1.An Giang: Đã tới hồi kết cho nghề nuôi cá bè
2.Thị trường Tết Ất Dậu: Hàng hóa phong phú, giá cạnh tranh
3.Những con đường đắt giá nhất thế giới
4.Hệ thống phân phối Việt Nam: Không thể thiếu khâu trung gian
5.Hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng: Công chức mệt, DN mừng?
An Giang: Đã tới hồi kết cho nghề nuôi cá bè
Nghề nuôi cá bè ở An Giang hình thành vào năm 1968 do những Việt kiều ở Campuchia du nhập vào. Vào năm 1974, tại Châu Đốc tập trung 7.250 bè vớI sản lượng khoảng 42.000 tấn, bình quân 6 tấn/bè. Năm 1983, lần đầu tiên cá ba sa nuôi bè được xuất khẩu sang Australia, Hồng Kông, Singgapore. Năm 1993, lần đầu tiên An Giang xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, chế biến cá ba sa nuôi bè và xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ... Năm 1993-1996, là thời gian nghề nuôi cá bè ở An Giang hưng thịnh nhất: Số lượng bè tăng từ 1.469 (1993) lên 2.503 (1996). Sản lượng cá bè tăng vọt từ 17.000 tấn lên 27.419 tấn. Ở Châu Đốc có bè đạt sản lượng 200 tấn.
Năm 1997 đến nay, do mất cân đối cung-cầu làng cá bè lận đận. Số lượng bè còn khoảng 3.000 cái, sản lượng khoảng 40.000 tấn. Trước đây, cá nuôi bè chủ yếu là ba sa (pangasius bocourti), được khai thác trong tự nhiên. Từ năm 1991, An Giang bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tra, ba sa. Chúng ta hãy nghe ý kiến một số người trong cuộc:
Ông Nguyễn Hữu Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá VN: Đã đến lúc kết thúc làng nghề cá bè.
Tiêu tốn nhiều thức ăn hơn bình quân khoảng 0,5kg, tốc độ tăng trọng dài hơn 1-2 tháng, giá thành cao hơn khoảng 1,5- 2 ngàn đồng, nhưng giá bán lại rẻ hơn bình quân 1,5-2 ngàn đồng/kg.... là những yếu tố cho thấy, đã đến lúc làng nghề nuôi cá trong hầm thay thế vai trò lịch sử của làng bè. Đó là chưa kể đến lợi thế mà loại hình nuôi hầm cá ăn đứt việc nuôi bằng bè. Hiện nay nhiều tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng... cũng đã bắt tay vào nuôi hầm vớI quy mô lớn. Điều này cho thấy sự cạnh tranh về giá là rất lớn trong những năm tới, hay nói cách khác cánh cửa để cá bè tồn tại đã dần dần khép lại.
Ông Bửu Huy - Phó Giám đốc Cty Afiex: "Chuộng cá nuôi hầm hơn cá bè".
Sau khi xử lý được nguồn nước và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, thay cho công nghệ nuôi hầm nước tù và chủ yếu được nuôi sống bằng "phân", cá nuôi hầm cho thịt trắng, điều kiện hàng đầu để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu quyết định mua. Tuy chất lượng mùi chưa bằng cá nuôi bè, nhưng đó chỉ là phần phụ, bởi cá nuôi hầm được nuôi thoáng rộng nên hàm lượng mỡ thấp, tỉ lệ phi lê cao, bình quân 2,6-2,8kg cá thịt cho 1kg phi lê, trong khi đó với cá bè là 3,0-3,2kg. Mặt khác, do hầm hứng được nhiều ánh sáng trời... nên rất ít sử dụng thuốc phòng trị so với cá bè nên chúng tôi rất an tâm khi đưa sản phẩm cá nuôi hầm qua hàng rào kiểm tra chất lượng của các nước nhập khẩu.
(Theo Lao Động)
Về đầu trang
Thị trường Tết Ất Dậu: Hàng hóa phong phú, giá cạnh tranh
|
Mua sắm hàng Tết ở siêu thị |
Các hệ thống siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Bước vào mùa mua sắm cuối năm, hệ thống các siêu thị tại TP HCM với thế mạnh về mạng lưới điểm bán và uy tín đối với người tiêu dùng, đã chuẩn bị từ rất sớm kế hoạch cho mùa vụ kinh doanh này.
