lãi 5%. Thực tế không ít người kinh doanh vàng đã lỗ nặng khi giá vàng giảm trong thời gian từ tháng bảy đến tháng 9-2004. Tương tự, người mua bán nhà cũng có thể lãi lớn nhưng cũng có trường hợp hòa vốn, thậm chí lỗ.

Tuy nhiên, do vàng không còn chi phối hoạt động kinh tế vì thế nếu giữ vàng để chờ giá lên thì sẽ mất rất nhiều cơ hội kinh doanh, bỏ qua nhiều khả năng sinh lợi cho đồng vốn. Thực tế, nhiều người đã chuyển vàng qua VND để đưa vào sản xuất kinh doanh và vẫn có lãi cao.

- Có nên dùng vàng làm thước đo giá trị cho các tài sản lớn như nhà?

- Nhìn ở góc độ kinh tế thì dùng vàng để định giá các tài sản lớn như bất động sản là chưa hợp lý vì giá quá biến động. Một căn nhà trị giá 100 lượng vàng, thời điểm tháng 4-2004 tương đương trên 800 triệu đồng, đến tháng 8-2004 chỉ còn 760 triệu đồng, coi như mất giá 6%. Nhưng đến tháng 10-2004 được giá trở lại, gần 820 triệu đồng.

Mức biến động của giá vàng rất lớn, tăng giảm vài phần trăm/tuần khiến giá trị bất động sản cũng tăng giảm tương ứng. Nhưng có nên tiếp tục dùng vàng để định giá nhà ở thì tùy thuộc tâm lý, thị hiếu và thói quen của thị trường. Cả người bán và người mua đã quen dùng vàng để định giá cũng như quen với các biến động của giá vàng. Do vậy không dễ dàng để thị trường chuyển sang dùng VND hay USD để định giá tài sản. Nhưng thị trường đã có điều chỉnh.

Giá vàng càng cao khiến tài sản được định giá bằng vàng trở nên đắt đỏ, có lợi cho người bán nhưng bất lợi cho người mua. Các giao dịch sẽ bị ngưng trệ. Thị trường bất động sản chậm lại một phần cũng do giá vàng tăng quá cao.

Đất và nhà ở các dự án mới đã được định giá bằng VND và USD. VND đã khẳng định được tính ổn định của nó khi tỉ giá VND/ USD các năm trước luôn ở dưới một con số và năm 2004 khả năng chưa tới một con số, dưới 1%/năm. Xét ở góc độ nào đó dùng VND để định giá nhà đất cũng đáp ứng được yêu cầu bảo toàn giá trị tài sản.

Một số công ty vàng và ngân hàng thương mại cho biết nhiều công ty vàng có tiếng của thế giới đang bàn bạc để đưa vào tiêu thụ tại VN vàng mang thương hiệu có tiếng trên thế giới để tăng giá trị lưu hành của miếng vàng người dân sở hữu.

Các loại vàng này đẹp về mẫu mã, đa dạng về trọng lượng, thuận tiện cho cất giữ, thanh toán. Xu hướng thị trường vàng sẽ có nhiều thương hiệu, cạnh tranh hơn về giá (cả giá mua và giá bán) có lợi cho người mua.

- Mức trên 8 triệu đồng/lượng đã là “ngưỡng” của giá vàng?

- Nhìn chung, trên thị trường thế giới, vàng không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng nó vẫn được chú ý đến khi có các sự cố. Các nhà đầu tư chọn vàng khi các đồng tiền mạnh có vấn đề kèm theo hàng loạt yếu tố như biến cố chính trị (khủng bố, chiến tranh…), bất ổn về năng lượng (giá dầu tăng), thiên tai... Do vậy giá vàng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự ổn định chính trị và sức khỏe của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật...

Hiện nay trên thị trường thế giới người ta đề cập nhiều đến mức cản mới mà giá vàng có thể đạt đến. Nhưng điều đó không có nghĩa là giá vàng cứ lên mãi. Còn ở trong nước, đã thành qui luật, khi giá thế giới vọt trên 420 USD/ounce thì giá trong nước luôn thấp hơn giá thế giới. Về ngắn hạn chưa có khả năng giá vàng giảm nhiều vì hai nguyên nhân: vào dịp mua sắm cuối năm; các biến cố về giá dầu, khủng bố, chiến tranh Iraq, bạo lực ở Trung Đông là những vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

- Vì sao có thời điểm giá vàng trong nước lại cao hơn giá thế giới?

- Vàng đang tiêu thụ trong nước là vàng miếng mang thương hiệu của một số công ty như SJC, PNJ... được sản xuất từ vàng hạt, vàng thỏi nhập khẩu. Giá vàng trong nước gồm: giá vàng thế giới cộng với thuế nhập khẩu, phí gia công. Thông thường giá trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 5.000 đồng/chỉ là hợp lý. Tuy nhiên, thị trường chỉ chuộng vàng thương hiệu SJC.