Lo Tết cho người Hà Nội đang sinh sống tại TP HCM và người yêu thích món ăn miền Bắc, có siêu thị Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hải, Giám đốc Siêu thị Hà Nội cho biết, dự trù kế hoạch doanh số bán tết trong năm nay của siêu thị Hà Nội lên đến 12 tỷ đồng, gấp đôi tết năm ngoái.
Năm nay, do mở thêm một siêu thị mới (36A Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận), nguồn hàng chuẩn bị tăng hơn 30%-50%. Để có giá cạnh tranh đối với một số mặt hàng thường tăng vọt vào dịp tết, Siêu thị Hà Nội đã phải ứng vốn, đặt cọc 50% cho các cơ sở sản xuất giò chả, bánh chưng ngay từ đầu tháng 9 Âm lịch.
Riêng đối với một số thực phẩm đặc sản Hà Nội (rượu vang Thăng Long, rượu cần Hòa Bình, bánh đậu xanh Hải Dương, nếp cái hoa vàng,…) siêu thị đã ứng trước 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để có thêm hàng gia dụng, siêu thị Hà Nội còn có nguồn hàng “tự sản tự tiêu” từ nhà máy sản xuất hàng điện, điện tử ở Long Thành. Khi nhà máy đi vào hoạt động vào tháng 11/2004, với công suất trên 2.000 sản phẩm/ngày, đợt đầu, các siêu thị Hà Nội có thêm 6 mặt hàng “made in Việt Nam”, chất lượng tương đương hàng cùng loại của Hàn Quốc, nhưng có giá rẻ hơn nhiều. Đó là: lẩu điện, chảo không dính, nồi cơm điện, ca nấu nước, bình thủy và bàn ủi điện.
Với hệ thống 16 siêu thị lớn nhỏ trên cả nước, VinatexMart đã chuẩn bị một khối lượng hàng trị giá khoảng 50 tỷ đồng tham gia thị trường Tết Ất Dậu sắp tới.
Công ty May Việt Tiến đã cung cấp 5 tỷ đồng riêng cho mặt hàng áo sơ mi với chất liệu vải mới nhất. Với tiết trời se lạnh cuối năm, các VinatexMart phía Bắc được tăng cường những mẫu thời trang thu - đông với giá bình quân từ 50.000đ đến 200.000đ/áo hoặc bộ. Hệ thống VinatexMart có 5 siêu thị được mở tại các trường cai nghiện của lực lượng Thanh niên xung phong, mỗi siêu thị phục vụ từ 2.000 đến 2.500 học viên.
Tận dụng và phát huy thế mạnh của mình để thu hút khách là “chiêu” không mới, song mỗi hệ thống siêu thị đều có cách riêng. Hệ thống các siêu thị CitiMart chọn mặt hàng chocolate làm mặt hàng chủ lực trong gói quà tặng trong dịp tết năm nay. Hệ thống siêu thị MaxiMark chọn cách thu hút khách qua chương trình “Hóa đơn kỳ diệu”, giúp khách mua hàng tết tại siêu thị có cơ hội trúng nhiều phần thưởng bất ngờ và có giá trị. Hiện MaxiMart đã bắt đầu nhận được đơn đặt hàng quà tặng tết cho công nhân viên của nhiều cơ quan, xí nghiệp.
Riêng 2 MaxiMark đường Cộng Hòa và MaxiMark đường 3 Tháng 2 nhận gói trên 20.000 phần quà (từ 50.000đ đến trên 1.000.000đ/gói). Ban Giám đốc MaxiMark cũng đã ký hợp đồng với các trang trại ở miền Tây như Phước Hữu, Hoàng Gia, cũng như các vườn cây ăn trái ở Cái Bè, Vĩnh Long để bao tiêu hơn 20 tấn trái cây các loại, cung ứng cho nhu cầu chưng, cúng trái cây tăng vọt vào ngày tết.
(Theo SGGP)
Về đầu trang
Những con đường đắt giá nhất thế giới
|
Một khu mua sắm ở New York |
Fifth Avenue (New York) vừa được bình chọn là phố mua sắm đắt nhất thế giới. Chính vì vậy, giá thuê trung bình ở Fifth Avenue rất cao: 10.226 USD (5,680 bảng Anh)/1m2/năm.
Champs Elysees (Paris) là con đường có giá thuê đắt nhất của châu Âu, xếp sau đó là 4 con đường khác ở London: Oxford Street (3,090 bảng), Bond Street (3,036 bảng), Covent Garden (2,848 bảng) và Brompton Road
Bên cạnh London, Northumberland Street (Newcastle) là phố mua sắm đắt kế tiếp với giá thuê hàng năm 1742 bảng/1m2. Xếp tiếp theo đó là High Street (Birmingham), Commercial Street (Leed), Market Square (Manchester), Princes Street (Edinburgh), Buchanan Street (Glasgow). Những người bán hàng trên đường Grafton (Dublin) đã trả tiền thuê cao hơn bất cứ nơi nào ở Đức, Úc hay Nhật.
Nhưng trong số những con đường đắt giá này thì Fifth Avenue vẫn giữ ngôi vị đắt nhất thế giới. Ở châu Âu, chỗ cho thuê trên đường Bond (London) được cho là có giá tăng cao nhất, tăng từ hạng 6 lên tới hạng 3. Nó còn được cho là nơi bán những mặc hàng xa xỉ nhất châu Âu.
(Theo BBC)
Về đầu trang
Hệ thống phân phối Việt Nam: Không thể thiếu khâu trung gian
|
Siêu thị là một trong những kênh phân phối hàng hóa lớn. |
Mỗi khi có biến động giá cả trên thị trường, "thủ phạm" thường dễ bị buộc tội nhất là hệ thống phân phối. Người ta cho rằng việc nhà sản xuất phải tổ chức phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian đã làm giá hàng hóa bị đội lên rất cao khi đến tay người tiêu dùng. Nhưng theo ý kiến một số nhà sản xuất, cách nhìn nhận như vậy có phần phiến diện…
Lý lẽ của tầng nấc trung gian
Việc cung cấp sản phẩm qua hệ thống nhà phân phối cấp 1, rồi cấp 2, cấp 3 cho đến nhà bán lẻ hiện là mô hình phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, nhất là hàng hóa tiêu dùng. Lý do tồn tại của mô hình này, theo lý giải của ông Đặng Ngọc Hòa, Tổng giám đốc Daso Group, là vì nhà sản xuất không thể vừa sản xuất vừa "ôm" luôn việc phân phối, không thể tự xây dựng mạng lưới cửa hàng riêng để trực tiếp đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng.
Theo ông Hòa, việc bán hàng thông qua nhiều nhà phân phối làm tăng chi phí trung gian, nhưng nếu để nhà sản xuất tự phân phối thì chi phí đưa vào giá bán còn cao hơn. Bởi, để làm như vậy, nhà sản xuất phải đầu tư mạng lưới cửa hàng, đội xe vận chuyển, tuyển dụng nhân viên, quản lý công nợ… Điều này chẳng những nhà sản xuất không đủ sức tổ chức mà nếu tổ chức được thì cũng không hiệu quả so với mạng lưới phân phối chuyên nghiệp. Ông Hòa cho biết, ngay cả khi cung cấp thẳng đến các nhà phân phối độc lập thì ông cũng đã phải tuyển dụng một số lượng nhân viên chính thức gần 500 người để làm nhiệm vụ giám sát việc phân phối, chăm sóc khách hàng, phục vụ tiếp thị giúp cho các cửa hàng trong mạng phân phối.
Ở Công ty Tập giấy, Văn phòng phẩm Vĩnh Tiến, mạng lưới phân phối của công ty này hiện gồm khoảng 200 đại lý lớn, nhỏ. Theo ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc bán hàng của Vĩnh Tiến, nhờ những đại lý này, mạng lưới bán lẻ sản phẩm mới có thể phủ rộng khắp cả nước.
Nhưng không chỉ phân phối sản phẩm thông qua các đại lý, thực tế hiện nay phần lớn các nhà sản xuất đều hình thành nhiều kênh bán hàng để đa dạng hóa hệ thống phân phối. Ngoài việc tổ chức đại lý, các nhà sản xuất cũng cung cấp trực tiếp sản phẩm qua các kênh sẵn có như chợ, siêu thị, hoặc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất cũng tự tổ chức một số cửa hàng riêng để bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Đối với các mặt hàng chiến lược như sắt thép, xăng dầu, phân bón, xi măng… việc bán hàng cũng thông qua hệ thống các đại lý phân phối. Ở Công ty Thép miền Nam, sản phẩm của công ty này phân phối chủ yếu qua 135 đại lý cấp 1 hiện có. Chính từ các đại lý cấp 1 sẽ tổ chức mạng lưới phân phối xuống các đại lý cấp 2, cấp 3, cho đến các cửa hàng bán lẻ. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép đều tổ chức phân phối theo mô hình nói trên. Và mô hình này bị một số người cho là một phần nguyên nhân tạo ra tình trạng khan hiếm, nâng giá đầu cơ mặt hàng sắt thép vào khoảng quí 2 năm nay. Theo một cán bộ Công ty Thép miền Nam, để tránh đầu cơ thì không nên tập trung cung cấp hàng cho một, hai nhà phân phối. Đơn cử tại Công ty Thép miền Nam, một khách hàng được mua không quá 18% tổng khối lượng hàng bán ra. Vấn đề ở chỗ nhà sản xuất phải có biện pháp giám sát và kiểm tra hệ thống phân phối để hạn chế việc nâng giá bất hợp lý.