Như thời điểm tháng tư và 5-2004 nhu cầu vàng SJC tăng vọt khiến giá vàng SJC bị đẩy lên cao hơn 20.000 đồng/chỉ so với giá vàng thế giới. Thực tế khi đó các đơn vị kinh doanh vàng có thể chọn đơn vị khác để gia công vàng miếng nhưng khó tiêu thụ vì thị trường chỉ chấp nhận vàng SJC. Một vài đơn vị có sản xuất vàng miếng thương hiệu khác cũng muốn đẩy mạnh bán vàng của mình bằng cách bán theo sát giá thế giới, tức thấp hơn giá bán của SJC.

Tuy nhiên chưa đơn vị nào thực hiện vì các lý do: thứ nhất, người tiêu dùng cho rằng giá thấp là do có vấn đề về chất lượng, không mấy người hiểu rằng nguyên nhân là do có khác nhau về chi phí phải trả cho thương hiệu được ưa chuộng; thứ hai, người đã mua vàng của công ty đó sẽ bị thiệt khi giá vàng thấp hơn mặt bằng giá chung... Xem ra vẫn chưa tìm được hướng giải quyết vấn đề này.

- Vậy có nên cho lưu hành những thương hiệu vàng của thế giới, cả vàng tiêu chuẩn quốc tế (TCQT) để người tiêu dùng lựa chọn?

- Vàng TCQT là loại vàng do một số nhà sản xuất trên thế giới được Hiệp hội Vàng thế giới công nhận và có tính thanh khoản rất cao, dễ được chấp nhận trên thị trường thế giới. Chưa có thương hiệu vàng của VN trong danh sách này. Theo qui định hiện hành, vàng TCQT được xem là ngoại hối nên được quản lý tương tự như ngoại tệ. Giới kinh doanh vàng cho rằng nên cho lưu thông loại vàng TCQT để người dân có nhiều lựa chọn.

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang xem xét để điều chỉnh lại nghị định 64 về vàng, trong đó có cả qui định về các loại vàng được được phép lưu thông. Một lượng lớn tài sản của dân là dưới dạng vàng, vì vậy khi hội nhập chúng ta cũng phải tính đến yếu tố này.

 
Diễn biến giá vàng 10 tháng đầu năm 2004

 

 

Giá trong nước

Giá thế giới

Tháng 1
Tháng 2
Tháng 3
Tháng 4
Tháng 5
Tháng 6
Tháng 7
Tháng 8
Tháng 9
Tháng 10
      25-10-2004    

    792.000 đồng/chỉ   
780.000 đồng/chỉ
784.000 đồng/chỉ
807.000 đồng/chỉ
780.000 đồng/chỉ
767.000 đồng/chỉ
759.000 đồng/chỉ
759.000 đồng/chỉ
777.000 đồng/chỉ
796.000 đồng/chỉ
814.000 đồng/chỉ

    785.000 đồng/chỉ   
764.000 đồng/chỉ
760.000 đồng/chỉ
808.000 đồng/chỉ
735.000 đồng/chỉ
754.000 đồng/chỉ
750.000 đồng/chỉ
747.000 đồng/chỉ
781.000 đồng/chỉ
797.000 đồng/chỉ
816.000 đồng/chỉ

 

(*) Giá thế giới chưa tính thuế nhập khẩu và phí gia công
 

 

(Theo TT)

Về đầu trang 

Xuất khẩu bàn sang Mỹ

Công đoạn gò giũa chân bàn - Ảnh: T.V.N. TT - Ông Trần Đăng Luật, phó giám đốc Nhà máy tinh chế đồ gỗ xuất khẩu Satimex, cho biết chuẩn bị xuất sang Mỹ 6.000 bàn bằng gỗ thông, trị giá khoảng 300.000 USD.

Soạn: AM 183179 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Đây là hợp đồng ký được sau khi dây chuyền sản xuất đồ mộc đồng bộ, từ tạo dáng đến sơn và lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm được nhập từ Nhật, trị giá 11 tỉ đồng đi vào hoạt động.

Theo ông Luật, hiện giá một số nguyên liệu để sản xuất như sơn, keo, gỗ nguyên liệu... bình quân tăng 15-30%, trong đó sơn tăng mạnh nhất. "Dù giá nguyên liệu tăng cao như vậy nhưng Trung Quốc vẫn chào giá rất thấp nên đành phải giữ hợp đồng dù không có lời nhiều nếu không muốn mất khách" - ông Luật nói.

(Theo TT)

 

Về đầu trang 

Thị trường ô tô “cháy” hàng

Đầu tiên có lẽ phải kể đến các sản phẩm của hãng Toyota. Anh Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ quản lý nhân sự cho một công ty nước ngoài có trụ sở ở tòa nhà 44B Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết: "Cách đây gần một tháng đã lùng khắp các đại lý của Toyota ở Hà Nội để mua một chiếc Camry nhưng không một cửa hàng nào có".

Còn hiện nay, với những loại xe thông dụng như Camry, Vios, Altis, nếu có nhu cầu, không còn cách nào khác là khách hàng phải đợi đến đầu năm 2005 mới có xe.

Soạn: AM 183181 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Xe của các hãng Ford, GM Daewoo, Mitsubishi... cũng đang hút hàng. Các loại xe khác như Matiz đời mới, Magnus, nếu mua thì khách phải đặt tiền trước và nhanh nhất cũng phải một tháng nữa mới có xe giao. Anh Lưu Văn Nam, tư vấn bán hàng của Công ty cổ phần Ford Thăng Long (105 Láng Hạ) cho biết, gần đây lượng khách đến đại lý này đặt mua xe tăng lên rất nhanh. Với xe Ford Transit, bây giờ nếu có nhu cầu cũng không còn. Phải đến đầu năm 2005, đại lý mới có loại xe này bán tiếp.

Loại xe đang ''cháy'' hàng. (ảnh: L.Q.P) Tuy "cháy" hàng nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, các đại lý vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh mức giá bán của nhà sản xuất, chưa xuất hiện tình trạng người mua bị "làm giá". Theo các nhà sản xuất, có ba nguyên nhân chính khiến thị trường ô tô "nóng" lên: Kể từ tháng 7/2004, Chính phủ đã quyết định tăng mức ngân sách cho phép đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp khi trang bị ô tô; Theo quy luật nhiều năm, đây cũng là thời điểm có sức mua tăng hơn so với những tháng đầu năm; Nguyên nhân chủ yếu nhất khiến thị trường ô tô "nóng" lên là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Kể từ đầu năm 2005, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ tăng từ 24% như hiện nay lên 40%.

Theo dự báo của các chuyên gia thị trường, từ nay đến cuối năm sức mua đối với mặt hàng ô tô sẽ còn tiếp tục tăng.

(Theo TN)

 

Về đầu trang 

Giá cả cuối năm: Thép ổn định,xăng dầu và phân bón sẽ tăng

Theo tin từ Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong tuần cuối tháng 10, giá dầu thô thế giới tiếp tục lập kỷ lục mới với mức giá 55,5 USD/thùng. Dự báo giá dầu thô thế giới tháng 11 cũng sẽ tiếp tục đứng ở mức trên 50 USD/thùng do nguồn cung dầu tại khu vực ở Trung Đông luôn bị đe dọa gián đoạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong mùa đông tới. 

Soạn: AM 183183 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ở trong nước, tuy thị trường xăng dầu vẫn ổn định cả về nguồn cung và giá bán nhưng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang gặp nhiều khó khăn vì tất cả các mặt hàng xăng, dầu đang lỗ ở mức cao.

Do tác động của giá dầu thô, giá phân urê thế giới cũng tăng đến 265 - 270 USD/tấn trong nửa cuối tháng 10. Dự kiến, trong tháng 11 sẽ tiếp tục tăng thêm 5 - 10 USD/tấn do nhu cầu nhập khẩu urê của thế giới tiếp tục tăng. Vì vậy, việc triển khai ký hợp đồng nhập khẩu cũng như tiến độ nhập khẩu urê phục vụ sản xuất đông-xuân 2004 - 2005 của các doanh nghiệp đang chững lại.

Dưới tác động của giá thế giới, giá urê trong nước trong tháng 11 tới dự kiến cũng sẽ tăng 50 – 100 đồng/kg. Tổ Điều hành cũng đề nghị Bộ Tài chính tạm thời không thu thuế VAT đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Cũng theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường nội địa hiện đã giảm 100 – 200 đồng/kg so với cuối tháng 9 (7.600 – 7.700 đồng/kg tại miền Bắc, 7.500 – 7.800 đồng/kg tại miền Nam).

Hiện nay, lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam đạt khoảng 220.000 tấn, phôi thép khoảng 240.000 tấn. Với lượng tồn kho trên và lượng sản xuất theo tiến độ, nhu cầu tiêu thụ thép từ nay đến cuối năm được đảm bảo; dự báo giá thép trong tháng 11 sẽ ổn định.

(Theo SGGP)

Về đầu trang 

Nông nghiệp ngoại thành: Cây bắp lai rơi vào thế lúng túng

Hơn 7 năm cắm rễ ở các xã vùng cánh Bắc huyện Củ Chi, cây bắp lai của Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (CPGCTMN) và Công ty TNHH CP (Thái Lan) được nông dân nơi đây gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”, cây “triệu phú”… Ở thời điểm đó cây bắp lai được xem là bước đột phá về mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông. Nhưng giờ đây mối liên kết này đang bị… lung lay. Bởi nông dân không còn mặn mà với cây bắp lai vì giá mua không còn hấp dẫn.