Làm sao để kiểm soát?
Các nhà sản xuất lớn, có thương hiệu mạnh, thường dễ chọn được nhà phân phối lớn, có tiềm lực mạnh, vì vậy khả năng mở rộng thị trường thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Hòa lưu ý nhà sản xuất phải tổ chức được một hệ thống gồm nhiều nhà phân phối để vừa mở rộng mạng lưới bán lẻ, vừa tránh tình trạng hụt hẫng, mất thị trường khi bị nhà phân phối quay lưng.
Mặt khác, việc chọn nhà phân phối cũng cần phải theo tiêu chuẩn chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Minh Trung, các tiêu chuẩn này thường là kinh nghiệm ngành hàng, kinh nghiệm phân phối, khả năng tổ chức mạng lưới cửa hàng, có vốn để tồn kho… Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng dù giao cho nhà phân phối nhưng công ty vẫn phải chủ động trong việc kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo chính sách giá cả mà công ty đề ra. Để kiểm soát nhà phân phối, công ty phải cử nhân viên đi giám sát, yêu cầu họ phải gửi các báo cáo định kỳ…
Với những nhà sản xuất lớn, có mặt hàng đang chiếm ưu thế trên thị trường, thì có thể chọn hình thức phân phối độc quyền sản phẩm của mình. Nhưng đối với các nhà sản xuất nhỏ thường chỉ tận dụng được các kênh phân phối sẵn có của thị trường hoặc chỉ có được các nhà phân phối cùng lúc nhiều mặt hàng, trong đó có cả những mặt hàng đang là đối thủ cạnh tranh.
|
Chợ - kênh phân phối hàng hóa truyền thống. |
Vì vậy, theo bà Trần Thị Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Dệt may Thế Hòa, chính sách dành cho nhà phân phối khá quan trọng. Nhà sản xuất phải có biện pháp để giữ ổn định về chất lượng, giá cả thống nhất, tỷ lệ chiết khấu hấp dẫn… Bên cạnh đó là những chương trình tiếp thị, khuyến mãi, quảng bá thương hiệu thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ bán được hàng.
Chưa có nhà phân phối cho thị trường quốc tế Hiện nay đã có những nhà phân phối chuyên nghiệp cho thị trường nội địa nhưng dường như vẫn thiếu bóng dáng của một nhà phân phối quốc tế. Ông Đặng Ngọc Hòa nhận xét, lâu nay các nhà sản xuất vẫn phải đích thân ra nước ngoài để tìm hiểu thị trường, tìm hiểu nhà nhập khẩu, tiếp thị hàng hóa… và để tự mình tổ chức xuất khẩu hàng hóa.
Tương tự, bà Thanh ở Công ty Dệt may Thế Hòa cũng cho biết công ty phải cử người lặn lội ra nước ngoài tìm hiểu, tiếp thị sản phẩm với khách hàng, tốn kém chi phí, thời gian. Theo bà, nếu có được những nhà buôn hàng chuyên nghiệp thì nhà sản xuất sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Các nhà buôn như vậy vẫn thấy phổ biến ở các nước khác. Họ đại diện khá nhiều nhà xuất nhập khẩu của nước họ để đi tìm hiểu thị trường, tiến hành giao dịch, ký kết các hợp đồng nhập hoặc xuất hàng.
Ông Hòa nói: "Chưa bao giờ thấy một nhà thương mại nào đến đặt vấn đề sẽ mua hàng của tôi để bán ra nước ngoài. Gần đây mới có nhà buôn Metro tập hợp một số hàng hóa của nhà sản xuất trong nước để xuất khẩu".
Bắt đầu từ quy hoạch
Đứng trước thực trạng hệ thống phân phối của chúng ta còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, Bộ Thương mại vừa tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan nhằm tìm ra các giải pháp phát triển hệ thống phân phối Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương nghiệp trong nước (Bộ Thương mại), cho biết Bộ Thương mại "khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào loại hình tổ chức phân phối hiện đại".
Ông Sáng nói rằng Nhà nước tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các loại hình phân phối hàng hóa hiện đại thông qua việc quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế.
"Khi xây dựng mới hay điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, thương mại, các địa phương cần đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch, dành quỹ đất cho việc xây dựng các cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại", ông Sáng khuyến cáo, trên cơ sở đó lập bản đồ chi tiết các địa điểm dự kiến xây dựng, bố trí sao cho đảm bảo sự phát triển hài hòa, hợp lý và cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình phân phối.
Tuy nhiên, một quan chức của Vụ Chính sách thương nghiệp trong nước thừa nhận rằng hiện nay, "chính sách khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại là gì" cũng chưa được ai làm rõ, vì vậy những khuyến khích trên đây vẫn còn nằm trên giấy.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Về đầu trang
Hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng: Công chức mệt, DN mừng?
Mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động, song Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (Hanoi Portal) nói chung và chức năng hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng tại địa chỉ này nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của một số doanh nghiệp, doanh nhân ngay từ thời gian vận hành thử.
Theo ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), hiện nay, doanh nghiệp chưa thể thực hiện các thủ tục xin cấp đăng ký kinh doanh qua mạng, nhưng có thể tìm hiểu tiến trình, thủ tục cấp phép, cũng như tải về các mẫu hồ sơ để soạn thảo tại nhà. Khi hoàn tất, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ của mình qua mạng cho bộ phận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Bộ phận này sẽ kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn doanh nghiệp chỉnh sửa, bổ sung những nội dung cần thiết và khi thấy hồ sơ hoàn chỉnh sẽ đặt lịch hẹn cho doanh nghiệp đến Sở để hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh.
“Theo thống kê của chúng tôi, thời gian qua, hằng tuần có vài ba doanh nghiệp truy cập vào địa chỉ này để được hỗ trợ. Phải nói rằng, để làm được việc này, các công chức thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh đã phải rất cố gắng, vì lực lượng mỏng, công việc thường xuyên quá tải. Tuy nhiên, có điều rất đáng mừng là số người truy cập mạng để được hỗ trợ là những doanh nhân trực tiếp có nhu cầu đăng ký kinh doanh, chứ không chỉ là các đơn vị tư vấn, hay chỉ để “xem cho biết”, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh nói. Được hỏi vì sao chưa thể tiến hành cấp phép qua mạng mà chỉ mới “hướng dẫn nháp”, ông Tuấn cho biết, lý do chính là chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để công nhận tính hợp pháp của chữ ký và con dấu điện tử.
Cùng khẳng định thực tế này, Luật sư Trần Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét thêm: “Tiến tới đăng ký kinh doanh qua mạng là việc rất nên làm, vì một mặt tạo được điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, mặt khác giúp minh bạch hóa công tác hành chính, hạn chế tiêu cực trong khâu đăng ký kinh doanh. Nhưng theo tôi biết thì ngay cả ở một số nước phát triển cũng không phải là không có vấn đề. Ở Việt Nam, trong khi các cơ quan quản lý vẫn đang phải đối phó với tình trạng “doanh nghiệp ma”, “doanh nghiệp bỏ trốn” sau đăng ký kinh doanh, còn “chính phủ điện tử” mới chỉ được thực hiện thí điểm ở một vài thành phố lớn thì đúng là hiện nay chưa thể tiến hành cấp phép qua mạng”.
Được biết, dự án “tin học hóa” các giao dịch bảo đảm phục vụ yêu cầu thế chấp, cầm cố tài sản (vốn hết sức quan trọng đối với thị trường tài chính ngân hàng, giúp hạn chế có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật) được triển khai đã lâu nhưng hiện vẫn chưa vận hành suôn sẻ. Trình độ tin học của cán bộ công chức và tầng lớp chủ doanh nghiệp cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Chị Hồng Oanh, chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hoa tươi thẳng thắn bộc bạch: “Nói thật là không nhiều người trong số các “doanh nhân nhỏ” chúng tôi đủ tự tin để vào mạng. Hiện nay, bất cứ làm việc gì, chúng tôi luôn “được” yêu cầu xuất trình những loại giấy tờ có chữ ký tươi, con dấu đỏ, hay ít nhất cũng là loại giấy tờ có công chứng. Giả sử có được cấp phép qua mạng thì các cơ quan quản lý và đối tác kinh doanh có chấp nhận không?”.
(Theo Đầu Tư)
Về đầu trang |