Khi cây bắp bị… chối từ

Soạn: AM 183185 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp Nguyễn Văn Đẹp cho biết: “Nhận hợp đồng khoán của Công ty CPGCTMN với hơn 160ha cho vụ đông-xuân tới, nhưng suốt mấy tuần nay, cất công đến từng hộ nông dân chỉ vận động đăng ký trồng được hơn chục hécta. Trái ngược với ba, bốn năm trước, cứ đến những ngày này bà con nông dân tự tìm đến chúng tôi để được đăng ký trồng bắp, đông đến nỗi hộ trồng nhiều phải chia bớt cho hộ ít…”.

Tình trạng này xem ra cũng chẳng khá hơn mùa vụ trước khi xã Phước Hiệp đăng ký hợp đồng trồng 160ha nhưng nông dân chỉ trồng tròm trèm 100ha, chưa kể hàng chục hộ trồng bắp lai càng bám theo càng lỗ nặng.

Cũng trong tâm trạng thấp thỏm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thạnh, ông Nguyễn Văn Huệ, lo lắng: “Phước Thạnh là nơi có diện tích trồng bắp lai giống lớn nhất trong 4 xã hợp đồng với Công ty CPGCTMN. Năm nay xã đăng ký hợp đồng hơn 250ha, nhưng đến giờ này chỉ lác đác vài hộ đến đăng ký”.

7 năm: giá mua không đổi

Ông Ba Cuộc (Lê Văn Cuộc) ngụ xã Phước Hiệp đưa tay chỉ về cánh đồng với hệ thống điện, đường, kênh mương đan ngang, cắt dọc, tiếc rẻ: “Ở đây mọi thứ đều được nâng cấp phục vụ cho việc tưới tiêu để sản xuất nông nghiệp. Người nông dân trên vùng đất thép này cảm thấy tiếc khi quyết định từ chối hợp đồng trồng bắp với công ty."

Ông Cuộc so sánh: hồi mới trồng, 1kg bắp mua được 3kg phân bón, giờ 1,5kg bắp chỉ đổi được 1kg phân bón. Giá bắp không theo kịp với giá phân bón, vật tư, thuốc trừ sâu, cánh nông dân đành chịu bó tay.

Ông Đẹp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp, cho biết thêm: “7 năm trước, giá mỗi bao DAP hay urê giá chỉ 70.000đ-75.000đ (trọng lượng 50kg). Nay giá mỗi bao tăng hơn 3 lần (220.000đ-250.000đ) và vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại. Trong khi đó, giá mua bắp của công ty 7 năm qua vẫn chỉ là 3.100đ/kg. "

Ông Bảy Chiêu ở Phước Thạnh, một dạo được người dân trong xã tôn là “vua trồng bắp” giờ cũng lắc đầu chào thua: “Những năm trước nhờ đất còn “mới” nên dù bón ít phân cũng được hơn 6 tấn/ha. Hai năm nay, đất bị chai, đầu tư nhiều hơn, nhưng năng suất chỉ hơn 5 tấn/ha. Đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu đúng liều lượng, trước đây chỉ tốn khoảng 6 triệu đồng/ha, nay phải 12 đến 14 triệu đồng/ha, sau 3,5 tháng thu hoạch chỉ bán được khoảng 15 triệu đồng." Và ông nói rằng: "Nếu vẫn cứ áp dụng theo giá mua cũ thì không sớm thì muộn nông dân tụi tui sẽ phải bỏ nghề trồng bắp thôi…”.

Giữa tháng 9-2004 vừa qua, Công ty CPGCTMN tổ chức họp mặt nông dân để triển khai vụ bắp đông-xuân 2004-2005. Công ty hứa sẽ tăng giá thu mua thêm 100đ-150đ/kg. Nhưng giá này không khuyến khích được người nông dân quay lại với cây bắp.

(Theo SGGP)

 

Về đầu trang 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Một số thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 29/10 (29/10/2004)
Một số tin kinh tế trên các báo ra ngày 28/10 (28/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 27/10 (27/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ra ngày 26/10 (26/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 25/10 (25/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 23/10 (23/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 22/10 (22/10/2004)
Một số tin kinh tế trên các báo ra ngày 21/10 (21/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 20/10 (20/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 19/10 (19/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 18/10 (18/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 16/10 (16/10/2004)
Một số tin kinh tế trên các báo ra ngày 15/10 (15/10/2004)
Một số thông tin kinh tế trên các báo ngày 14/10 (14/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang